Thứ Sáu, 29/11/2024 07:46 SA
Quy đỊnh mới về giáo dục hòa nhập cho người tàn tật, khuyết tật
Chủ Nhật, 09/07/2006 09:30 SA

Bộ GD – ĐT vừa ban hành quy định về “Giáo dục hoà nhập dành cho người tàn tật, khuyết tật”. Phú Yên cuối tuần trích giới thiệu một số điều liên quan đến nhiệm vụ và quyền lợi của các cơ quan, ban, ngành chức năng cũng như người tàn tật, người khuyết tật (gọi chung là NKT) trong quy định mới này.

 

060709-qd.jpg

Một giờ học của trẻ khuyết tật ở trường Niềm Vui (TP Tuy Hòa). Ảnh: T. Hằng

 

Về nhiệm vụ của cơ sở giáo dục đối với giáo dục hoà nhập cho NKT

 

Điều 6: Cơ sở giáo dục huy động và tiếp nhận NKT đến học; xây dựng cơ sở vật chất, tạo cơ hội và điều kiện cho NKT được tham gia các hoạt động hoà nhập với cộng đồng; xây dựng kế hoạch hoạt động, đội ngũ giáo viên, giảng viên, nhân viên hỗ trợ cho NKT theo đơn vị lớp hoặc khối lớp; phối hợp chặt chẽ với gia đình, các tổ chức xã hội và các lực lượng cộng đồng để chăm sóc, giáo dục cho NKT; tạo điều kiện cho giáo viên, giảng viên, nhân viên tham gia học tập nâng cao chuyên môn về giáo dục cho NKT; các cơ sở sư phạm tuyển sinh NKT cùng một loại tật để đào tạo thành giáo viên chuyên trách giáo dục hoà nhập.

 

Đối với lớp hoà nhập dành cho NKT

 

Điều 7: Các cơ sở giáo dục tuỳ theo điều kiện cụ thể để bố trí các lớp học hoà nhập phù hợp với NKT, các hoạt động trong lớp cần chú ý quan tâm tới khả năng và nhu cầu của NKT. Mỗi lớp hoà nhập dành cho NKT ở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông có nhiều nhất không quá ba NKT cùng một loại tật. Trường hợp đặc biệt, hiệu trưởng nhà trường căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương có thể tiếp nhận thêm NKT trong một lớp. Tuỳ theo điều kiện của địa phương, cơ sở giáo dục có thể hợp đồng lao động NKT hoặc người có tâm huyết, có hiểu biết về lĩnh vực này để trợ giúp giáo viên trong quá trình chăm sóc, giáo dục hoà nhập dành cho NKT. Mức chi trả cho lao động hợp đồng không được thấp hơn mức lương tối thiểu theo quy định.

 

Về trách nhiệm của giáo viên, giảng viên, nhân viên trong giáo dục hoà nhập dành cho NKT

 

Điều 16: Giáo viên, giảng viên, nhân viên trong giáo dục hoà nhập dành cho NKT phải tôn trọng và thực hiện các quyền của NKT; có phẩm chất đạo đức tốt, yêu thương NKT, có năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ. Thực hiện nghiêm túc đầy đủ chương trình, kế hoạch dạy học theo yêu cầu và các quy định của cơ sở giáo dục. Chủ động phối hợp với tổ, nhóm chuyên môn trong việc lập kế hoạch giáo dục cá nhân; tổ chức hoạt động giáo dục, đánh giá kết quả giáo dục theo kế hoạch giáo dục cá nhân của NKT. Thường xuyên bồi dưỡng, đổi mới phương pháp, học hỏi kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả giảng dạy. Tư vấn cho nhà trường và gia đình các em trong việc hỗ trợ, can thiệp, xây dựng và triển khai kế hoạch hoạt động giáo dục hoà nhập cho NKT.

 

Về quyền lợi của giáo viên dạy hoà nhập cho NKT

 

Điều 17: Được đào tạo, bồi dưỡng, chuyên môn, nghiệp vụ về giáo dục hoà nhập cho NKT. Được tính giảm mức giờ chuẩn hoặc trợ cấp giảng dạy tuỳ theo điều kiện và quy định của từng địa phương hoặc cơ sở giáo dục. Giáo viên, giảng viên có thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục hoà nhập cho NKT  được khen thưởng theo quy định.

 

Về quyền lợi của NKT học hoà nhập

 

Điều 19: Tuổi của NKT đi học có thể cao hơn tuổi của người khác theo quy định của Bộ GD – ĐT và được quan tâm giúp đỡ để có thể học hoà nhập. Được học trong các cơ sở giáo dục phù hợp với trình độ, năng lực; được tôn trọng và bảo vệ, đối xử bình đẳng trong học tập, hoạt động văn hoá, thể thao để phát triển khả năng cá nhân; được xét miễn, giảm học phí và các khoản đóng góp khác; được cung cấp thông tin, được cấp sách giáo khoa, học phẩm, học bổng theo quy định. Được miễn, giảm một số môn học không thể đáp ứng do tình trạng khuyết tật gây nên, tuỳ theo từng trường hợp cụ thể hiệu trưởng nhà trường và giám đốc sở GD – ĐT quyết định việc miễn giảm một số môn học cho NKT để tăng cường học tập các môn mà người học có khả năng đáp ứng tốt và được xét lên lớp hoặc chuyển học tiếp ở lớp cao hơn dựa trên các môn được học. NKT có nhu cầu hỗ trợ đặc biệt, được bố trí tiết dạy cá nhân ngoài các hoạt động chung. Được hưởng chính sách ưu tiên theo đối tượng tuyển sinh vào các trường THCN, CĐ, ĐH và được tạo điều kiện học tập phù hợp với khả năng đáp ứng tốt nhất. Được bố trí ở ký túc xá, hưởng chế độ ưu tiên trong quá trình học tập và chế độ ưu đãi của Nhà nước. Sau khi tốt nghiệp, hoàn thành các chương trình đào tạo, NKT được giới thiệu vào làm việc tại các cơ quan, cơ sở sản xuất, kinh doanh phù hợp với sức khoẻ và ngành nghề đào tạo.

 

Tổ chức thực hiện của UBND các cấp và Phòng giáo dục huyện, thị

 

Điều 24: UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là cấp tỉnh) thành lập Ban chỉ đạo giáo dục hoà nhập dành cho NKT ở cấp tỉnh; bảo đảm ngân sách; biên chế giáo viên, cơ sở vật chất và thiết bị cho giáo dục hoà nhập NKT. UBND huyện, thị thành lập Ban chỉ đạo giáo dục hoà nhập dành cho NKT cấp huyện; chỉ đạo UBND phường, xã, thị trấn vận động và tổ chức để đưa NKT đến trường học. UBND các cấp có trách nhiệm là phê duyệt kế hoạch, quy hoạch về giáo dục hoà nhập cho NKT và đưa vào kế hoạch, quy hoạch chung của địa phương; quan tâm chỉ đạo và giải quyết chính sách cho giáo viên trực tiếp giảng dạy; chỉ đạo các ban, ngành phối hợp với ngành giáo dục điều tra, phát hiện, can thiệp sớm và giáo dục hoà nhập dành cho NKT tại địa phương; tuyên truyền ưu tiên đặc biệt các nguồn lực cho các tổ chức hoạt động chăm sóc, giáo dục cho NKT.

 

Đối với Phòng giáo dục, điều 26 quy định: Xây dựng kế hoạch giáo dục hoà nhập dành cho NKT trên toàn địa bàn huyện và tham mưu để UBND huyện phê duyệt. Phối hợp với các cơ quan, ban, ngành và các tổ chức xã hội để triển khai thực hiện kế hoạch giáo dục hoà nhập. Thành lập nhóm cán bộ cốt cán về giáo dục hoà nhập, quản lý, chỉ đạo triển khai các hoạt động chuyên môn. Phân công một lãnh đạo Phòng GD – ĐT và cán bộ chuyên môn theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá các cơ sở giáo dục thuộc quyền quản lý.

 

MẠNH THUÝ (giới thiệu)

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek