Thứ Năm, 28/11/2024 19:58 CH
Kiên cố hóa trường học: Chậm vì khó huy động 20% vốn trong dân
Thứ Bảy, 05/08/2006 09:04 SA

Năm nay, Chính phủ phân bổ cho tỉnh Phú Yên 16,7 tỉ đồng trong chương trình kiên cố hoá trường học  để xây dựng 257 phòng học tại 9 huyện, thành phố. Theo kế hoạch, toàn bộ số phòng học này phải đưa vào sử dụng đúng dịp khai giảng năm học mới. Thế nhưng, đến nay, khi chỉ còn một tháng nữa là khai giảng năm học mới, nhiều công trình vẫn chưa… động thổ hoặc đang xây dựng dở dang với tiến độ rất chậm, nhất là ở vùng miền núi.

 

0608505-LE-VAN-TAM.jpg

Trường THCS Lê Văn Tám (huyện Tuy An) – một trong những ngôi trường được xây mới từ Chương trình kiên cố hóa trường lớp học – Ảnh: M.Thúy

 

Ông Phan Phi Hùng, Phó Trưởng phòng Giáo dục huyện Sông Hinh cho biết: “Nguồn vốn dành cho chương trình này từ trái phiếu của Chính phủ không thiếu và rất kịp thời. Tuy nhiên, cái khó ở đây là phần huy động 20% vốn trong dân. Ở các vùng miền núi, đời sống đại bộ nhân dân đều khó khăn nên việc huy động đủ số tiền đóng góp theo qui định là hết sức cam go. Ngoài ra, do điều kiện đi lại khó khăn, chi phí vật tư, lao động, vận chuyển vật liệu… cho việc xây dựng một phòng học miền núi cao hơn ở đồng bằng. Do đó, chi phí để xây dựng một phòng học ở miền núi trên thực tế thường cao hơn 10-20% so với đồng bằng”.

 

Đến đầu tháng 8 này, công trình Trường tiểu học xã Ea Bar (Sông Hinh) vẫn hết sức ngổn ngang, giàn giáo lặng ngắt, đây đó dưới đất loáng thoáng vài ba người đang quanh quẩn gỡ từng cái đinh, chậm rãi nhặt từng viên gạch vỡ gọi là cho có việc. Nguyên nhân là do nhà thầu thiếu vốn, công trường nằm chờ vật liệu. Một số công nhân cho biết với tiến độ này, 2-3 tháng nữa công trình chưa chắc đã xong. Ông Ma Rin, Chủ tịch xã Ea Bar than thở: “Khó khăn nhất hiện nay là việc huy động 20% kinh phí đóng góp của dân. Xã Ea Bar có  800 hộ, trừ 200 hộ nghèo, 600 hộ còn lại mỗi năm một hộ đóng góp 30.000 đồng xây dựng hạ tầng nông thôn, 30.000 đồng kiên cố trường lớp học. Nếu thu đủ trong hai năm 2005, 2006 là 72 triệu đồng. Nói thì vậy nhưng khi triển khai thu thì hết sức khó. Dù xã cố thu theo kiểu “tát cạn bắt lấy”, mỗi năm cũng chỉ thu được 9- 10 triệu đồng. Thu không đủ thì để nợ chủ thầu. Đời chủ tịch này trả không xong thì đời khác tiếp tục, cứ trả dần như thế chứ biết làm sao được.”

 

Dù không huy động được vốn trong dân nhưng trường vẫn phải xây theo tiến độ giải ngân nguồn vốn trái phiếu của Chính phủ. Thiếu tiền, chủ đầu tư phải nợ nhà thầu. Thông thường, các dự án kiên cố hoá các trường tiểu học do chủ tịch xã làm chủ đầu tư. Nợ tiền xây dựng trường học  cứ thế dây dưa hết nhiệm kỳ chủ tịch xã trước lại chuyển giao cho chủ tịch xã kế nhiệm. “Cái nợ đồng lần” này đã không còn là chuyện hiếm. Chính vì thế, lãnh đạo xã chẳng mấy mặn mà với hoạt động này, dù biết rằng công trình giúp con em địa phương có nơi học hành đàng hoàng hơn. Cũng vì thế, các nhà thầu không còn háo hức bỏ tiền ra thi công như trước bởi không biết đến khi nào mới thu hồi đủ vốn. May ra chỉ có vài nhà thầu mỏng vốn, nhận công trình cho có việc, rồi làm đến đâu hay đến đó. Chính vì vậy, Chương trình kiên cố hoá trường lớp học triển khai từ đầu quý II nhưng đến nay nhiều địa phương vẫn chưa chọn được mặt bằng, nhiều xã đã khởi công nhưng mới chỉ thực thiện 20- 50% khối lượng công trình.

 

Trong khi đó, thực trạng ở vùng đồng bằng, ven biển cũng không sáng sủa hơn. Năm nay xã An Lĩnh (Tuy An) được đầu tư xây dựng hai phòng học mẫu giáo. Người dân khấp khởi mừng vì bọn trẻ sắp có nơi học đàng hoàng. Tuy nhiên, khi triển khai vận động thì ai cũng… lắc đầu.  Ông Nguyễn Xuân Thu, Trưởng thôn Quang Thuận, xã An Lĩnh cho biết: “Năm nào gặp thiên tai mất mùa, cái ăn còn chưa đủ nói gì đến chuyện đóng góp xây trường. Cán bộ địa phương muốn thu tiền của dân cũng phải “trông trời, chọn tháng, nhằm ngày” mà đi. Cùng lắm cũng chỉ thu được một tháng, mà phải đúng vào mùa ép mía, dân bán mật, mới có tiền nộp”.

 

Từ thực tế trên, nhiều ý kiến cho rằng cần xem xét lại một cách nghiêm túc việc phân bổ vào đầu hộ số tiền đóng góp xây dựng trường lớp học. Tại kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh Phú Yên vừa qua, nhiều ý kiến cử tri đề nghị xem xét lại vấn đề này song đến nay các cấp, các ngành chức năng của tỉnh vẫn chưa thể tìm ra giải pháp khắc phục. Mục tiêu hoàn thành 257 phòng học trước ngày khai giảng năm học 2006-2007 khó có thể thực hiện được. Niềm mong mỏi của hàng ngàn phụ huynh và con trẻ vùng khó khăn được học trong những ngôi trường kiên cố khang trang sẽ còn kéo dài.

 

YÊN HÀ

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek