Mới đây, đoàn công tác của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH-CN-MT) của Quốc hội đã có buổi giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về KH-CN-MT tại Phú Yên. Theo đó, đoàn đánh giá cao những kết quả tỉnh đạt được thời gian qua, đồng thời có những kiến nghị hữu ích giúp tỉnh phát triển mạnh hoạt động này trong thời gian tới. Báo Phú Yên trao đổi với Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH-CN-MT Phùng Đức Tiến, Trưởng đoàn giám sát xoay quanh vấn đề này.
Ông Phùng Đức Tiến |
* Ông đánh giá như thế nào về những kết quả mà Phú Yên đạt được trong việc triển khai Nghị quyết 297 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật phát triển KH-CN?
- Thời gian qua, Phú Yên đã tích cực, chủ động thực hiện Nghị quyết 297. Cụ thể, tỉnh đã kịp thời đề ra các chủ trương, chính sách, sửa đổi, bổ sung và đổi mới cơ chế chính sách, quản lý theo hướng hiệu quả, chất lượng; hoạt động nghiên cứu ứng dụng đề tài dự án KH-CN theo hướng có địa điểm áp dụng và nhân rộng; cụ thể hóa kịp thời các chính sách, quy định của Trung ương về phát triển KH-CN. Qua đó, tỉnh cơ bản hoàn thiện môi trường pháp lý về KH-CN trên địa bàn, tạo điều kiện khuyến khích lực lượng khoa học tham gia đóng góp tài năng, trí tuệ vào sự nghiệp phát triển KH-CN của tỉnh.
Phú Yên cũng tiếp tục kiện toàn cơ cấu tổ chức của bộ máy KH-CN cấp tỉnh đảm bảo tinh gọn và hiệu quả, thực hiện cơ chế tự chủ và tự chịu trách nhiệm đối với các tổ chức KH-CN; tiếp tục nghiên cứu hình thành quỹ phát triển KH-CN cấp tỉnh. Đồng thời khuyến khích thành lập quỹ phát triển KH-CN của doanh nghiệp nhằm huy động các lực lượng xã hội chung tay phát triển lĩnh vực này.
Ngoài ra, Phú Yên còn chủ động đề xuất đặt hàng và triển khai 9 nhiệm vụ KH-CN cấp quốc gia; phê duyệt đề án phát triển thị trường KH-CN, trong đó có tổ chức khảo sát và đánh giá trình độ công nghệ của các doanh nghiệp nhằm xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ tiên tiến hiện đại. Qua đó khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nâng cao trình độ công nghệ trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tỉnh cũng đã xây dựng chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2017-2020 cho các sản phẩm chủ lực; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu xây dựng một số thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng trên địa bàn Phú Yên...
* Qua khảo sát thực tế tại Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hoàng Long Vina (huyện Đông Hòa) và Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc (TX Sông Cầu), ông nhận định như thế nào về mô hình của các doanh nghiệp này?
- Theo lộ trình đến năm 2020, toàn quốc sẽ có 3.000 doanh nghiệp KH-CN nhưng đến nay mới chỉ có hơn 300 doanh nghiệp. Chúng tôi xác định doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới sáng tạo nhưng thời gian qua, nhiều tỉnh vẫn chưa tạo điều kiện ưu đãi tương xứng.
Đoàn giám sát khảo sát thực tế tại Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc - Ảnh: THÙY THẢO |
Chính vì vậy, rất nhiều doanh nghiệp đạt được tiêu chí của doanh nghiệp KH-CN nhưng chưa được công nhận doanh nghiệp KH-CN. Do đó, tổng kết lại chỉ mới có 37 doanh nghiệp trên toàn quốc được hưởng chính sách ưu đãi KH-CN. Trong đó, Phú Yên có 2 doanh nghiệp được công nhận; một doanh nghiệp nghiên cứu sản xuất phân bón NPK một hạt sử dụng cho một số cây trồng bằng kỹ thuật tạo hạt dạng tháp cao phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững, doanh nghiệp còn lại ứng dụng KH-CN tiên tiến trong nuôi tôm. Số lượng doanh nghiệp KH-CN ở Phú Yên như vậy là rất ít. Nhưng tôi đánh giá đây thực sự là các doanh nghiệp KH-CN ứng dụng sản xuất sản phẩm phát triển kinh tế - xã hội.
Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hoàng Long Vina đã có hướng phát triển tích cực và đang mở rộng thị trường ở vùng Nam Bộ; còn Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc đã nuôi tôm giống đạt chuẩn với hệ thống nuôi nhà lưới, hướng đến bảo vệ môi trường và phát triển du lịch...
* Hiện Phú Yên cũng còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện Nghị quyết 297, ông có những định hướng, kiến nghị gì?
- Đoàn chia sẻ với những khó khăn Phú Yên đang gặp phải trong công tác ứng dụng KH-CN. Trong thời gian tới, Phú Yên có rất nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nên tỉnh cần tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp; đẩy mạnh phát triển chuỗi sản phẩm an toàn, chất lượng; phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao... Đối với những kiến nghị của tỉnh, đoàn giám sát sẽ tiếp thu và tổng hợp gửi đến Quốc hội xem xét.
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu được nghiệm thu, đoàn tiếp tục hướng dẫn cho tỉnh có những giải pháp khơi dậy các tiềm năng phát triển; tiếp tục theo dõi giám sát các văn bản quy phạm pháp luật; các chính sách pháp luật còn chồng chéo chưa thuận lợi để tháo gỡ cho doanh nghiệp...
* Xin cảm ơn ông!
THÙY THẢO (thực hiện)