Những giờ học ngoại khóa luôn là khoảng thời gian thoải mái nhất trong các giờ học ở trường, không áp lực thi cử, không phải kiểm tra bài cũ. Hơn nữa, các em được lựa chọn môn học nên chất lượng học cũng tốt hơn. Dù vậy, không phải trường nào cũng triển khai tốt giờ học này...
Các trường thường đưa vào chương trình ngoại khóa các môn về hướng nghiệp, dạy nghề, văn thể mỹ, kỹ năng giao tiếp, sinh hoạt Đoàn… Tuy nhiên, việc chọn môn học ngoài sở thích cá nhân, còn tùy thuộc vào nhu cầu của xã hội và cơ sở vật chất của mỗi trường. Ở Phú Yên, do cơ sở vật chất các trường học còn hạn chế, nên giờ học ngoại khóa của học sinh chưa thể triển khai rộng, chủ yếu tập trung tuyên truyền những vấn đề bức thiết như an toàn giao thông, phòng chống ma túy, HIV/AIDS, giáo dục giới tính…
Giờ học ngoại khóa tạo điều kiện cho học sinh thực hành thực tế - Ảnh: Thúy Hằng |
Tùy từng trường mà giờ học và cách tổ chức giờ học ngoại khóa khác nhau. Đối với các trường phân ban, giờ học ngoại khóa được đưa vào chương trình học bắt buộc do giáo viên chủ nhiệm phụ trách. Mỗi tuần sẽ có một tiết sinh hoạt hướng nghiệp theo chủ đề tự chọn. Các trường học 2 buổi/ngày dành hẳn 1 – 2 buổi cho giờ học ngoại khóa.
Tại Trường THPT Nguyễn Huệ, giờ học ngoại khóa về phòng chống ma túy và HIV/AIDS trong trường học được thầy trò tổ chức khá hấp dẫn. Giáo viên và học sinh biến giờ học thành một cuộc thi thông qua các hình thức như: tiểu phẩm, giải quyết tình huống và thầy trò chất vấn trực tiếp… Giờ học trở nên gần gũi, bởi cả giáo viên và học sinh có thể trao đổi một cách thoải mái những gì mình chưa hiểu, chưa thông. Ông Nguyễn Hữu Phước, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Để học sinh hiểu về tác hại của ma túy, phương thức thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy và cách thức phòng chống, nếu chúng tôi dạy theo cách “thầy nói trò nghe” thì sẽ không tránh khỏi tình trạng “nghe trước quên sau”. Vì vậy, bên cạnh tuyên truyền lồng ghép vào các giờ học chính khóa, trường còn tổ chức cho các em được học tập thông qua giờ học ngoại khóa”.
Cô giáo Nguyễn Thị Như Thân, giáo viên Trường TH số 2 Hòa Mỹ Tây (huyện Tây Hòa) cho biết: “Học tập căng thẳng, sức ép thi cử cao hiện nay rất dễ tạo áp lực không đáng có cho học sinh. Giờ học ngoại khóa chính là tạo điều kiện để các em vui chơi có ích. Ngoài ra, các em còn được hướng dẫn, tư vấn học tập”. Cô giải thích: Theo quy định của chương trình tiểu học, học sinh được học 6 bài về an toàn giao thông và 2 tiết tự ôn tập. Để giờ học đạt hiệu quả, chí ít giáo viên phải giúp học sinh nhận biết được những gì trong sách nêu như: biển báo, ký hiệu, tín hiệu đèn giao thông… Học sinh thành phố, thuận lợi hơn vì các em có điều kiện tiếp xúc hàng ngày, còn với học sinh nông thôn thì đây là vấn đề khó. Vì vậy, để giúp các em hiểu, giáo viên không chỉ tự làm đồ dùng dạy học mà còn phải biết tổ chức các hình thức học tập phù hợp. Trong đó, lựa chọn hiệu quả nhất là học ngoại khóa.
Giờ học ngoại khóa có ý nghĩa rất thiết thực, song mô hình học tập này hiện chưa được mở rộng vì hạn chế về cơ sở vật chất. Mặt khác, các trường chưa có sự chủ động, sáng tạo trong cách tổ chức. Các giờ học ngoại khóa còn nặng về hình thức, chủ yếu “khoán” cho giáo viên chủ nhiệm. Giáo viên nào có tâm huyết thì giờ học thiết thực, bổ ích; còn ngược lại thì sách nói sao, cô giáo thuật lại vậy.
Ông Lê Nhường, Phó Giám đốc Sở GD – ĐT, cho biết: “Theo quy định của ngành, giờ học ngoại khóa bắt buộc phải có trong một năm học và tổ chức như thế nào là do điều kiện của mỗi trường. Chính vì thế, các trường cần chủ động hơn trong quá trình tổ chức. Có như thế, giờ học ngoại khóa mới đem lại hiệu quả. Đó cũng là một cách xả stress cho các em sau những giờ học chính khóa căng thẳng”.
THÚY HẰNG