Thứ Tư, 09/10/2024 09:31 SA
Giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên trong trường học:
Còn nhiều khoảng trống
Thứ Ba, 02/11/2010 19:30 CH

Chương trình giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên (SKSSVTN) trong trường học đã được ngành GD-ĐT triển khai. Tuy nhiên, việc giảng dạy của giáo viên và nhận thức của học sinh về lĩnh vực này, vẫn còn nhiều hạn chế.

 

hoc-sinh101102.jpg

Một giờ học của học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi (TP Tuy Hòa) - Ảnh: M.THÚY

 

GIÁO VIÊN CHƯA CHỦ ĐỘNG

 

Theo báo cáo dựa trên kết quả điều tra về vị thành niên và thanh niên Việt Nam do Bộ Y tế và Tổng cục Thống kê vừa phối hợp thực hiện, có khoảng 2/3 vị thành niên/thanh niên dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ tư vấn và chăm sóc SKSS, vẫn còn khoảng 1/3 vị thành niên/thanh niên chưa dễ dàng tiếp cận các dịch vụ này. Đây là khoảng trống mà ngành y tế, dân số và các ban ngành, đoàn thể… cần lấp đầy.

Có thể nói rằng, đầu mối quan trọng nhất trong việc giáo dục giới tính trẻ vị thành niên là cha mẹ và nhà trường. Thế nhưng thực tế, phần lớn các bậc cha mẹ không hẳn ai cũng hiểu biết đầy đủ và khoa học về giới tính. Mặt khác, nếu có hiểu, họ cũng không dễ dàng gì đề cập đến vấn đề này với con cái. Còn ở nhà trường, tuy ngành GD-ĐT đã nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác giáo dục giới tính, giáo dục SKSS cho học sinh nhưng đến nay, việc triển khai vấn đề này vẫn chỉ là… tích hợp vào nội dung các môn học có liên quan như Sinh học, Giáo dục công dân, Địa lý, Ngữ văn, Môi trường xã hội…

 

Theo đại biểu các trường có mặt tại Hội thảo giáo dục SKSSVTN vừa được Sở GD-ĐT, Sở Y tế, Trung tâm Nghiên cứu về giới, gia đình và môi trường trong phát triển cùng phối hợp tổ chức, cách dạy tích hợp này chưa đủ để cung cấp kiến thức một cách chính xác, đầy đủ cho học sinh. Chính vì không phải là một môn học riêng biệt, độc lập nên không có sự toàn diện, hệ thống. Cùng đó, vì là lồng ghép nên cũng không có giáo viên chuyên về môn này. Ngoài ra, do chưa có quy chế bắt buộc về thời lượng nên rất ít giáo viên chủ động đưa nội dung này vào trong bài giảng trên lớp. Nguyễn Trần Vân Anh, một học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ cho biết: “Kiến thức trong sách giáo khoa đôi khi chưa rõ ràng, hỏi các cô giáo thì cô bảo về nhà hỏi thêm mẹ, hoặc nhiều khi cô chưa có giải đáp thỏa đáng. Em thường cập nhật thông tin về các vấn đề này từ Báo Hoa Học Trò, vì tờ báo này có những phần nói về tình cảm lứa tuổi học trò và những kiến thức bổ ích về  SKSSVTN”.

 

Phó Hiệu trưởng Trường THCS Đoàn Thị Điểm (TX Sông Cầu) Lê Minh Phú cho biết: “Từ năm 2005 trở về trước, công tác giáo dục giới tính trong nhà trường chưa được chú trọng. Học sinh chưa có môi trường để trao đổi những điều khó nói của tuổi mới lớn, chưa có nhận thức, chưa hiểu một cách khoa học về SKSSVTN. Nếu có thì chỉ là những kiến thức cơ bản trong môn Sinh học với những vấn đề về cấu tạo cơ thể, giới tính, sức khỏe sinh sản. Từ năm 2005, dự án “Giới và phòng chống HIV/AIDS” (giai đoạn 2) do Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và môi trường trong phát triển được triển khai tại Trường THCS Đoàn Thị Điểm, những điều “khó nói” về giáo dục giới tính và SKSSVTN được đáp ứng tích cực. Thông qua 6 lần sinh hoạt/năm học, các học sinh đã mạnh dạn bày tỏ những điều khó nghĩ, khó nói liên quan đến giáo dục giới tính, giáo dục SKSSVTN. Năm học 2010-2011, Ban Quản lý dự án đã mở lớp tập huấn nâng cao kỹ năng giáo dục giới tính và SKSS cho 6 giáo viên nòng cốt của trường. Nhóm giáo viên nòng cốt này phụ trách, tổ chức các nội dung “nhạy cảm” cho học sinh, đồng thời tăng số buổi sinh hoạt lên 9 lần/năm học”.

 

GỢI MỞ NHỮNG ĐIỀU “KHÓ NÓI”

 

Để hoạt động giáo dục giới tính và SKSSVTN nói chung và trong trường học nói riêng triển khai thực sự hiệu quả, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên Trần Khắc Lễ nói: Có ba giải pháp mà ngành GD-ĐT cần làm. Thứ nhất, các cấp quản lý giáo dục phải triển khai giáo dục giới tính và SKSS cho đơn vị mình bằng kế hoạch cụ thể, có kiểm tra, đánh giá… Trước mắt, thực hiện triệt để dạy học tích hợp nội dung này vào các môn học, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp; đưa giáo dục kỹ năng sống vào nội dung của hoạt động ngoại khóa. Thứ hai, các thầy cô giáo cần lồng ghép các nội dung SKSSVTN vào bài giảng một cách linh hoạt với hình thức mềm dẻo, đa dạng phù hợp tâm lý lứa tuổi. Các thầy cô giáo phải thấy được trách nhiệm của mình trong truyền đạt giáo dục giới tính, SKSS cho học sinh. Thứ ba, cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường với gia đình học sinh. Đặc biệt, đối với nhóm tuổi vị thành niên, các thầy cô giáo và các bậc cha mẹ cần chia sẻ trao đổi với nhau các thông tin những thay đổi bất thường về tâm sinh lý, đặc điểm của từng học sinh để phối hợp cùng nhau giúp các em vượt qua những thời điểm khó khăn về sinh lý, tâm lý, tình cảm. Đoàn trường, Đội Thiếu niên tiền phong cần phối hợp với nhà trường tổ chức các buổi sinh hoạt  chi đoàn, chi đội, sinh hoạt ngoại khóa với mục tiêu trao đổi thông tin nhằm hiểu rõ đặc điểm của từng học sinh để có những lưu ý về cách xử sự tình bạn khác giới trong phạm vi lớp học, trường học”.

 

Từ kinh nghiệm của Trường THCS Đoàn Thị Điểm, thầy Lê Minh Phú cho biết, nội dung đưa vào các buổi sinh hoạt phải sinh động, rõ ràng, cụ thể, nhất là với những vấn đề tế nhị thì có sự chọn lọc. Hình thức phải lôi cuốn, hấp dẫn. Có như vậy, việc lồng ghép giáo dục giới tính, SKSS, bồi dưỡng kỹ năng sống cho học sinh mới mang lại hiệu quả.

 

Thạc sĩ Nguyễn Kim Thúy, Phó Giám đốc Thường trực Trung tâm Nghiên cứu về giới, gia đình và môi trường trong phát triển, khẳng định: “Giáo dục giới tính, SKSS, sức khỏe tình dục cho vị thành niên và thanh niên là chiếc chìa khóa giúp các em có những tri thức về giới tính, kỹ năng sống, tình dục… phù hợp với đặc điểm tâm lý, sinh lý. Trên cơ sở đó hình thành và phát triển thái độ, hành vi đúng đắn liên quan đến đời sống sinh sản, giúp các em chủ động, tự giác, tỉnh táo, biết tự kiềm chế, phòng tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra trong quan hệ nam - nữ, tình bạn, tình yêu của tuổi dậy thì, phù hợp với sự phát triển của xã hội và của chính bản thân các em. Trong thời gian đến, trung tâm sẽ cùng với Sở GD-ĐT, Sở Y tế triển khai nhân rộng và phổ biến mô hình truyền thông giáo dục giới tính, SKSSVTN trong ngành GD-ĐT, ngành Y tế của tỉnh”.

 

 

THÚY HẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek