Tôi công tác ở đây đã 26 năm, mỗi năm học tìm được một học sinh dân tộc thiểu số vào lớp 10 khó như mò kim đáy biển. Nay thì khác, đã có 159 em đang học cấp 3”- ông Nguyễn Phúc, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Lợi (huyện Đồng Xuân) cho biết. Ông Phúc giải thích: 159 học sinh này được hưởng chế độ bán trú 100.000 đồng/tháng/học sinh (trong đó tỉnh hỗ trợ 30.000 đồng, huyện 70.000 đồng).
Các em học sinh người dân tộc thiểu số thuê nhà trọ để học THPT Ảnh: MẠNH THÚY |
Theo quy định hiện nay, học sinh cấp 3 không được hưởng chế độ bán trú. Song huyện Đồng Xuân đã thực hiện chủ trương này nhằm huy động học sinh dân tộc thiểu số ra học cấp 3. Năm học đầu tiên 2004 – 2005 chỉ có 38 học sinh theo học lớp 10, năm học 2005 - 2006 có 44 học sinh đến năm học 2006 – 2007, số học sinh đăng ký lên đến 72 em, nâng số lớp bán trú dân nuôi tại Trường THPT Lê Lợi lên 4 lớp.
Em La Lan Thụt, học sinh lớp 12, nói: “Nhà em ở thôn Phú Tiến, xã Phú Mỡ. Hầu hết học sinh trong xã khi học xong lớp 9, nếu không trúng tuyển vào Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh đều nghỉ học hết”. Cũng như các bạn cùng trang lứa, Thụt rất thích đi học, nhưng muốn lên cấp 3 phải xuống thị trấn La Hai. Con đi học xa, phải lo cái ăn, chỗ ở, nhiều gia đình không kham nổi. Vì vậy, khi nghe huyện có chủ trương hỗ trợ cái ăn, chỗ ở là các em được cha mẹ cho đi ngay. Em La O Thị Tơ ở buôn Hà Rai (xã Xuân Lãnh) cho biết: “Nhà có 6 anh chị em, nhưng chỉ có em là được học lớp 10”. Tơ cho biết thêm, trước đây, các bạn học xong lớp 9 là nghỉ. Nay thì khác, trong buôn có hơn 10 bạn được học cấp 3.
Trong số 159 học sinh đang theo học hệ bán trú ở Trường Lê Lợi, có đến 80% là con em các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Chủ trương hỗ trợ tiền ăn, chỗ ở mà huyện Đồng Xuân đang làm giúp họ giải quyết phần nào khó khăn nên ai nấy đều phấn khởi cho con đến trường.
Học tại Trường THPT Lê Lợi nhưng học sinh các lớp bán trú ở tại Trường Dân tộc nội trú huyện. Năm đầu chỉ có một lớp 38 học sinh, Trường Dân tộc nội trú đủ khả năng sắp xếp chỗ ở cho các em. Năm thứ 2, thêm một lớp 44 học sinh, việc giải quyết chỗ ở bắt đầu khó khăn. Đến năm thứ ba, với 72 học sinh, chỗ ở thực sự bí bách. Hầu hết chỉ ưu tiên cho học sinh lớp 10, còn học sinh lớp 11, lớp 12 phải tự túc chỗ trọ. Dù vây, cho đến thời điểm này vẫn chưa có học sinh nào bỏ học giữa chừng.
Tại nhà chị Trần Thị Ngọc Ánh ở thị trấn La Hai, căn phòng nhỏ rộng chừng 12m2 nhưng có 3 học sinh trọ học với giá 40.000 đồng/em/tháng, bao luôn điện, nước - một số tiền không lớn nhưng là nỗi lo thường trực đối với các em. La O Thị Tơ cho biết: “Trừ tiền nhà, chỉ còn lại 60.000 đồng nên mỗi ngày tiền ăn của tụi em chỉ còn 2.000 đồng. Tuy ăn khổ một chút nhưng được đi học là vui rồi”. Mang Thị Hảo, một học sinh trọ học khác thì bảo: “Hai tuần về nhà lấy gạo, lấy củi một lần. Tụi em thường ở cùng nhóm với nhau, chuyện học rất thuận lợi”.
Thầy giáo Đặng Kim Sơn, giáo viên chủ nhiệm lớp 12 bán trú cho biết: “Điểm xuất phát của các em không bằng những học sinh khác, nhưng nhờ chăm chỉ, chịu khó nên đến lớp 12, học lực của nhiều em vươn lên loại khá. Tôi tin rằng, các em sẽ vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT một cách dễ dàng”.
Nỗi lo lớn nhất hiện nay của học sinh lớp bán trú là không biết khi nào bị cắt “viện trợ”! Vấn đề này, ông Nguyễn Kim Đồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân cho biết: “Là huyện miền núi, ngân sách hàng năm không nhiều, nhưng nếu huyện không thực hiện chủ trương này thì không biết đến bao giờ trình độ dân trí ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số mới được cải thiện. Vì vậy, dù có khó, địa phương cũng sẽ cố gắng duy trì sự hỗ trợ này trong thời gian 5 năm”. Dự kiến cuối năm nay, huyện Đồng Xuân sẽ khởi công xây dựng nhà ở tập thể cho học sinh các lớp bán trú.
THUÝ HẰNG