Thứ Sáu, 04/10/2024 02:32 SA
Từ vụ tiêu cực trong kỳ thi tốt nghiệp THPT ở Hà Tây:
Phải xem lại quy trình xử lý kỷ luật
Thứ Hai, 10/07/2006 14:17 CH

Cả nước, đặc biệt là giới giáo viên đang xôn xao không biết Bộ Giáo dục - Đào tạo  cũng như các cơ quan chức năng sẽ giải quyết vụ tiêu cực trong kỳ thi tốt nghiệp THPT ở tỉnh Hà Tây như thế nào. Hiện tại, khi cơ quan điều tra, hội đồng chấm lại còn đang làm việc thận trọng thì sự xôn xao ấy càng tăng lên gấp bội. Liệu có chuyện “dàn xếp êm đẹp” để mọi việc đâu vào đấy? Hay  là sang năm quy định giám thị không được mang máy quay phim, máy ảnh vào hội đồng thi? Những bài thi giống nhau 100%, 90%, 70%, 50%… thì xử lý ra sao? Và sẽ xử lý kết quả đó như thế nào? Liệu rồi vụ tố cáo tiêu cực của thầy Khoa có rơi vào quên lãng khi mà kỳ thi Đại học đang diễn ra với bao nỗi lo lắng, vui buồn? Khi các cơ quan chức năng chưa có kết luận cuối cùng (mới tặng cho thầy Khoa bằng khen dũng cảm chống tiêu cực), tôi dự đoán, theo lệ thường, các khả năng sau sẽ xảy ra:

 

Một là, qua việc chấm lại bài thi, một số học sinh từ đậu sẽ trở thành rớt tốt nghiệp. Cha mẹ học sinh phải cơm áo gạo tiền cho con mình học thêm một năm nữa mà chưa chắc sang năm sẽ đậu (sang năm thi nghiêm túc hơn). Như vậy, có thể thấy rằng, gánh chịu hậu quả nặng nề đầu tiên của việc xử lý chính là học sinh.

 

Hai là, một số giám thị coi thi sẽ có quyết định kỷ luật, ít nhất là cảnh cáo vì đã dung túng cho học sinh quay cóp trong khi thi. Còn thanh tra Bộ, thanh tra Sở, chủ tịch Hội đồng thi, trưởng ban chỉ đạo thi, công an bảo vệ, hiệu trưởng trường sở tại… thì chỉ bị khiển trách trong cuộc họp rút kinh nghiệm.

 

Tóm lại, học sinh, nạn nhân của căn bệnh thành tích - như nhiều người nói - lại gánh chịu hậu quả nặng nề nhất. Tiếp theo là giám thị. Và cuối cùng, những người có quyền năng quyết định sự nghiêm túc hay không nghiêm túc của một kỳ thi sẽ  được xử lý nhẹ nhàng nhất. Như thế liệu có công bằng  không? Chúng tôi kiến nghị nên xử lý kỷ luật theo chiều ngược lại. Những người có trọng trách cao nhất của tỉnh trong kỳ thi sẽ nhận hình thức kỷ luật nặng nhất. Ít ra việc kỷ luật cũng nên tỷ lệ thuận với số tiền bồi dưỡng mà người đó nhận trong kỳ thi. Còn học sinh, hãy tha cho các em. Việc thêm một học sinh đậu tốt nghiệp THPT, nói như  thầy Văn Như Cương, cũng chẳng chết ai.

 

Nói như thế, các vị quan chức cấp cao sẽ phản ứng ngay: “Tôi đã tổ chức các cuộc họp quán triệt tư tưởng chỉ đạo, đã triển khai các chỉ thị, quyết định… Còn cấp dưới làm sai là do cấp dưới không nghe, lỗi do cấp dưới”. Xin hỏi, chức năng giám sát đôn đốc của các vị đâu? Làm chủ tịch, chỉ đạo cuộc thi mà nói cấp dưới không nghe thì có đáng làm lãnh đạo thi không? Có trách nhiệm gì không?

 

Qua nhiều năm làm công tác thi tôi nhận thấy, việc nghiêm túc hay không nghiêm túc của một kỳ thi phụ thuộc rất lớn vào Chủ tịch Hội đồng thi. Chủ tịch Hội đồng thi lại phụ thuộc vào sự quyết liệt của Ban chỉ đạo thi. Còn hầu hết giáo viên không dại gì bỏ bằng đại học của mình để lấy bằng tốt nghiệp THPT cho học sinh, nếu cấp trên không “bật đèn xanh” cho quay cóp.

 

Phân tích để thấy việc xử lý kỷ luật như thế nào là công bằng. Và tại sao không phong cho thầy Khoa danh hiệu Anh hùng. Thầy đã cứu cả một lớp học sinh 12 bây giờ và còn nhiều lớp sau đó nữa; cảnh tỉnh cả một nền giáo dục đang bị ru ngủ trong căn bệnh thành tích hình thức thì không phải có công lớn sao?

 

                                            VĂN MINH

(Giáo viên Trường THPT Trần Quốc Tuấn, huyện Phú Hòa)

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek