Thứ Ba, 01/10/2024 16:36 CH
Một biện pháp chống đọc - chép trong dạy học
Thứ Bảy, 02/12/2006 07:36 SA

Ngành giáo dục đang kêu gọi “chống đọc chép” trong dạy học vì  ai cũng biết việc thầy đọc cho học sinh ghi bài khi lên lớp là một phương pháp truyền thụ quá lạc hậu. Đây là một lời kêu gọi đúng đắn nhưng thực hiện như thế nào cho hiệu quả là không dễ…

 

061202-hoc-sinh.jpg

Giáo viên cần kích thích tính tự học trong học sinh – Ảnh: M. THÚY

Ở các nước có nền giáo dục phát triển, việc học tập được tiến hành trên cơ sở hoàn toàn tự giác. Người dạy không phải nhắc nhở gì thêm về các yêu cầu thuộc phương pháp, cách thức, các bước cần thực hiện trong một giờ học đối với người học. Từ bé, học sinh đã được xây dựng một thói quen tự giác đọc sách giáo khoa và đọc tư liệu tham khảo. Đầu mỗi năm học, người thầy làm công việc giới thiệu toàn bộ các tài liệu liên quan đến bộ môn mình phụ trách; mỗi học sinh đều có một bộ sách giáo khoa trong tay, các em sử dụng bộ sách này như một công cụ học tập bắt buộc. Riêng sách tham khảo học sinh có thể tự  mua hoặc tìm đọc ở thư viện trường. Trước khi lên lớp, tất cả học sinh đều có sự chuẩn bị bài ở nhà. Các em đọc, suy nghĩ, tìm cách lý giải những vấn đề được nêu ra trong sách để phát hiện kiến thức mới. Vào giờ học, người thầy chỉ làm công việc khơi gợi, hướng dẫn, tổng kết. Học sinh tự ghi chép những điều cần lưu ý vào vở, những điều gì đã có trong sách giáo khoa thì không cần ghi lại. Và như vậy, sau giờ học, lẽ tự nhiên học sinh có thêm nhiều kiến thức mới.

 

Ở ta, trong điều kiện kinh tế-xã hội và với thực lực đội ngũ giáo viên hiện nay, với ý thức về bổn phận-trách nhiệm chưa cao của một bộ phận không nhỏ cả phía người dạy lẫn phía người học hiện nay, để thực hiện phương châm “thầy chủ đạo, trò chủ động” rõ ràng không phải là điều đơn giản. Dẫu vậy, ngành giáo dục cũng không thể trù trừ, chậm chạp, thiếu kiên quyết trong việc chỉ đạo đổi mới phương pháp giảng dạy. Đã đến lúc các cấp quản lý xã hội phải cùng thống nhất ý kiến trong chỉ đạo và các lực lượng xã hội cùng xắn tay hợp sức chăm lo thì mới mong công tác giáo dục và đào tạo con người đáp ứng được các yêu cầu trong giai đoạn mới.

 

Biện pháp ở đây là những cách thức tạo thói quen cho học sinh làm việc. Hàng ngày giáo viên yêu cầu  học sinh phải chuẩn bị bài ở nhà (đọc, tìm hiểu bài trước, soạn bài mới dưới hình thức trả lời các câu hỏi trong sách giáo khoa, dùng bút chì đánh dấu hỏi ở những chỗ còn thắc mắc-chưa rõ-chưa hiểu). Khi đến lớp giáo viên dành năm phút để kiểm tra việc chuẩn bị bài của các em. Sau đó, giáo viên hướng dẫn học sinh khám phá kiến thức bài mới bằng hệ thống câu hỏi, bằng các hình ảnh-thí nghiệm minh hoạ, bằng hình thức trao đổi thảo luận giữa các nhóm tại lớp…

 

Trong khi thầy và trò cùng làm việc, giáo viên lần lượt ghi các đề mục lên bảng, học sinh vừa theo dõi sách giáo khoa vừa tham gia xây dựng bài vừa tự chắt lọc kiến thức rồi ghi vào vở một cách ngắn gọn để tham khảo sau này. Việc ghi chép của học sinh có thể dẫn đến tình trạng cùng một lớp nhưng khả năng làm việc và tiếp thu của các em không giống nhau. Có thể có học sinh ghi đúng, có hệ thống nhưng có thể sẽ có trường hợp viết không được hoặc ghi linh tinh đến lúc đọc không biết em ấy muốn ghi nhận điều gì.

 

Chúng ta không nóng ruột và sợ hãi. Bằng sự kiểm tra, người thầy sẽ chỉ ra chỗ sai, hướng dẫn lại các em cách ghi chép, hướng dẫn các em cách học từ  sách giáo khoa và tìm hiểu kiến thức mở rộng trên sách tham khảo. Nếu giáo viên e ngại vốn các em quen học những gì của thầy cho chứ không quen học trên sách và tài liệu thì  trong khi chờ đợi xây dựng được  một thói quen học tập tích cực cho học sinh, tạm thời chúng ta vẫn có thể giải quyết mối lo này bằng cách  sau khi dạy xong bài giáo viên gởi cho lớp một bản tóm tắt những kiến thức trọng tâm của bài giảng được đánh vi tính rõ ràng trên giấy A4 (mà lẽ ra bình thường giáo viên phải viết lên bảng cho học sinh ghi lại hoặc đọc cho học sinh chép). Lớp sẽ photo để mỗi học sinh đều có một bản y nhau làm tài liệu học tập. Hiện nay hầu như trường nào cũng có máy vi tính, địa phương nào cũng có máy photo, sao chúng ta không tận dụng các thiết bị này để phục vụ cho việc dạy-học của chúng ta? Khi các thầy cô giáo thoát ly được việc đọc cho học sinh ghi (mà học sinh vẫn có cái để học) có nghĩa là các thầy cô sẽ có thêm nhiều thời gian để cùng học sinh đào sâu kiến thức bài mới, trên lớp không có thời gian chết, lớp học trở nên sinh động, thầy và trò được làm việc suốt tiết dạy-tiết học không phải là việc có ích sao?

 

CHÁNH LỘC

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek