Thứ Năm, 24/10/2024 03:34 SA
Cùng người dân thay đổi tập quán canh tác
Thứ Hai, 08/10/2018 13:00 CH

Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) trong nông nghiệp là “chìa khóa” để thực hiện thành công chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, từng bước nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Với ý nghĩa đó, những năm qua, Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ đã triển khai nhiều hoạt động phổ biến KHKT nhằm chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp để phát triển ngành Nông nghiệp.

 

Mô hình trồng chuối cấy mô đang được nhiều hộ sản xuất tại huyện Sông Hinh áp dụng - Ảnh: THÁI HÀ

 

Đẩy mạnh chuyển giao công nghệ

 

Năm 2018, Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ được Sở KH-CN giao nhiệm vụ tập huấn các tiến bộ kỹ thuật cho nông dân trong toàn tỉnh. Theo đó, trong tháng 8 và 9/2018, trung tâm đã mở 20 lớp tập huấn (50 người/lớp) tại các huyện, thị xã, thành phố để chuyển giao quy trình kỹ thuật thâm canh cây chuối cấy mô, nuôi trồng nấm ăn và nấm dược liệu, trồng hoa ly ly, hoa cúc, nhân giống và trồng keo lai... đến người dân.

 

Để thực hiện tốt đợt chuyển giao này, trước đó, trung tâm đã phối hợp với các phòng Kinh tế, Kinh tế - Hạ tầng, NN-PTNT, Hội Nông dân 9 huyện, thịxã, thành phố khảo sát, nắm bắt nhu cầu của địa phương, qua đó xây dựng nội dung kế hoạch tập huấn phù hợp.

 

Là một cán bộ chuyên về giống cây trồng, ông Đàng Năng Bửu, chuyên gia kỹ thuật Công ty CP Giống cây trồng Nha Hố (Ninh Thuận), được Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ mời về giới thiệu cho người dân cách canh tác bắp theo hướng mới. Ông Bửu khẳng định, để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, người dân cần thay đổi nhận thức, tập quán canh tác theo hướng hiện đại.

 

Còn theo ông Trương Hùng Mỹ, Trưởng Phòng Kỹ thuật và Chuyển giao công nghệ, (Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ), ngoài việc chuyển giao tiến bộ KHKT cho người dân, trung tâm đang nỗ lực phát triển các sản phẩm nông nghiệp theo hướng kết nối nông dân với thịtrường và doanh nghiệp.

 

Tuy nhiên, để làm được điều này, nông dân cần mạnh dạn thay đổi tư duy, cách làm cho phù hợp với yêu cầu của cơ chế thị trường; cần hình thành các tổ chức hợp tác nông dân lớn để ứng dụng công nghệ cao, công nghệ chế biến bảo quản nông sản, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.

 

Cùng người dân thay đổi tập quán sản xuất

 

Trong 20 lớp tập huấn được mở để chuyển giao tiến bộ KHKT cho người dân toàn tỉnh, có thể thấy những cán bộ kỹ thuật Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ đã có sự chuẩn bịkỹ càng về tài liệu, khâu tổ chức cũng như không ngại đường sá xa xôi, đi từ các xã Sông Hinh, Đức Bình Tây, Ea Bia của huyện Sông Hinh đến Xuân Quang 1, Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân), Xuân Lâm, Xuân Lộc (TX Sông Cầu)… Các buổi tập huấn này là hoạt động để cán bộ trung tâm chuyển giao các tiến bộ KHKT cho người dân; đồng thời cũng là dịp ghi nhận những phản hồi, trăn trở của người dân trong quá trình sản xuất để cùng bàn cách tháo gỡ.

 

Phấn khởi vì kết quả của các hoạt động chuyển giao KHKT do trung tâm triển khai, ông Trương Văn Minh, một người tham gia mô hình trồng bắp ủ chua tại xã An Dân (huyện Tuy An), chia sẻ: “Các vùng trồng bắp của huyện Tuy An trước đây canh tác theo kiểu cũ, đa số nhờ nước trời, năng suất không đồng đều, hạt bắp làm ra cũng chỉ tiêu thụ tại địa phương nên giá cả bấp bênh. Từ khi Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ chuyển giao cho người dân quy trình trồng mới và phối hợp với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, người dân ở đây ai cũng phấn khởi vì bắp cho năng suất cao và bán được giá. Cây bắp sau khi thu hoạch giờ không chỉ phục vụ cho chăn nuôi tại địa phương mà được xử lý, đóng gói đưa đi bán ngoài tỉnh và xuất khẩu ra nước ngoài”.

 

Đánh giá cao chương trình tập huấn của trung tâm, ông Nguyễn Văn Tưởng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sông Hinh (huyện Sông Hinh) cho biết: “Các lớp tập huấn đã đưa cán bộ kỹ thuật về gần với dân; cùng người dân tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình sản xuất. Cán bộ cũng chịu khó đi tham quan thực tế sản xuất tại địa phương, trăn trở cùng người dân khi thấy cây tiêu bị bệnh chết nhanh, chết chậm và đang nghiên cứu tìm giải pháp trừ sâu đục thân trên cây sầu riêng bởi đây là cây trồng mới, vừa được Sông Hinh trồng thử nghiệm”.

 

Việc chuyển giao ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp thời gian qua đã góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất cây trồng, hiệu quả sản xuất, cải thiện đời sống người dân trong tỉnh. Thời gian tới, Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh công tác chuyển giao KHKT cho người dân, giúp người dân ứng dụng KHKT vào sản xuất, phát triển kinh tế một cách bền vững.

 

Bà Đặng Thị Thủy, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ

 

THÁI HÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek