Ông Nguyễn Đình Thân Phó Chủ tịch UBND xã An Hoà (Tuy An) bức xúc: “Xã thực hiện đổi đất lấy công trình để kiên cố hóa trường lớp học giúp con em địa phương có chỗ học đàng hoàng. Song, tình trạng trẻ em bỏ học giữa chừng ngày càng nhiều. Trẻ không chịu ra lớp phần lớn là do cha mẹ không quan tâm đến chuyện học hành của con cái”.
Em Biện Thị Hoàng Bến (thôn Phú Thường) không chịu vào lớp 6 trong năm học này vì em lớn tuổi hơn các bạn. Mặc dù khi học lớp 5, Bến đạt loại giỏi và làm lớp phó học tập. Ở tuổi 15, Bến thấy… mắc cỡ khi xung quanh trong lớp chỉ toàn các bạn tuổi như em mình. Một lý do nữa là Bến không biết đi xe đạp, còn nhờ đến các bạn thì… chẳng ai chở nổi! Cha mẹ Bến vừa làm nông vừa đi biển lo cuộc sống gia đình, không mấy để tâm đến chuyện học hành của con. Khi có người đến vận động cho con đi học, ông Biện Cư, cha em Bến tỏ ra thờ ơ:“Vợ chồng tôi cũng khuyên nó đi học, nhưng nó thích nghỉ thì cho nghỉ chứ biết làm sao đây. Con gái mà, ở nhà phụ cha mẹ cơm nước vài năm rồi lấy chồng cho khỏe thân, học hành chi nhiều”. Việc Bến học muộn là do khi đang học lớp 3, em bỏ học 3 tháng để theo gia đình vào tận Phan Rang (Ninh Thuận) làm ăn. Sau khi về lại quê, thầy chủ nhiệm không chấp nhận cho em học lại, nên đành nghỉ luôn. 3 năm sau, có cuộc vận động trẻ đến lớp để thực hiện phổ cập thì Bến được trở lại trường và học lại chương trình lớp 2.
Em Biện Thi Hoàng Bến nói rằng do lớn tuổi nên nghỉ học để phụ việc gia đình - Ảnh: Thu Thủy
Ở thôn Phú Thường ngày càng có nhiều học sinh cùng rủ nhau nghỉ học với những lý do mà các em tự cho là chính đáng! Em Nguyễn Thanh Tuấn theo mẹ đi Nha Trang làm ăn. Em Đoàn Thị Mỹ Kim, ở nhà chăn bò để cho em mình được đi học. Em Dương Ngọc Đài theo anh đi Từ Nham (Sông Cầu) làm biển…
Vừa qua, đoàn “liên ngành” gồm nhà trường, các hội đoàn thể, chính quyền địa phương đã đến tận gia đình các em thuyết phục (chủ yếu là học sinh lớp 5 lên lớp 6). 8 gia đình ở thôn Phú Thường hứa sẽ cho con ra lớp và ký vào biên bản. Gia đình nào lấy lý do nghèo, không cho con đi học thì nhà trường cho mượn sách và giảm các khoản tiền đóng góp. Thế nhưng đến nay, vẫn chưa có em nào trở lại trường.
Thầy giáo Nguyễn Kim Hoàng, Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng cho biết: “Trường đã thực hiện hai đợt vận động đến tận nhà dân. Chúng tôi đưa ra các hình thức động viên là khi em nào đi học lại sẽ nhờ các bạn trong lớp chép bài giúp, thầy cô bồi dưỡng thêm, ngay cả đến tận nhà để dạy. Nhưng học sinh không chịu nghe mà còn chạy trốn khi thấy giáo viên đến tìm”.
Trong năm học 2006-2007, trường THCS Huỳnh Thúc Kháng (An Hòa- Tuy An) có đến 41 học sinh bỏ học, chủ yếu là ở 3 thôn ven biển Phú Thường, Nhơn Hội, Hội Sơn. Trong đó, 34 em không đến lớp ngay từ đầu năm, 7 em bỏ học giữa chừng từ đầu tháng 9 đến nay. Dù đã dùng nhiều biện pháp vận động tích cực từ phía nhà trường, các tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương nhưng đến nay, số học sinh này vẫn chưa ra lớp.
Theo lãnh đạo nhà trường và chính quyền địa phương, trẻ bỏ học không chỉ vì lý do học yếu, bạn bè rủ rê, thích mưu sinh kiếm tiền sớm mà phần lớn là do cha mẹ không thúc nhắc, không hợp tác vận động. Thậm chí, họ còn cho là đúng đắn khi quyết định cho con thôi học. Bà Nguyễn Thị Hoa (Hội Sơn) nói: “Một ngày, bọn trẻ tuổi 12, 13 ( học sinh lớp 7-8 ) đi phụ làm biển được 20.000 đồng. Như thế, một tháng, chúng sẽ dành dụm được 600.000 đồng. Cứ như vậy, nếu không theo học tới lớp 12, tụi nhỏ cũng để dành được khoảng 80 triệu bạc mỗi đứa, đủ sức làm của hồi môn khi lập gia đình. Đúng là còn hơn xa những đứa khác học xong 12, rồi học hơn nữa nhưng vẫn thất nghiệp ở nhà…”! Bà Hoa còn nói thêm: “Nếu cho con trai học tới lớp 9, nó đủ điều kiện đi nghĩa vụ quân sự thì coi như gia đình mất toi công lao động. Chi bằng cho con học tới lớp 7, lớp 8 là vừa!”.
VŨ HOÀNG