Thứ Năm, 03/10/2024 13:21 CH
Khởi động tháng việc làm:
Người lao động còn thờ ơ
Thứ Sáu, 04/08/2006 08:10 SA

Với phương châm hướng về cơ sở “Tháng việc làm” năm nay mang cơ hội việc làm đến tận tay người lao động. Trong khi các cơ quan chức năng, các trung tâm dịch vụ việc làm tất bật với công tác chuẩn bị, tích cực tìm “đầu ra” để thông tin cho người lao động một cách tốt nhất thì người lao động lại thờ ơ với cơ hội được làm việc.

 

VỀ HUYỆN LỴ: NGƯỜI LAO ĐỘNG KHÔNG MẶN MÀ

 

Theo cách bố trí của Sở Lao động Thương binh  Xã hội Phú Yên, mỗi trung tâm dịch vụ việc làm sẽ phụ trách một địa bàn, ngoài ra còn có các doanh nghiệp tuyển dụng lao động, các đơn vị xuất khẩu lao động tham gia.

 

060804-tu-van-viec-lam.jpg

Dù được tổ chức tại địa phương song có rất ít thanh niên đến dự các buổi tư vấn việc làm. Trong ảnh: Cung cấp thông tin việc làm cho thanh niên xã Cà Lúi (Sơn Hòa) – Ảnh: T.Q

 

Đồng Xuân là huyện tiên phong trong “Tháng việc làm”. Ở đây có hai đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động là Công ty LASEC (trực thuộc Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) và Trung tâm xúc tiến xuất khẩu lao động (Tổng đội Thanh niên xung phong). Đối với lao động trong nước, trong tỉnh, phụ trách chính là Trung tâm dịch vụ việc làm Thanh niên. Các đơn vị này tuyển lao động với số lượng không hạn chế, yêu cầu tay nghề đủ các trình độ, song chủ yếu vẫn là lao động phổ thông. Những ngày khai mạc “Tháng việc làm” ở đây khá buồn tẻ và vắng vẻ. Ngoài các quan chức từ tỉnh đến huyện và đại diện các nhà tuyển dụng lao động, Trung tâm dịch vụ việc làm trong tỉnh, thanh niên, đối tượng cần việc làm thì chỉ mươi người. Những tưởng hội trường mini của Trung tâm dạy nghề huyện sẽ không còn chỗ ngồi, nhưng thực tế lại khác hẳn. Ngay sau lễ khai mạc, các bàn tư vấn đã sẵn sàng giúp người lao động tìm hiểu sâu thông tin sau khi xem các tờ rơi giới thiệu. Nhưng chờ mãi chẳng thấy người nào đến hỏi, những tư vấn viên thậm chí phải chào mời để tư vấn. Ông Trần Thanh Vinh, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Thanh niên, cho biết: “Có quá ít thanh niên quan tâm đến những thông tin việc làm. Suốt cả ngày, ở tất cả các bàn tư vấn chỉ khoảng 10 người đến hỏi thêm thông tin cần tư vấn”. Ông Vinh cho biết thêm: “Có lẽ cách khắc phục duy nhất là đi sâu hơn xuống tận làng xã, thôn buôn, để đưa thông tin cho những đối tượng có nhu cầu thực sự”.

 

ĐẾN THÔN BUÔN: CÀNG VẮNG VẺ

 

Khởi động “Tháng việc làm”, Trung tâm dịch vụ việc làm Thanh Niên quyết định tổ chức chuyến tư  vấn việc làm cho thanh niên xã Cà Lúi (huyện Sơn Hoà). 6 giờ chiều, đoàn tư vấn rời thị trấn Củng Sơn, nhưng phải sau một tiếng rưỡi đồng hồ, đoàn mới đặt chân đến buôn Ma Lưng, trung tâm xã. Cứ tưởng thanh niên đã tập trung sẵn sàng để bắt đầu công việc tư vấn ngay, nào ngờ hội trường UBND xã vắng hoe. Hỏi ra mới biết có sự nhầm lẫn về thời gian! Để “chữa cháy”, cán bộ xã đoàn “lên đài” (loa phóng thanh của xã) thông báo và chỉ sau nửa giờ đã thu hút được khá đông thanh niên ở hai buôn Ma Lăng và Ma Lưng. Ông Ma Khánh, Chủ tịch xã Cà Lúi cũng đến tìm hiểu thêm để truyền đạt lại cho thanh niên trong xã. Vì thế dù có cập rập nhưng buổi tư vấn vẫn diễn ra khá sôi nổi.

 

Ở xã vùng cao này, nhiều thanh niên đã tự liên hệ tìm việc làm ở các tỉnh phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai. Đáng chú ý là đến nay, Cà Lúi đã có 4 thanh niên đi xuất khẩu lao động là Nay Y Hin, Nay Y Nhiệt (buôn Ma Lúa), Nguyễn Ngọc Lương, Nay Y Báu (buôn Ma Đao). Nay Y Báu đi lao động ở Hàn Quốc, 3 người còn lại đều làm việc ở Malaysia. K’Pá Chứ, Bí thư Xã đoàn, cho biết: “3 trường hợp đi Malaysia thì chưa thấy gửi tiền về cho gia đình. Riêng Nay Y Báu tháng trước đã gửi về cho gia đình bảy chục triệu rồi. Người dân trong buôn, trong xã ai cũng xôn xao”. Theo thông tin từ gia đình, thì Nay Y Báu lái xe cho một xí nghiệp, công việc khá nhẹ nhàng. Các bạn sang  Malaysia thì làm ở các xí nghiệp chế biến gỗ mỹ nghệ.

 

 

Không còn xa lạ với chuyện xuất khẩu lao động nên khi biết có đoàn về tư vấn thanh niên hăng hái đến để tìm hiểu thông tin. H’Lét, sau khi đọc những thông tin về điều kiện lao động và mức phí ban đầu, nói: “Mình cũng thích đi xuất khẩu lao động, nhưng tiền nhiều quá không đủ, chắc là tìm việc gì làm ở gần thôi”. Còn Y Hạnh ở buôn Ma Lưng nói: “Đi xuất khẩu lao động cũng thích, nhưng chẳng may nhận phải việc nặng nhọc lương lại thấp, ở nước ngoài chẳng biết nhờ ai giúp đỡ, thôi thì đi vào thành phố Hồ Chí Minh làm cho chắc”. Đó cũng là băn khoăn chung của thanh niên và chính quyền nơi đây. Sau khi được các chuyên viên của Trung tâm tư vấn về quyền lợi, thu nhập bên nước bạn, tiền vay hỗ trợ từ Ngân hàng chính sách để trang trải các chi phí ban đầu, mọi người mới vỡ lẽ. Phan Minh Vương (buôn Ma Lưng) sau một lúc đắn đo đã mạnh dạn đăng ký đi xuất khẩu lao động ngay sau buổi tư vấn. “Tuy có cập rập không như ý, nhưng kết quả như thế cũng không đến nỗi tồi” – ông Trần Thanh Vinh nói vậy.

 

THẾ NHƠN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek