Thứ Tư, 09/10/2024 09:30 SA
Dạy nghề cho nông dân:
Nhiều bất cập
Thứ Hai, 01/11/2010 14:00 CH

Tại hội nghị “Đánh giá kết quả 5 năm thực hiện công tác dạy nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho lao động nông dân” do Hội Nông dân tỉnh tổ chức mới đây, cho thấy việc dạy nghề nông dân trong thời gian qua đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhiều hộ nông dân. Tuy nhiên, vấn đề nhiều đại biểu quan tâm là đào tạo từng nhóm nghề phù hợp chứ không nên “bám” theo chỉ tiêu.

 

hoa101101.jpg

Trồng hoa lay ơn theo kỹ thuật mới tại TP Tuy Hòa - Ảnh: H.NAM

 

Bà Huỳnh Thị Minh Tuyết, Chủ tịch Hội Nông dân TP Tuy Hòa cho rằng, vấn đề liên kết đào tạo nghề của Trung tâm Giới thiệu việc làm của Hội Nông dân tỉnh với các công ty và các trung tâm dạy nghề khác trong và ngoài tỉnh thời gian qua góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập tại chỗ cho nông dân. Cụ thể, tại TP Tuy Hòa, sau khi học nghề đồ gỗ mỹ nghệ, 60 hội viên nông dân đã nhận làm sản phẩm từ các công ty đóng trên địa bàn TP, với thu nhập từ 800.000 - 1,5 triệu đồng/tháng. Số lao động này không phải túc trực làm việc tại các công ty mà chỉ nhận nguyên vật liệu đem về nhà tranh thủ thời gian rảnh rỗi gia công.

 

Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm (Hội Nông dân tỉnh) Võ Hữu Sung cho biết: Trong 5 năm (2005-2010), trung tâm đã tư vấn việc làm 3.875 lao động, trong đó xuất khẩu lao động sang Malaysia 41 lao động. Ngoài ra, đơn vị còn phối hợp với Trung tâm Khuyến nông - lâm, Khuyến ngư chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật - công nghệ mới cho 2.671 lao động tham gia. Hàng năm, trung tâm còn phối hợp với một số công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia tháng hội chợ việc làm và các sàn giao dịch ở các xã, phường, thị trấn trong tỉnh để tư vấn việc làm, học nghề, tuyển lao động cho gần 2.354 người. Riêng công tác đào tạo nghề lao động nông dân, trung tâm đã phối hợp với các địa phương tổ chức 72 lớp đào tạo nghề cho 3.144 lao động, trong đó có 120 lao động là người dân tộc thiểu số…

Việc đào tạo nghề mới như thế này góp phần trang bị cho nông dân có tay nghề công nghiệp, khác với lâu nay cứ quanh quẩn con heo, ruộng lúa. Tuy nhiên, trong quá trình đào tạo nghề, do kinh phí hạn hẹp nên phần thực hành còn hạn chế, dẫn đến có nghề nhưng tay nghề không vững. “Đào tạo nghề thú y nhưng khi có dịch bệnh xảy ra, nông dân tham gia phòng chống dịch vẫn có người lúng túng trong việc sử dụng vắc xin và khâu tiêm phòng”- Bà Tuyết thẳng thắn nói.

Theo Trung tâm Giới thiệu việc làm Hội nông dân tỉnh, công tác đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm cho nông dân ít được các cấp, các ngành quan tâm. Vì vậy, có một số địa phương không phổ biến sâu rộng mà để nông dân tự quyết định cho việc học nghề của mình. Khi tham gia học nghề, nông dân phải học trái nghề như người cần chăn nuôi lại học trồng lúa và ngược lại. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do hội nông dân cơ sở không chú trọng điều tra khảo sát nhu cầu học nghề để công tác chiêu sinh mở lớp đúng theo đối tượng. Cũng chính vì thiếu thông tin, những nông dân tham gia học nghề còn đòi hỏi chế độ chi trả tiền công nếu không đáp ứng thì bỏ học. Mặt khác, cũng vì thiếu khâu tuyên truyền vận động, một số người sau khi được “chọn mặt dạy nghề” thì “ôm trọn” kiến thức, không truyền đạt cho những người xung quanh.

 

Nhóm nghề được đào tạo mang lại hiệu quả thiết thực theo đánh giá của các cấp hội và của Trung tâm Giới thiệu việc làm đó là lớp chăn nuôi thú y xã Hòa Mỹ Tây, Sơn Thành Đông (huyện Tây Hòa); lớp trồng trọt xã Ea Bá, Ea Bia (huyện Sông Hinh); lớp sản xuất nấm rơm xã Hòa An (huyện Phú Hòa)… Đây là những lớp dạy nghề giúp nhiều hộ tự chuyển đổi nghề mới mang lại thu nhập cao, sắp xếp bố trí lại lao động trong gia đình.

 

Bên cạnh đó, một số xã, phường đang chịu “sức ép” chiêu sinh đào tạo nghề khi các trường dạy nghề của huyện, tỉnh thành lập hàng năm phân bổ chỉ tiêu. Theo Hội Nông dân xã Hòa Mỹ Tây, cái khó hiện nay là nhiều trường, trung tâm gởi công văn phân bổ chỉ tiêu đào tạo nghề hàng năm cho một xã. Các đoàn thể như Phụ nữ, Nông dân, Đoàn Thanh niên phải bám theo chỉ tiêu này để lập danh sách mà không gắn kết với một trường, trung tâm nào cụ thể. Chính vì thành lập nhiều trường, trung tâm dạy nghề nên xảy ra việc chạy đua chỉ tiêu lấy thành tích mà không đầu tư đào tạo nhóm nghề phù hợp trước mắt. Hệ quả là người học nghề không nắm vững kiến thức hoặc nghề không phù hợp.

 

MẠNH HOÀI NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek