Thứ Ba, 01/10/2024 18:39 CH
Nghề dạy học:“Nghiệp” hay “đạo”?
Thứ Bảy, 04/11/2006 07:51 SA

Dạy học là một công việc cao cả và giàu tính nhân bản.  Đó là điều hẳn nhiên không ai bàn luận. Người làm nghề dạy học chỉ có thể trở thành người thầy đúng nghĩa, đầy đủ bản lĩnh khi trong con người của thầy mang đủ hai yếu tố tâm và lực.

 

061104-co-giao.jpg

Người làm nghề dạy học chỉ có thể trở thành người Thầy đúng nghĩa, đầy đủ bản lĩnh khi trong con người của Thầy mang đủ hai yếu tố tâm và lực - Ảnh: Thúy Hằng

 

Trước sau, nghề làm thầy chỉ thực hiện một công việc, đó là đào tạo con người. Nếu một công trình sư hay người thợ chế tạo cỗ máy không hoạt động được, đem bán phế liệu vẫn còn thu  được phần vốn. Nếu người thầy đào tạo một lớp học trò không ra hồn thì hỏng cả thế hệ. Xã hội chẳng thu nhận được gì mà thiệt hại này còn kể sao cho xiết! Bởi vậy, thật nguy hiểm khi đâu đó vẫn còn những người cầm phấn đứng trên bục giảng vừa thiếu lòng dạ hăng hái vừa thiếu khả năng làm việc, vừa thiếu tình yêu thương học sinh vừa thiếu năng lực truyền đạt kiến thức cho người cần lĩnh hội. Vai trò của người Thầy đối với sự phát triển một quốc gia không phải nhỏ. Người xưa chả nói “Lương sư hưng quốc” là gì?

 

Ngợi ca nghề dạy học, các danh hiệu tôn vinh, kể cả tôn xưng, thật mỹ miều. Chắc chắn những ai đã làm thầy sẽ cảm thấy hết sức  tự hào và sung sướng vì được khoác lên người những danh xưng ấy.  Thông thường, càng được ngợi ca người ta càng cố gắng dốc sức thể hiện đúng vai trò trong công việc để không hổ danh. Và niềm tự hào xen lẫn hạnh phúc sẽ trào dâng khi người ta nhận thức đúng về mình như ngộ được chính mình. Vậy mà khi gặp gỡ, khi hỏi thăm công việc, một số thầy lại nói với nhau : “Ối dào! Cái nghiệp làm thầy ấy mà!”.  Tự dưng chợt nhớ đôi câu thơ trong truyện Kiều: “Đã mang lấy nghiệp vào thân/ Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa”. Thử hỏi chữ “nghiệp” mà các thầy dùng ở đây mang ý nghĩa nào? Đó là công việc làm; là việc làm để sinh nhai, hay công việc đã làm ở kiếp này được mang sang kiếp sau, dù hay dù dở, cứ luân hồi mãi theo quan điểm nhà Phật, mà cái nghiệp ấy là tự mình gây ra, hễ có thân là có nghiệp, thân với nghiệp cứ đeo đẳng mãi. Dù hiểu ở góc độ nào, nghĩ như thế đều tội nghiệp cho nghề làm thầy. Sao lại cho rằng việc dạy học là một cái nghiệp? Khi bàn vấn đề này, nhiều người, rất nhiều người, không chịu cách nói như đã đề cập mà phải nói rằng “Dạy học chính là Đạo”. Xét theo nguyên nghĩa, đạo có nghĩa là đưa đường, là chỉ dẫn, là dạy bảo, là thông suốt không bị ngăn trở. Phải hiểu đưa đường  chứ không phải đưa đò. Người đưa đò rất sòng phẳng, khách sang sông khách phải trả tiền. Đời nay, người đưa đò cầm phấn không ít song xét cho khách quan để nhận diện đúng những người một đời mang hết tâm lực đưa đường, chỉ dẫn và dạy bảo để người khác hiểu biết và thông suốt, lẽ ấy cao diệu lắm!

 

Có thể ví nôm na, người làm nghề dạy học giống như nước mưa chảy trên mái ngói. Ngói  sắp lớp, viên trên che viên dưới, nước mưa cứ việc chảy từ lớp này sang lớp khác một cách thông suốt mà không hề bị ngăn trở. Khi những giọt nước mát trong lành này thấm vào đâu đó, chắc chắn nó phải mang lại ít nhiều kết quả tốt đẹp. Đất sẽ tươi mát thấm nhuần, cây lá sẽ xanh tươi, con người sẽ sạch sẽ sau nhiều lần tắm gội. Thử hỏi trong các nghề có nghề nào bằng nghề dạy mọi nghề;  nghề dạy cho con người biết lẽ phải, biết ăn ở trước sau, có kiến văn để làm Người?

 

Xin đừng hiểu nghề dạy học là một cái nghiệp (lỡ hoặc đã) mang vào thân mà phải hiểu đó chính là đạo. Đạo làm Thầy cao quý lắm, kẻ sĩ  mà có khí tiết và giữ được thiên lương thì đời nào cũng đáng tôn vinh. Chớ lẫn đạo và nghiệp bởi một cái nhìn. Đã được làm giọt nước cho đời thì phải là giọt nước trong lành tinh khiết đừng tự hoá thành nước  cống nước rãnh mà phí một đời dâng hiến không thành.

 

ĐOÀN NGỌC THÀNH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Bài 3: Vì đâu nên nỗi?
Thứ Tư, 01/11/2006 14:04 CH
Bài 2: Thầy trò chưa thể đổi mới
Thứ Ba, 31/10/2006 14:28 CH
Chuyện “uốn măng” thành tre
Thứ Ba, 31/10/2006 07:58 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek