Chủ Nhật, 06/10/2024 15:26 CH
Ngăn chặn tệ nạn xã hội xâm nhập học đường:
Phải cộng đồng trách nhiệm để tăng “đề kháng” cho học sinh
Thứ Năm, 10/11/2005 08:23 SA

Tăng cường trao đổi thông tin, nâng cao hiệu quả mô hình liên kết “trường - phường, trường – xã, trường - thị trấn” là những phương thức quan trọng nhằm giảm thiểu tình hình học sinh – sinh viên vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật trong các đơn vị trường học, cơ sở giáo dục hiện nay.

 

VẪN CÒN NHIỀU VỤ VIỆC PHỨC TẠP

Giáo dục truyền thống cho học sinh, một trong những cách giúp các em tích lũy kiến thức hiệu quả và hoàn thiện nhân cách - Ảnh: D.T.X

 

Sau 3 năm triển khai qui chế phối hợp giữa Công an tỉnh và Sở Giáo dục – Đào tạo Phú Yên, tình hình an ninh trật tự trong các đơn vị trường học, cơ sở giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, toàn tỉnh vẫn chưa phát hiện trường hợp học sinh – sinh viên nào sử dụng ma tuý.

 

Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là số vụ vẫn còn nhiều và diễn ra phức tạp. Theo số liệu thống kê từ đầu năm 2002 đến nay, toàn tỉnh có đến 1034 HSSV, CBGV vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật bị truy tố. Trong đó, Số vụ việc vi phạm nhiều nhất vẫn là đánh nhau: đến 362 trường hợp, vi phạm nội qui và các vi phạm khác là 468 trường hợp, vi phạm an toàn giao thông: 32 trường hợp. Trong số học sinh – sinh viên vi phạm kỷ luật trong 3 năm qua, đáng chú ý là nổi lên tình trạng HSSV liên kết thành băng, nhóm tổ chức cưỡng đoạt, cướp tài sản,… hết sức nguy hiểm.

 

Có nhiều vụ việc tưởng chừng rất đơn giản nhưng với tính hiếu động, lại thêm ảnh hưởng bởi phim ảnh, games trực tuyến mà các em không thể kiềm chế được bản thân. Chẳng hạn như mới đây nhất xảy ra trường hợp 2 học sinh sử dụng hung khí đánh nhau gây thương tích nghiêm trọng.

 

TRÁCH NHIỆM ĐẾN TỪ GIA ĐÌNH, NHÀ TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

 

Gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách của mỗi con người. Nếu các em được sinh ra và lớn lên trong một gia đình nền nếp, được giáo dục chu đáo thì chắc chắn sẽ trở thành công dân tốt và ngược lại.

 

Bên cạnh vai trò quyết định của gia đình, thì trách nhiệm của nhà trường trong việc giáo dục đạo đức cho học sinh rõ ràng là rất lớn. Nếu như trong công tác giảng dạy, mỗi giáo viên chú trọng nhiều đến giáo dục đạo đức học sinh. Nếu các tổ chức đoàn thể trong nhà trường như Đội Cờ đỏ, đoàn thanh niên, Đội thanh niên xung kích… giám sát tốt hơn mọi hoạt động, biểu hiện hành vi của học sinh thì hạn chế đáng kể tình trạng học sinh vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật.

 

Tuy nhiên điều đáng phê phán là một bộ phận giáo viên dường như chưa nhìn nhận hết vai trò trách nhiệm của mình trong việc giáo dục đạo đức học sinh. Vẫn còn đó những giáo viên có suy nghĩ rằng bản thân mình chỉ cần dạy văn hoá cho các em là đủ. Thậm chí, trong hội nghị sơ kết 3 năm liên ngành, một vị phó hiệu trưởng của trường THPT T. còn biện minh rằng: “Nhà trường chỉ có trách nhiệm khi học sinh phạm tội trong trường học, còn ở bên ngoài sân trường thì chúng tôi không liên can gì!”. Cách phát ngôn của vị lãnh đạo nhà trường nọ đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt vì đó là sự chống chế khi nhà trường có trường hợp học sinh vi phạm pháp luật.

 

Thạc sĩ Lê Nhường, Phó giám đốc Sở GD-ĐT thừa nhận: “Nhà trường phải có trách nhiệm chính trong việc giáo dục đạo đức học sinh. Nếu các đơn vị trường học thực hiện tốt việc kiểm tra hoạt động sinh hoạt học tập của học sinh, thực hiện tốt mô hình liên kết “trường - thường, trường - xã, trường - thị trấn” thì chắc chắn tình trạng học sinh cá biệt sẽ giảm thiểu”.

 

Thêm vào đó, một trách nhiệm to lớn nữa lại thuộc về xã hội. Chính những mặt trái của cơ chế thị trường đã làm nảy sinh mạnh mẽ các tệ nạn xã hội, tác động tiêu cực đến một bộ phận học sinh – sinh viên. Nếu như gia đình , nhà trường và xã hội không cộng đồng trách nhiệm giáo dục, bảo ban con em “đề kháng” và “miễn nhiễm” trước các thói hư tật xấu thì chắc chắn các em rất dễ phạm pháp.

 

TĂNG “SỨC ĐỀ KHÁNG” CHO HỌC SINH, CÁCH NÀO?

 

Chưa bao giờ vấn đề phòng chống tội phạm xâm nhập học đường lại bức thiết như hiện nay. Khâu quan trọng nhất trong việc giáo dục đạo đức học sinh, sinh viên  vẫn là nâng cao vai trò trách nhiệm của mỗi yếu tố: gia đình – nhà trường và xã hội. Một khi một mắc xích bị xem thường hay không được quan tâm đúng mức thì các em dễ dàng sa ngã, hư đốn. Đại tá Lê Đức Hiệp, Phó Giám đốc Công an tỉnh, khẳng định : “Nếu một học sinh vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật thì bị đuổi học, hoặc cao hơn là đưa ra truy tố. Đó là những biện pháp quá dễ dàng thực hiện, song chúng ta lại không muốn thế. Chúng ta phải làm sao giáo dục, đào tạo các em trở thành những con ngoan - trò giỏi, làm cho xã hội trong sạch, lành mạnh.”.

 

Điều đáng hoan nghênh là trong những năm qua, mô hình liên kết “trường - phường, trường – xã, trường - thị trấn” giữa hai ngành Công an và Giáo dục – Đào tạo trên toàn tỉnh đã phát huy hiệu quả đáng kể. Hai ngành cũng cam kết tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa qui chế phối hợp nhằm làm tốt công tác phòng ngừa, kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả các loại tội phạm và tệ nạn xã hội xâm nhập học đường.

 

TRIỀU CHINH

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek