Phú Yên hiện đã có 95/106 xã, phường, thị trấn xây dựng Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ). Nhưng gần một nửa trong số đó hoạt động chưa hiệu quả.
Để khuyến khích, huy động và tạo điều kiện cho toàn xã hội tham gia phát triển giáo dục, tạo cơ hội cho mọi người học tập, giúp bà con nhân dân đến với kiến thức để nâng cao dân trí và làm ăn tốt hơn, TTHTCĐ ra đời. TTHTCĐ được xây dựng bằng hình thức học tập đa dạng: dạy văn hóa, phổ biến cách thức làm ăn, trồng trọt.
Tìm hướng đi hiệu quả cho TTHTCĐ, đó là nội dung của hội thảo vừa được Liên hiệp các Hội KHKT và Sở GD-ĐT tổ chức - Ảnh: M. Thúy |
SẢN XUẤT HIỆU QUẢ HƠN NHỜ TTHTCĐ
Tại TTHTCĐ xã Xuân Phước ( huyện Đồng Xuân ), một lớp học bổ túc THPT gần 30 học sinh với đủ các lứa tuổi đang chăm chú nghe giáo viên giảng bài. Anh Trần Thanh Sang, một thanh niên trong xã, nói: “Nhiều lần tôi muốn đi học thêm để nâng cao kiến thức, song vì lớn tuổi nên ngại. Nhờ có TTHTCĐ, những người chỉ có trình độ lớp 9 như chúng tôi mới được học tiếp”. Trong lớp học này còn có không ít người là cán bộ đương chức của xã.
CHƯA... CỘNG ĐỒNG!
Cái lợi mà nhân dân hưởng được từ TTHTCĐ là không ai phủ nhận. Song trong số 95 trung tâm được thành lập thì mới chỉ có phân nửa là hoạt động có hiệu quả, số còn lại đang gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí hoạt động. Theo cơ chế, TTHTCĐ hoạt động được là nhờ sự bảo trợ của ngành giáo dục và Hội khuyến học địa phương. Do đó, ở đâu công tác khuyến học, xã hội hoá giáo dục tốt thì TTHTCĐ nơi đó hoạt động hiệu quả. Có kinh phí thì mới mời được báo cáo viên về dạy, còn ngược lại, hoạt động của TTHTCĐ cũng chỉ mang tính cầm chừng. Ông Trần Phú Sơn, Trưởng ban quản lý TTHTCĐ xã Hoà Hiệp Trung (huyện Đông Hoà), bày tỏ: “Nếu chỉ dựa vào sự hỗ trợ của Hội Khuyến học hay ngân sách địa phương thì cũng chỉ mở được vài lớp là hết kinh phí. Để tồn tại, chúng tôi chỉ còn cách “lấy nó nuôi nó” bằng cách đa dạng hoá các nội dung giảng dạy để có thể thu được học phí từ người học như: liên kết tổ chức học lái xe mô tô, đào tạo các chứng chỉ Tin học, ngoại ngữ, âm nhạc… Cách làm này giúp trung tâm tự thu tự chi, có nguồn kinh phí hoạt động. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, vì cách làm này biến ngôi nhà dành cho cộng đồng học tập lại trở thành trung tâm kinh doanh có mục đích, chỉ đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người nào đó”.
Kinh phí chủ yếu “tự thân vận động” nên tình trạng hầu hết các trung tâm thành lập rồi để đó đang diễn ra khá phổ biến, nhất là ở các xã miền núi. Nhu cầu học ở các nơi này rất nhiều nhưng nếu học mà phải đóng học phí thì người dân không mặn mà.
Để TTHTCĐ trong tương lai là một trường học có chất lượng, thỏa mãn những điều kiện và yêu cầu cần thiết thực hiện nhiệm vụ nâng cao dân trí ở cơ sở, chúng tôi cho rằng cần sớm tạo hành lang pháp lý bảo đảm các hoạt động về tổ chức và nội dung giáo dục của TTHTCĐ. Cho đến nay, các ban quản lý trung tâm hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm là chủ yếu. Chính vì trách nhiệm chưa gắn với quyền lợi nên vấn đề rảnh thì làm bận thì thôi là không thể tránh khỏi, dẫn đến chất lượng, hiệu quả đào tạo của các TTHTCĐ cũng ảnh hưởng theo.
THÚY HẰNG