Một số khu công nghiệp (KCN) đang kêu thiếu công nhân. Đi sâu tìm hiểu mới thấy có nhiều nguyên nhân: Quy hoạch đào tạo không đáp ứng sự phát triển nhanh của các KCN, các doanh nghiệp, tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” được báo động hơn 15 năm nay, song ở tầm vi mô cũng như vĩ mô đều chưa có một giải pháp hữu hiệu; các cơ sở dạy nghề chỉ dạy “cái mình có” chứ chưa dạy “cái thị trường cần”. Cũng có một cái khó là không ai nắm bắt được nhu cầu năm, mười năm tới kinh tế – xã hội sẽ phát triển như thế nào để có thể “lượng hóa” nhu cầu đào tạo, mà điều này là “chìa khóa” cho sự phát triển ngành nghề đúng hướng.
Ở đây chỉ xin đề cập đến tình trạng thiếu công nhân các KCN ở một khía cạnh khác: Đãi ngộ. Đãi ngộ ở đây không chỉ có trả đủ lương, tuy rằng, lương là vấn đề cơ bản, mà còn là điều kiện bảo hộ lao động, nơi ăn ở, đi lại… Ví dụ các doanh nghiệp ở KCN Đông Bắc Sông Cầu kêu thiếu lao động, nhưng một số lao động khi đến làm việc ở đây đã bỏ về. Người ta làm một phép toán đơn giản: Mỗi tháng nhận lương 700.000đồng nhưng chi phí ăn hết 300 – 400.000; thuê trọ (vì KCN không có nhà ở cho công nhân) 200-300.000, tiền thuê xe đi làm (vì nhà ở xa) 100-200.000. Thế là chẳng còn đồng nào để giúp gia đình (điều mà người công nhân lao động xuất thân từ nông thôn nghèo đang cần).
Một số doanh nghiệp tổ chức cho công nhân ăn ca, nhưng nơi ăn cũng rất tạm bợ giữa vùng cát cháy, gió nam lồng lộng thổi, ăn mà như tra tấn, làm sao có thể thoải mái hồi sức để làm tiếp. Rồi các điều kiện bảo hộ lao động cũng không đảm bảo. Cả KCN không có một cơ sở y tế nào, khi công nhân bị bệnh, bị tai nạn lao động thì không biết sơ cứu ban đầu ở đâu.
Ngày nay chúng ta nói nhiều đến chăm lo cải thiện đời sống công nhân. Nhà nước có pháp luật, công đoàn, ngành lao động xã hội có bộ phận theo dõi, chỉ đạo… việc bảo hộ lao động, bảo vệ quyền và lợi ích cho người lao động. Nhưng nếu các doanh nghiệp không chấp hành đầy đủ các quy định đã đề ra, cố tình coi công nhân như cu-li thì làm sao công nhân mặn mà với doanh nghiệp. Vẫn biết là việc đầu tư cơ sở vật chất ban đầu của các doanh nghiệp ngốn một số vốn không nhỏ, doanh nghiệp đang cố gắng đẩy mạnh sản xuất để mong làm ăn có lãi, sớm bù lại chi phí ban đầu. Song đầu tư chăm lo đời sống công nhân mới là lâu bền và đảm bảo cho sự phát triển vững chắc của doanh nghiệp. Đây là bài học của các doanh nghiệp đang ăn nên làm ra, chứ không phải là lời giáo huấn.
TRẦN HỮU