Hiện các trường đại học, cao đẳng đã thiết kế rất nhiều tổ hợp xét tuyển khác nhau, trong đó có những tổ hợp môn mới. Trước sự đa dạng này, các thí sinh cần có sự định hướng cụ thể trong quá trình học và chọn tổ hợp xét tuyển.
Để chọn ngành, chọn trường phù hợp, thí sinh cần tìm hiểu kỹ về tổ hợp xét tuyển của mỗi trường - Ảnh: MẠNH THÚY |
Nên chọn tổ hợp môn truyền thống hay tổ hợp môn mới để thi đang là câu hỏi được nhiều thí sinh đặt ra hiện nay khi mà các trường đại học, cao đẳng công bố phương án tuyển sinh năm 2019. Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên Ngô Ngọc Thư, năm nay, phương án tuyển sinh của các trường có một ít thay đổi nhưng tổ hợp truyền thống vẫn chiếm ưu thế. Để xác định tổ hợp môn phù hợp khi xét tuyển, ngay từ bây giờ, thí sinh phải tham khảo ý kiến của giáo viên đang trực tiếp giảng dạy, tìm hiểu phương thức và tổ hợp môn xét tuyển ở các trường.
Thực tế tuyển sinh những năm gần đây cho thấy, dù có nhiều tổ hợp xét tuyển mới được các trường bổ sung nhưng thí sinh vẫn có xu hướng đăng ký dự thi bằng tổ hợp truyền thống. Các tổ hợp mới rất ít thí sinh tham gia xét tuyển. Năm 2019, nhiều trường đại học xét tuyển thêm tổ hợp mới theo hướng sát với môn thi bắt buộc trong kỳ thi THPT quốc gia.
Trong đó có không ít trường tăng thêm tổ hợp có môn Giáo dục công dân - một môn được xếp trong tổ hợp bài thi Khoa học xã hội để xét tuyển các ngành khối xã hội hoặc trong việc tuyển thí sinh vào các ngành công nghệ.
Ví dụ, Trường đại học Nông Lâm Huế sử dụng tổ hợp Toán - Sinh học - Giáo dục công dân để xét tuyển nhiều ngành thuộc nhóm trồng trọt, nông nghiệp công nghệ cao như: khoa học cây trồng, bảo vệ thực vật, nông học, công nghệ rau hoa quả và cảnh quan. Hay như Trường đại học Quy Nhơn cũng sử dụng tổ hợp C19 (Ngữ văn - Lịch sử - Giáo dục công dân) để xét tuyển cho một số ngành: Việt Nam học, Văn học, Đông phương học…
Nhìn vào phổ điểm môn thi Giáo dục công dân trong 2 năm gần đây có thể thấy, đây là môn thi được nhận định đề dễ hơn, phổ điểm cao hơn 2 môn còn lại trong tổ hợp bài thi Khoa học xã hội và các môn khác. Do vậy, hiện có không ít học sinh đang dự định chọn tổ hợp Ngữ văn - Lịch sử - Giáo dục công dân để tham gia xét tuyển trong kỳ tuyển sinh đại học năm nay.
Em Lê Huỳnh Phương, học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi cho biết: “Bên cạnh tổ hợp khối C (Ngữ văn - Lịch sử - Địa lý), em sẽ tập trung học tốt môn Giáo dục công dân để sử dụng môn này trong tổ hợp xét tuyển nhằm tăng cơ hội trúng tuyển”.
Việc các trường sử dụng nhiều tổ hợp xét tuyển là để tạo điều kiện cho thí sinh chọn tổ hợp có ưu thế nhất để tham gia xét tuyển. Tuy nhiên, nếu các trường thu hút thí sinh bằng các tổ hợp lạ, các môn xét tuyển không tương ứng với chuyên ngành đào tạo thì thí sinh phải cẩn thận lựa chọn, bởi với vốn kiến thức trái ngành như vậy các em khó có đủ năng lực để học đến cùng và đảm bảo được các yêu cầu khắt khe theo chuẩn đầu ra.
MẠNH THÚY