Thứ Tư, 09/10/2024 09:25 SA
Lo lắng đạo đức học đường
Thứ Ba, 02/11/2010 09:30 SA

Có lẽ chưa bao giờ đạo đức học đường bị gióng hồi chuông báo động lớn như thời gian gần đây, khi có quá nhiều “sự cố” xảy ra trong môi trường giáo dục.

Tình trạng nữ sinh THCS, THPT đánh nhau, đánh hội đồng đầy bạo lực diễn ra ở nhiều địa phương, tung lên mạng internet làm nhức nhối dư luận. Một nữ giáo viên ở một tỉnh miền Trung đã chửi học trò giữa lớp một cách thô lỗ, thiếu văn hóa. Tình trạng học sinh hành hung giáo viên cũng xảy ra nhiều nơi. Tình trạng xuống cấp đạo đức trong giáo dục cũng xảy ra vài trường hợp ở Phú Yên thời gian gần đây: một thầy giáo ở huyện Tây Hòa sàm sỡ, hiếp dâm học sinh; một thầy giáo ở huyện Tuy An trộm cắp máy tính của thầy hiệu trưởng; một giáo viên tổng phụ trách đội ở huyện Đông Hòa xén bớt tiền bảo hiểm của những học sinh rủi ro bị tai nạn thương tích; học sinh THPT đánh nhau dẫn đến tử vong; học sinh vi phạm an toàn giao thông, chở ba không đội mũ bảo hiểm tự gây tai nạn làm chết nhiều người…

 

Đó là những điều hết sức nhức nhối và đau đớn cho xã hội. Càng nhức nhối và đau đớn hơn khi nó xảy ra trong môi trường liên quan đến giáo dục – là nơi đào tạo tri thức và giáo dục con người hướng đến chân – thiện – mỹ.

 

Tại sao như thế? Nhận thức kém, thiếu rèn luyện, không tu dưỡng đạo đức… là các nguyên nhân chủ quan của những người vi phạm đạo đức học đường. Đó là điều đáng lên án và rất cần chấn chỉnh. Nhưng bên cạnh đó, dường như mối liên kết nhà trường – gia đình chỉ nói nhiều, nghe về hình thức chứ thực tế chưa có sự chắc chắn, chưa thường xuyên và khá lỏng lẻo. Nhiều bậc phụ huynh hôm nay, vì mải mê với công việc làm ăn, đã không quan tâm nhiều đến con em đang có những diễn biến tâm sinh lý khác lạ, nhất là độ tuổi mới lớn, bồng bột và dễ bị lôi cuốn bởi phim ảnh, game, bạn bè xấu. Nhà trường thường chỉ chú trọng đến việc giảng dạy học vấn, những vấn đề về đạo đức học sinh chỉ nhắc nhở là chính chứ không thể áp dụng chế tài mạnh mẽ, một mặt cũng có thể là do “bệnh thành tích” ở một số trường.

 

Bởi vậy, đối với những trường hợp vi phạm đạo đức học đường cần phải lên án mạnh mẽ hơn nữa, xử lý kiên quyết hơn nữa, khi cần thiết báo cáo để các cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc để đảm bảo được tính răn đe, giáo dục. Đồng thời, những tồn tại, bất cập lâu nay trong mối quan hệ nhà trường – gia đình – xã hội cũng cần được giải quyết tốt hơn để sớm xử lý những tình huống, những trường hợp cụ thể có dấu hiệu vi phạm đạo đức học đường kịp thời hơn. Nhân lên nhiều hơn nữa những tấm gương sáng, đẹp về đạo đức học đường – trong đó thầy cô giáo phải là những tấm gương điển hình – để học sinh học tập, noi theo. Và cũng cần phải khẳng định, bảo vệ đạo đức học đường không chỉ là chuyện của nhà trường – gia đình, đó là vấn đề của toàn xã hội.

 

DUY NGUYỄN

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Còn nhiều khoảng trống
Thứ Ba, 02/11/2010 19:30 CH
Đề không có phần riêng
Thứ Ba, 02/11/2010 07:30 SA
Nhiều bất cập
Thứ Hai, 01/11/2010 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek