Chủ Nhật, 06/10/2024 13:35 CH
Học nghề và Trung học chuyên nghiệp:
Lối đi ngày càng rộng mở
Thứ Ba, 15/11/2005 10:38 SA

Hiện cả nước có 446 cơ sở giáo dục tham gia đào tạo trình độ Trung học chuyên nghiệp (THCN), tuyển sinh và đào tạo ở 268 ngành và chuyên ngành. Các ngành thuộc lĩnh vực kinh tế – dịch vụ có số lượng học sinh theo học cao nhất, chiếm khoảng 27,82% tổng số, tỷ lệ học sinh học các ngành thuộc lĩnh vực nông – lâm – ngư nghiệp thấp, chỉ 5,059%; học sinh học các ngành, chuyên ngành thuộc lĩnh vực kỹ thuật – cơ khí – xây dựng – giao thông – điện – điện tử (ngành trong lĩnh vực công nghiệp) chiếm 17,79%. Trong năm học 2004-2005, cả nước có 26 trường trung học chuyên nghiệp (THCN) được thành lập, 20 trường THCN mạnh được nâng cấp thành trường cao đẳng. Trong kỳ tuyển sinh vừa qua, cả nước có hơn 190.000 thí sinh dự thi vào hệ này đạt gần 62%.

 

Học nghề là một xu hướng mới trong thời gian gần đây bởi nhiều lý do: Chi phí ít và thời gian học ngắn, rất phù hợp với các gia đình kinh tế còn khó khăn ở vùng nông thôn, miền núi. Gần đây, Nhà nước đã quan tâm đến lĩnh vực đào tạo nghề, tỷ lệ học sinh trường nghề ra trường có việc làm tăng dần lên… Chính điều này đã kích thích đông đảo học sinh đến với các trường nghề.

 

Ngồi bên chiếc máy tiện, Nguyễn Xuân Hường (huyện Phú Hòa) cựu học sinh Trường Cao đẳng công nghiệp Tuy Hòa say sưa giảng giải về quy trình hoạt động và công năng của nó cho 3 đứa học trò đang theo học nghề. Hường kể: “Nhà mình tương đối khá. Do 2 năm liền thi trượt đại học, trước sức ép của gia đình, mình phải chọn bừa một trường nghề. Sau vài tháng theo học ngành cơ khí, mình đam mê và quyết tâm theo đuổi đến cùng”. Cha mẹ hỗ trợ vốn để Hường mua sắm máy móc. Quả thật, khi có nghề nghiệp ổn định, mình bước vào đời dễ dàng và tự tin hơn - Hường quả quyết.

 

Các lớp đào tạo nghề ngày càng thu hút nhiều học viên - Ảnh: Mạnh Thúy

 

Sau 2 năm cặm cụi luyện thi nhưng vẫn không bước vào cánh cửa đại học, Khánh Hưng (thành phố Tuy Hòa) mới suy nghĩ tìm hướng đi khác cho mình một cách thực tế hơn. Em nộp đơn vào Trường Cao đẳng Xây dựng (CĐXD) số 3, học ngành Xây dựng, hệ THCN. Ban ngày đi học, ban đêm Khánh Hưng tranh thủ học thêm vi tính, ngoại ngữ. 2 năm sau Khánh Hưng tiếp tục học lên đại học để hoàn thành “giấc mơ cử nhân” của mình.

 

Trong khi cổng trường đại học chật hẹp, THCN là một trong hàng trăm lối đi khác không kém phần hấp dẫn. Ông Phạm Văn Tâm, Trưởng phòng đào tạo trường CĐXD số 3, cho biết: “Xã hội rất cần những cử nhân nhưng cũng không thể thiếu lực lượng công nhân lành nghề. 95% học viên của trường sau khi tốt nghiệp đều tìm được việc làm ngay. Đặc biệt là với các nghề hàn-gò, nề, điện, 100% học viên tìm được việc làm”.

 

Chủ động trong đào tạo lượng học sinh vào học các trường THCN tăng cao trong những năm qua, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và nhu cầu học tập ngày càng cao của nhân dân. Nguồn lực đầu tư cho bậc học này chưa tương xứng, chỉ đạt 2,6% trong tổng chi thường xuyên nên không ít trường THCN đang thách thức lớn nhất là tăng quy mô, trong khi cơ sở vật chất nghèo nàn thiếu thốn trang thiết bị, tỷ lệ học sinh trên một giáo viên còn khá lớn. Làm thế nào để phát triển quy mô THCN trong khi vẫn đảm bảo và tăng cường chất lượng đào tạo? Vấn đề này đã được các đại biểu có mặt tại Hội nghị giao ban công tác giáo dục THCN các tỉnh từ Thừa Thiên Huế trở vào thảo luận khá sôi nổi. Một đại biểu nêu ý kiến: “Đất nước ta đang trên đường CNH-HĐH, nhiều địa phương đang chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp. Các nhà máy, khu công nghiệp mọc lên nhiều, nhu cầu về cán bộ kỹ thuật, công nhân có tay nghề ngày càng cao. Vì thế sự hấp dẫn trước tiên ở các trường THCN là chương trình mục tiêu đào tạo phải phù hợp với nhu cầu bức thiết của xã hội”. Để tìm được những ngành nghề đào tạo đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của nhà lao động, mỗi trường phải biết bám sát “hơi thở cuộc sống”, nghĩa là không chỉ lo đầu vào, mà còn phải tính đến đầu ra. Bên cạnh những ngành nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu xã hội, cơ sở vật chất – trang thiết bị dạy học – đội ngũ giáo viên phải đủ lực hấp dẫn người học. Đây là yếu tố hàng đầu quyết định chất lượng, hiệu quả đào tạo.

 

Rèn luyện để trở thành thợ lành nghề - Ảnh: Mạnh Thúy

 

Theo kinh nghiệm của một số trường, trường phải là cầu nối để học viên tiếp cận với nhà tuyển dụng bằng cách khẳng định “thương hiệu” học trò do trường mình đào tạo. Ở Phú Yên, CĐXD số 3 và CĐ công nghiệp Tuy Hòa được đánh giá là một trong những trường có đào tạo tốt hệ THCN với 95% - 100% số học sinh sau khi tốt nghiệp được các công ty, xí nghiệp đến nhận về làm việc. Có được kết quả này là nhờ cách làm linh hoạt của các trường thông qua các doanh nghiệp, xí nghiệp, công ty, nhà trường không chỉ tìm cho học viên cơ sở thực hành, thực tập mà còn nắm rõ những yêu cầu, đòi hỏi về trình độ, tay nghề của nhà tuyển dụng để làm cơ sở đưa vào chương trình dạy – học phù hợp.

 

Vai trò, vị trí của hệ thống giáo dục THCN trong việc đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp CNH-HĐH đất nước đã được khẳng định. Với tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế như hiện nay thì nhu cầu lao động có tay nghề cao sẽ tiếp tục tăng mạnh. Sự đòi hỏi khắt khe của thị trường lao động về trình độ kỹ thuật của người lao động cũng ngày càng cao. Việc thiếu nguồn ngân sách đầu tư làm ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo. Giáo sư – tiến sĩ Nguyễn Đại Thành, Vụ trưởng Vụ giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT) nói: “Tăng quy mô và phải đảm bảo chất lượng, hiệu quả đào tạo trong khi nguồn lực đầu tư chưa tương xứng, đây là một việc rất khó khăn cho nhiệm vụ giáo dục THCN. Khó nhưng không phải không có cách khắc phục. Để thực hiện được yêu cầu này, mỗi trường phải biết chủ động trong đào tạo. Nghĩa là ngoài việc liên kết tốt với các doanh nghiệp, công ty, xí nghiệp để tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên tiếp cận thực tế, phải biết vận dụng những thiết bị đã có và tự tạo đồ dùng dạy học, phát huy tính chủ động sáng tạo của học sinh. Một khi nhu cầu tự học trong học sinh được đánh thức thì giáo dục mới đạt hiệu quả”.

 

THÚY HẰNG

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek