Thứ Ba, 01/10/2024 18:26 CH
Lãng phí trong sử dụng thiết bị dạy và học theo chương trình sách giáo khoa mới:
Bài cuối: Chống lãng phí, cách nào?
Thứ Sáu, 03/11/2006 13:42 CH

“Để khắc phục tình trạng làng phí thiết bị dạy học, ngành giáo dục rất cần vào sự nỗ lực xã hội hóa giáo dục của các địa phương. Nếu không có sự hỗ trợ này, lãng phí sẽ phải tiếp tục kéo dài và như thế chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục sẽ bị ảnh hưởng nhất định” – Ông Lê Nhường, Phó giám đốc Sở GD – ĐT Phú Yên khẳng định.

 

KHI GIÁO VIÊN TỰ SÁNG TẠO ĐỒ DÙNG DẠY HỌC

 

Dù thiếu phòng chức năng, thiết bị dạy học không phát huy hết tác dụng song hầu hết các tiết thao giảng, dự giờ của giáo viên các cấp đều được đánh giá cao về đổi mới phương pháp giảng dạy! Sở dĩ có sự “đánh giá cào bằng” như vậy là vì để chuẩn bị cho một giờ dạy hội giảng hay một tiết dự giờ cả tổ, cả trường phải cùng tập trung lo cho giáo viên đó nên đạt hiệu quả là điều tất nhiên. Điều đáng nói là những giờ dạy “kiểu mẫu” như thế, không phải giáo viên nào cũng phát huy thường xuyên ở các buổi học. Một giáo viên tiết lộ: “Những tiết dạy mẫu luôn đạt hiệu quả vì khi đó giáo viên chuẩn bị sẵn những thứ đồ dùng cần thiết cho mình và học sinh. Xong tiết dạy rồi thì không bao giờ dùng đến nữa!”.

 

061103-lang-phi.jpg

Giáo viên Trường THCS Nguyễn Thế Bảo tự làm đồ dùng dạy học – Ảnh: M.THÚY

 

Tại trường THCS Tây Sơn (huyện Tây Hòa) nhìn thầy giáo Nguyễn Đức Toàn lấy một miếng ván gỗ, rồi lắp mạch điện hai công tắc hai cực để giúp học sinh thực hành ngay tại lớp, mới thấy sự sáng tạo và hiệu quả trong việc tự làm đồ dùng dạy học. Thầy giáo Toàn cho biết: “Để làm được thiết bịï này, tôi đã bỏ ra hai ngày nghiên cứu. Nhờ đó bài học “Lắp đặt mạch điện trong nhà” dù không có phòng chức năng nhưng thiết bị vẫn được sử dụng”.

 

Những giáo viên dạy môn Sinh học ở Trường THCS Nguyễn Thế Bảo (huyện Phú Hòa) công phu hơn khi họ đã tự tạo được nhiều bộ sưu tập ngành thực vật hạt kín lớp 1 lá mầm và hai lá mầm. Thầy giáo Mai Văn Thắng, giáo viên thí nghiệm thực hành phụ trách các phòng chức năng cho biết: “Thiết bị đưa về để phục vụ các môn học rất nhiều. Tuy nhiên, có một số vật dụng không thiết thực khi đưa vào sử dụng. Do đó, chúng tôi phải sưu tầm, tự tạo thêm để học sinh dễ hình dung”.

 

Ở một giờ học tại trường THCS Nguyễn Tất Thành, giáo viên lấy lịch treo tường đã qua sử dụng, lật mặt trắng phía sau, dùng bút bi kẻ dòng, ghi tên tổ vào mép bảng và ép plastic hai mặt để có thể dùng bút dạ viết lên đó, xong rồi có thể xóa đi để tái sử dụng nhiều lần. Sau khi làm xong đồ dùng học tập này, giáo viên giao cho học sinh chuẩn bị nội dung trình bày trong những giờ thảo luận nhóm, học nhóm hay thuyết trình trên lớp theo chủ đề một cách chủ động. Cô giáo Võ Thị Diễm cho biết: “Chúng tôi gọi đồ dùng dạy học này là bảng phụ. Mỗi khi học nhóm, các em chỉ việc dùng bút dạ ghi lên mặt có dòng kẻ, nếu ghi sai có thể sửa lại mà không ảnh hưởng gì”.

 

XÃ HỘI HÓA GIÁO DỤC ĐỂ CHỐNG LÃNG PHÍ

 

Sách giáo khoa và thiết bị năm nào đến hẹn thì lại đưa về cho các trường, còn cơ sở vật chất kèm theo thì chẳng thấy đâu. Thực tế trong những năm qua, phần lớn các trường học ở Phú Yên khi xây dựng chưa chú ý đến các phòng học chức năng nên khi đồ dùng dạy học đưa về không biết bố trí thế nào. Nếu chờ Nhà nước hỗ trợ kinh phí để đầu tư thì quá lâu nên một số địa phương đã tìm cách khắc phục.

 

Chủ tịch UBND xã Hòa Trị (Phú Hòa) Dương Công Toản đưa chúng tôi đến Trường THCS Lương Văn Chánh – một trong những trường được công nhận đạt chuẩn sớm nhất ở Phú Yên. Ngoài 20 phòng học, trường này có 3 phòng thực hành Lý, Hóa, Sinh và một phòng máy vi tính 20 máy nối mạng nội bộ, thư viện với trên 5.000 bản sách các loại… Tất cả những cơ sở vật chất đó của trường có được là nhờ từ 80% vốn đóng góp của nhân dân và ngân sách xã.

 

Huyện mới Tây Hòa cũng bắt đầu chú trọng đến đầu tư các phòng chức năng cho các trường học, mỗi phòng chức năng có kinh phí trên 100 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Hồng, Trưởng phòng giáo dục huyện Tây Hòa cho biết: “Không có phòng chức năng mà bảo là đã đổi mới được phương pháp giảng dạy đó chỉ là chuyện “nói pháo”. Vì vậy, chúng tôi tập trung nâng cấp hạng mục này để đảm bảo điều kiện cần thì mới dám nói đến việc đổi mới”.

 

Toàn tỉnh Phú Yên hiện chỉ mới có khoảng 10% trường học có đủ phòng chức năng, trong đó chủ yếu ở các địa phương làm tốt công tác huy động sức dân như TP. Tuy Hòa và các huyện Phú Hòa, Đông Hòa, Tây Hòa.

 

Lãng phí trong sử dụng thiết bị dạy và học trong những năm qua là một sự thiệt thòi lớn đối với người học cũng như kinh phí đầu tư của Nhà nước. “Để khắc phục tình trạng làng phí thiết bị dạy học, ngành giáo dục rất cần vào sự nỗ lực xã hội hóa giáo dục của các địa phương. Nếu không có sự hỗ trợ này, lãng phí sẽ phải tiếp tục kéo dài và như thế chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục sẽ bị ảnh hưởng nhất định” – Ông Lê Nhường, Phó giám đốc Sở GD – ĐT Phú Yên khẳng định.

 

THÚY HẰNG

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek