Chủ Nhật, 06/10/2024 13:33 CH
Giáo dục vệ sinh cá nhân trẻ mầm non: Tại sao không?
Thứ Hai, 14/11/2005 15:21 CH

Từ tháng 2/2005 Phú Yên là một trong 5 tỉnh, thành được Quỹ Unilever – Việt Nam hỗ trợ thực hiện dự án “Giáo dục vệ sinh cá nhân trẻ mầm non”. Dự án được triển khai ở 2500 trẻ thuộc 10 trường mầm non trên địa bàn toàn tỉnh. Sau 9 tháng triển khai, hiệu quả mà dự án mang lại là rất khả quan.

 

Theo sự hỗ trợ của dự án, mỗi cháu được cấp 3 bánh xà phòng, 2 khăn mặt. Nếu nói về vật chất thì rõ ràng không đáng là bao. Vậy nhưng khi nhìn bọn trẻ tự giác dùng xà phòng rửa tay, lau tay bằng khăn để bước vào bữa ăn một cách cẩn thận, sạch sẽ đã làm Thạc sĩ Nguyễn Thị Quyên, chuyên viên của Vụ giáo dục mầm non (Bộ GD – ĐT) rất hài lòng trong suốt quá trình kiểm tra ở 10 trường được hưởng lợi từ dự án. Không chỉ giữ vệ sinh trước khi ăn, các cháu còn tạo cho mình thói quen đánh chải răng đúng cách, vệ sinh đầu tóc, quần áo gọn gàng trong sinh hoạt hằng ngày.

 

Cho bé gọn gàng khi đến trường - Ảnh: Mạnh Thúy

 

Nhà trường phải dạy cho trẻ các kỹ năng về giáo dục vệ sinh cá nhân hợp lý, giúp trẻ nhận thức đúng và có thói quen vệ sinh tốt. Đây là vấn đề mà bất kỳ giáo viên và phụ huynh nào cũng có thể làm được. Song có một thực tế mà cả nhà trường và phụ huynh đều thừa nhận đó là chưa giáo dục các em đến nơi đến chốn. Giải thích về vấn đề này, phụ huynh thì bảo không có thời gian quan tâm đến con cái, còn nhà trường thì cho rằng không có kinh phí đầu tư. Đối với các trường học ở thành phố, trước áp lực cạnh tranh và nhu cầu của phụ huynh nên những công trình vệ sinh được các trường đầu tư tương đối nhưng việc sử dụng xà phòng rửa tay, khăn lau tay, lau mặt vẫn chưa được tính đến. Thành phố đã thế huống hồ là các trường nông thôn, miền núi. Vậy nên có đến 90% các trường mầm non ở nông thôn, miền núi việc giáo dục vệ sinh cá nhân cho trẻ vẫn chưa được quan tâm.

 

Tại trường mầm non bán công Hoà Định Đông (huyện Phú Hoà) nhìn cách dùng một ống nhựa đục thành 6 lỗ rồi dùng van gắn vào một thùng nhựa đựng nước. Mỗi khi cần rửa tay, bọn trẻ chỉ cần xả van là 6 vòi nước tự chảy. Một cách làm không mấy tốn kém nhưng bọn trẻ có được một công trình rửa tay rất độc đáo, tiện lợi. Với cách làm sáng tạo này, đội ngũ giáo viên của nhà trường chứng tỏ cho các trường ở khu vực nông thôn thấy rằng: Chỉ cần những người làm giáo dục quyết tâm thì dù ở nông thôn hay thành thị bọn trẻ vẫn được giáo dục vệ sinh cá nhân tốt.

 

10 trường được dự án hỗ trợ triển khai thí điểm đều xây dựng, trang bị máng vòi nước rửa tay, giá đẻ xà phòng, móc treo khăn, công trình vệ sinh. Có thể nói công tác giáo dục vệ sinh các nhân cho trẻ là khá bài bản. Tuy nhiên, đến tháng 12 này dự án kết thúc. Không được hỗ trợ xà phòng, khăn mặt liệu các trường có tiếp tục giúp trẻ giữ vệ sinh nữa hay không? Cô Nguyễn Thị Trẻo, Hiệu trưởng trường mầm non bán công Hoà Định Đông, bộc bạch: “Không có sự hỗ trợ của dự án thì mỗi trường vẫn có thể làm được. Bởi đây không phải là vấn đề kinh phí đầu tư mà chủ yếu là ý thức, phương pháp giáo dục của nhà trường và phụ huynh. Để hình thành nề nếp, thói  quen vệ sinh cá nhân cho trẻ, bên cạnh, sự nỗ lực dạy dỗ của giáo viên, vai trò của phụ huynh trong việc này là rất quan trọng. Bởi trẻ em không có kiến thức kỹ năng trước nên chúng sẵn sàng theo dõi người khác để bắt chước theo. Do đó, muốn con giữ được vệ sinh thì trước hết cha mẹ phải là người đầu tiên cho chúng bài học này”.

 

Nhận thức đúng dẫn đến hành vi đúng. Cùng với việc hỗ trợ xà phòng, khăn mặt, dự án còn tổ chức các lớp tập huấn phổ biến kiến thức khoa học về giáo dục vệ sinh các nhân trẻ cho cán bộ quản lý, giáo viên và phụ huynh. Chỉ qua 9 tháng triển khai, dự án đã tác động rất tích cực đến sự quan tâm của phụ huynh. Các phụ huynh đều xác nhận rằng con họ có nhiều thói quen quen tốt trong việc tự chăm sóc vệ sinh cá nhân.

 

Bà Trần Thị Kim Tuyết, Phó trưởng phòng mầm non – tiểu học Sở GD – ĐT cho biết: “Sự nhất quán giữa việc dạy và thực hiện là cực kỳ quan trọng. Nếu giáo viên, phụ huynh cố dạy các em một thứ nhưng lại có thái độ trái ngược hay khác với cách đã dạy thì trẻ sẽ rất khó hiểu và thất vọng vì chẳng biết làm gì và tin vào ai. Vậy nên để mô hình giáo dục này được nhân rộng trong thời gian đến, giáo viên và phụ huynh nói phải đi đôi với làm. Có như thế giáo dục vệ sinh cá nhân cho trẻ mới xuyên suốt”.

 

“Giáo dục kỹ năng vệ sinh cá nhân cho trẻ là một trong những nội dung đổi mới phương pháp nuôi dạy trẻ của chương trình giáo dục mầm non. Sự hỗ trợ của Quỹ Unilever  chỉ trong 1 năm, kinh phí đầu tư cũng không nhiều. Trên cơ sở đạt được từ dự án này, tôi mong ngành giáo dục Phú Yên tiếp tục nhân rộng cách làm này. Các trường phải đẩy mạnh công tác vận động để phụ huynh và xã hội chung tay góp phần đưa chất lượng giáo dục ở bậc học này ngày càng phát triển đi vào chiều sâu.”

 

THUÝ HẰNG

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Cần đổi mới phương pháp giảng dạy
Thứ Ba, 08/11/2005 15:28 CH
Cho con thành tài
Thứ Ba, 08/11/2005 09:48 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek