Thứ Ba, 01/10/2024 08:36 SA
Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục:
Làm thế nào để có chất lượng?
Chủ Nhật, 26/11/2006 07:49 SA

Công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục được Bộ GD - ĐT triển khai từ năm học 2004 - 2005. Đây là vấn đề mới đối với các cấp quản lý giáo dục. Tuy nhiên, do bộ chưa ban hành các nội dung, tiêu chí và quy trình kiểm định chất lượng cho các cấp quản lý để triển khai thực hiện nên từng địa phương làm theo mỗi  cách khác nhau. “PYO” xin giới thiệu một số giải pháp được đưa ra  tại hội thảo “Công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục” do Sở GD - ĐT Phú Yên và Sở GD - ĐT TP Hồ Chí Minh vừa phối hợp tổ chức  tại TP Tuy Hòa.

 

Ông Trần Văn Tỉnh, Phó Giám đốc Sở GD – ĐT Khánh Hoà: THẲNG THẮN TRONG QUÁ TRÌNH TỰ ĐÁNH GIÁ

 

061126-tinh.jpgBên cạnh những chủ trương và biện pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đổi mới quản lý chất lượng giáo dục là một giải pháp được quan tâm đặc biệt. Nhiều người cho rằng yếu tố quyết định hiệu quả giáo dục chính là chất lượng các chương trình đào tạo. Nhưng ai sẽ là người đánh giá để khẳng định chất lượng chương trình đào tạo đó, tiêu chí nào để đánh giá công tác này? Lâu nay, mặc dù là người trực tiếp chỉ đạo về chuyên môn nhưng khái niệm về chất lượng đào tạo đối với tôi và nhiều đồng nghiệp khác vẫn còn mơ hồ. Vì vậy, tôi đánh giá cao về công tác kiểm định chất lượng giáo dục mà Bộ GD – ĐT đang triển khai. Tuy nhiên, để công tác này đem lại hiệu quả, theo tôi, bên cạnh việc xây dựng cho được các chuẩn mực theo bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng thì ngành giáo dục cần thẳng thắn trong tự đánh giá. Nghĩa là không chỉ là một báo cáo đơn giản của tập thể hay cá nhân mà là quá trình rà soát, rút kinh nghiệm, tự hoàn thiện thông qua việc tự nhìn nhận, tự chỉ ra những điểm mạnh, điểm yếu của chính mình và các biện pháp khắc phục nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, tiến tới đăng ký kiểm định chất lượng.

 

Ông Lê Nhường, Phó Giám đốc Sở GD – ĐT Phú Yên: HẠN CHẾ TÌNH TRẠNG “ĐỌC - CHÉP”

 

061126-nhuong.jpgLâu nay, kiểm tra đánh giá và xếp loại các mặt giáo dục của học sinh giao cho giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm lớp và ban giám hiệu nhà trường đánh giá theo quy chế của Bộ GD – ĐT. Kiểm định chất lượng giáo dục của một đơn vị trường học chủ yếu qua thanh tra toàn diện giáo viên, thanh tra đánh giá toàn diện đơn vị trường học theo quy định và qua kiểm tra đánh giá thi đua theo tiêu chí hàng năm. Việc làm này đã đi vào nề nếp, có tác dụng điều chỉnh và thúc đẩy các hoạt động giáo dục để đạt mục tiêu giáo dục của cấp học, ngành học. Song cũng còn nhiều bất cập, đánh giá chất lượng giáo dục ở nơi này, nơi khác chưa đồng bộ, khách quan theo một tiêu chí mặt bằng thống nhất chung. Trong quy trình ấy có những khâu quan trọng nhất hiện còn bỏ ngõ là xây dựng một ngân hàng đề và tuyển chọn ra bộ đề để khảo sát, kiểm tra chất lượng các môn văn hoá theo một tiêu chí khoa học và đạt mức độ yêu cầu chuẩn của chương trình. Do đó, để loại trừ tiêu cực trong kiểm tra đánh giá và thi, phải bắt đầu từ chính bản thân giáo viên. Đó là cần phải thay đổi cách dạy học, phải biến quá trình “thầy đọc, trò chép” thành quá trình tự học của học sinh.

 

Ông Hồ Phú Bạc, Trưởng phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD – ĐT  TP Hồ Chí Minh): XÂY DỰNG CÁC TIÊU CHÍ CỤ THỂ ĐỂ ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG HỌC TẬP VÀ ĐÀO TẠO

 

061126-bac.jpgKiểm định chất lượng là quá trình đánh giá bên ngoài  (đánh giá đồng nghiệp) dựa trên cơ sở tự đánh giá của nhà trường, nhằm đưa ra một quyết định công nhận trường hay một chương trình đào tạo đáp ứng các tiêu chuẩn; đảm bảo với xã hội và các cơ quan có thẩm quyền rằng chất lượng giáo dục của trường mình đạt được những chuẩn mực nhất định. Để thực hiện được điều này, hiện ngành GD – ĐT TP Hồ Chí Minh đang áp dụng hai định hướng: Xây dựng các tiêu chuẩn, tiêu chí để đánh giá chất lượng của nhà trường và Xây dựng bộ công cụ để đánh giá học sinh qua thành quả học tập của các em.

 

Trước mắt, bộ công cụ này được áp dụng cho học sinh khối lớp 3, lớp 6 và lớp 10 ở 3 bộ môn Ngữ văn, Toán, tiếng nước ngoài. Dựa trên bộ công cụ này, mỗi học sinh đến lớp cần phải hội đủ các yêu cầu trong quá trình học tập gồm khái niệm, kiến thức, kỹ năng, thái độ… chứ không chỉ dựa trên điểm số một bài kiểm tra để cho rằng học sinh giỏi hay dở. Đồng thời, trên cơ sở này, Phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục xây dựng ngân hàng đề thi để qua đó đánh giá quá trình học tập của các em.

 

Ông Lê Đức Kỳ, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Trung Kiên (huyện Đông Hòa): CẦN TRUNG THỰC TRONG KIỂM TRA

 

061126-ky.jpgKiểm tra, đánh giá là khâu hết sức quan trọng trong quá trình dạy học. Mục đích của việc kiểm tra là để đánh giá kết quả quá trình đào tạo của nhà trường. Từ trước đến nay, các trường chỉ lo cho đầu vào, cho các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu…  Chưa mấy ai nghĩ đến đánh giá công việc mình đã làm hoặc tổ chức đánh giá chất lượng đào tạo của một tập thể hay các cá nhân đã thực hiện trong thời gian qua. Trường nào hiệu trưởng, ban giám hiệu thực sự quan tâm  thì hoạt động kiểm tra, đánh giá phản ánh trung thực, khách quan, nơi nào buông lỏng thì mọi người làm chiếu lệ… học sinh giỏi, dở vô tình đều được cào bằng. Vì vậy, kiểm định chất lượng rất cần ý thức tự giác trong quá trình kiểm tra, đánh giá của mỗi trường. Một khi các trường đồng thuận với công tác kiểm định, đưa hoạt động này trở thành nội dung thường nhật và tiến hành trung thực thì chất lượng giáo dục mới có cơ hội được kiểm định đúng thực chất.

 

THUÝ HẰNG

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek