Thứ Năm, 28/11/2024 19:53 CH
Đừng buộc trẻ “cầm đèn chạy trước ô tô”!
Thứ Hai, 07/08/2006 14:17 CH

Theo quy định của Luật Giáo dục, trẻ em lên 6 tuổi mới bắt đầu đi học. Thế nhưng hiện nay, ngày càng có nhiều gia đình cho con em mình đi học trước tuổi mà không nghĩ rằng ở lứa tuổi ấy, trí tuệ và thể chất của các em đã sẵn sàng hay chưa.

 

HỌC TRƯỚC CHƯƠNG TRÌNH: “MỐT” HAY NHU CẦU?

 

Nghỉ hè, lẽ ra học sinh phải được “xả hơi” thì nhiều gia đình lại bắt con mình học hành bù đầu dưới mọi hình thức. Nếu nhà trường và giáo viên không mở lớp thì gia đình đi thuê gia sư về dạy với mức học phí từ 10.000 – 15.000 đồng/ buổi. Những nội dung, kiến thức lẽ ra phải vào năm học mới nắm bắt được thì tại lớp học hè, các em đã học hết cả rồi. Chưa vào năm học mới, nhưng bộ sách giáo khoa của các em đã cũ, bài tập cũng được làm trước. Điều này giải thích vì sao trẻ 6 tuổi trước khi vào lớp 1 đã biết đánh vần, tập đọc, thậm chí biết viết chính tả bằng bút mực…

 

060807-day-tre.jpg

Vui chơi, tập nhận biết môi trường chung quanh… là những điều mà trẻ ở lứa tuổi mầm non cần được dạy dỗ, chứ không phải là tập đánh vần và viết chính tả như học sinh tiểu học - Ảnh: T Hằng

 

Theo chủ trương của ngành giáo dục, ngay từ bậc mẫu giáo, các em đã được giáo viên hướng dẫn về bảng chữ cái, con số, tập viết để chuẩn bị nền tảng đầu tiên vào tiểu học. Tất nhiên, ở lớp mẫu giáo, các em chỉ học theo kiểu làm quen sơ lược, vừa học vừa chơi, trong đó vui chơi là chủ yếu vì lứa tuổi này chưa cần thiết phải học nhiều. Khi vào lớp 1, các em bắt đầu được thầy cô dạy lại từ đầu một cách kỹ lưỡng, bài bản hơn. Thế nhưng thực tế là phần lớn học sinh trong ngày đầu tiên đến trường đã đọc thông, viết thạo, bài tập đã có đáp án đâu vào đấy. Chính điều này đã làm rất nhiều giáo viên lớp 1 ỷ lại, họ dạy rất nhanh theo kiểu học trò đã biết chứ không quay lại từ những yêu cầu cơ bản của lớp đầu cấp. Và điều này tác động ngược lại phía phụ huynh. Họ không còn cách nào khác, đành cho con học trước chương trình để các em bắt kịp nội dung cũng như cách dạy của giáo viên. Chị Nguyễn Mai Chi ở xã Hoà Hiệp Trung (huyện Đông Hoà) tâm sự: “Đầu hè, tôi gởi cháu vào lớp bán trú năng khiếu ở Nhà Thiếu nhi Phú Yên. Con bé rất thích lớp học này, nhưng bắt đầu từ tháng 8, tôi phải cho cháu nghỉ, thuê cô giáo dạy chương trình lớp 1 tại nhà để vào năm học mới”. Chị Chi giải thích: Trẻ em bây giờ có đến 90% đã được học trước chương trình. Nếu cứ chơi theo kiểu mẫu giáo thì khi bắt đầu đi học, khó tránh khỏi bị xếp vào loại học sinh yếu, kém!

 

Rất nhiều phụ huynh ngày nay có suy nghĩ giống chị Chi, và kết quả là hiện nhiều trẻ bị cha mẹ buộc phải học trước chương trình. Trong đó, có thêm “mốt” học thêm môn Tiếng Anh. Anh Trần Thanh Khải, Phó Giám đốc Nhà Thiếu nhi Phú Yên cho biết: “Hè nào cũng có hàng trăm phụ huynh có nhu cầu cho con học tiếng Anh. Mặc dù, chúng tôi khuyến cáo trẻ mẫu giáo học tiếng Anh sẽ không đem lại hiệu quả gì nhiều, nhưng họ vẫn tha thiết đăng ký.”.

 

CÓ NÊN “CẦM ĐÈN CHẠY TRƯỚC Ô TÔ”?

 

Bà Trần Thị Kim Tuyết, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non (Sở GD – ĐT) cho biết: Vài năm trở lại đây, trẻ mầm non được chăm sóc và giáo dục theo chương trình mới gồm nhiều chủ điểm, chuyên đề như: Làm quen Văn học – chữ viết, làm quen với môi trường xung quanh, hình thành các biểu tượng toán sơ đẳng… Khi lên lớp 1, chương trình mới ở bậc tiểu học cũng đặc biệt quan tâm đến việc làm quen với môi trường học tập của các em trong thời gian đầu. Học sinh làm quen với bảng chữ cái, ô chữ, tập viết và các môn Đạo đức, Tự nhiên Xã hội. Những môn học này na ná giống các môn học ở chương trình mẫu giáo 5 tuổi. Có thể nói, chương trình mẫu giáo 5 tuổi và chương trình lớp 1 có sự liên thông với nhau. Do đó, nếu ngay từ lớp mẫu giáo 5 tuổi, các em được giáo dục chu đáo thì sẽ thừa khả năng và tự tin khi vào lớp 1.

 

Đây cũng là lý do mà mấy năm gần đây, ngành GD – ĐT nghiêm cấm dạy thêm – học thêm ở bậc tiểu học. Tuy nhiên, do tâm lý “cho con học trước cho yên tâm” của các bậc phụ huynh, sự nghiêm cấm này không còn tác dụng. Khách quan mà nói, sở dĩ ngày càng có nhiều trẻ phải học trước chương trình, một phần là do chương trình học hiện nay khá nặng. Một giáo viên tiểu học cho biết: “Chương trình mới đòi hỏi học sinh phải tự phát hiện kiến thức, nói ra những điều mình biết giúp các em dễ nhớ bài hơn. Nếu các em chưa chuẩn bị bài học trước khi đến lớp thì giáo viên phải kéo dài tiết dạy để giảng giải cho các em hết lượng kiến thức. Chương trình trở nên nặng với những học sinh chưa có sự chuẩn bị bài vở trước”.

 

Nội dung chương trình một đằng, thực tế dạy – học một nẻo, chỉ có học sinh là lãnh đủ! Vào năm học mới, những cô cậu học trò này ngồi trên lớp sẽ cảm thấy chán nghe lời giảng của thầy cô. Vì cái gì chúng cũng nghĩ là mình được nghe rồi, biết rồi. Đặc biệt, ở lứa tuổi tiểu học những gì đã học qua rồi mà phải học lại là không thích tý nào! Một tâm lý ỷ lại như thế là vô cùng tai hại cho việc tiếp thu kiến thức cũng như sự sáng tạo, tự học của trẻ. Thế mới thấy rằng “cầm đèn chạy trước ô tô” có khi đi ngược lại hoàn toàn với mong muốn ban đầu. Vậy thì vội vàng quá có nên chăng?

 

KHÁNH NGUYÊN

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek