Phú Yên sẽ hoàn thành phổ cập trung học cơ sở (THCS) vào cuối năm nay nếu hai huyện còn lại là Sông Hinh và Sơn Hòa hoàn thành công tác này. Đây là áp lực để hai huyện miền núi này huy động tất cả lực lượng vào cuộc.
Trước hàng loạt việc phải làm, hai huyện Sông Hinh, Sơn Hòa đã tập trung đẩy mạnh công tác huy động, vận động học sinh bỏ học giữa chừng ra lớp bằng cách mở lớp học tại thôn buôn, linh hoạt về giờ giấc. Đây được xem là lựa chọn thích hợp nhất để huy động tối đa các đối tượng trong độ tuổi hầu hết là lao động chính của gia đình, tham gia lớp phổ cập.
19 giờ, buôn làng chìm trong màn đêm yên tĩnh, chỉ riêng Trường tiểu học Suối Trai (xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa) đèn điện sáng choang. Ở góc sân trường, hơn 20 chiếc xe máy dựng ngay ngắn. “Xe của học sinh đi học phổ cập đấy!” - bác bảo vệ nhà trường giải thích. Ngay ở phòng học đầu tiên, gần 30 thanh niên tuổi từ 15 – 18 đang chăm chú nghe thầy giáo giảng bài. Một giáo viên dạy phổ cập nói: “Suối Trai chưa có trường cấp 2 nên giáo viên phải lặn lội từ xã Ea Chà Rang lên trên này dạy. Thời gian học từ 19 đến 21 giờ nên sau khi tan lớp, giáo viên phải ở lại. Tuy cực nhưng có học sinh là ổn”.
Ở một lớp phổ cập THCS - Ảnh: Thúy Hằng
Sơn Hoà còn 5 xã: Suối Trai, Krôngpa, Cà Lúi, Ea Chà Rang và Phước Tân là chưa hoàn thành phổ cập giáo dục THCS. Dân cư của các xã này hầu hết là người dân tộc thiểu số, nếu mở lớp vào ban ngày thì không có học sinh nên Ban phổ cập giáo dục các xã đành phải “chiều” người học, mở lớp vào ban đêm. Chuyện mở lớp học tại thôn, buôn không mới, vì nhiều nơi đã làm. Song mọi việc thật không dễ dàng. Thầy Huỳnh Đức Chúng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Suối Trai, Phó ban chỉ đạo phổ cập giáo dục của xã này cho biết: “Giáo viên cấp 2 thì đứng lớp; còn giáo viên cấp 1, chính quyền và các đoàn thể thì đến tận nhà các em kiểm tra, đôn đốc việc đến lớp để hạn chế tình trạng đi học theo kiểu “giã gạo” bữa có bữa không”.
Ở các xã có điều kiện thuận lợi, lớp học được tổ chức tập trung tại một điểm trường để tiện theo dõi tình hình học tập của học sinh. Ở Sông Hinh, do địa bàn rộng đi lại cách trở, gia đình học sinh còn quá khó khăn, hàng đêm các em phải vượt năm bảy cây số đến lớp nên sĩ số thường không đảm bảo. Do vậy, bên cạnh mô hình “lớp linh hoạt” huyện còn tổ chức cho các em học theo nhóm, hàng tuần giáo viên giao bài tập cho các em rồi kiểm tra bài theo lịch.
Ngoài sự nỗ lực của giáo viên, lãnh đạo chính quyền địa phương ở hai huyện Sông Hinh, Sơn Hòa đã quan tâm chỉ đạo sâu sát, góp phần rất lớn trong việc huy động 80% số đối tượng bỏ học giữa chừng ra lớp phổ cập. Xã nào cũng phân công đảng viên phụ trách địa bàn tham gia công tác này không hoàn thành nhiệm vụ thì phải chịu trách nhiệm trước đảng bộ. Đảng viên nào, chi bộ nào có con em là đối tượng vận động ra lớp mà không thực hiện thì đảng viên đó, chi bộ đó phải kiểm điểm trách nhiệm trước chi bộ, gắn với việc xem xét tư cách đảng viên và phân loại tổ chức cơ sở đảng. Mặt trận và các đoàn thể, cũng vào cuộc; vai trò già làng, trưởng bản được đặc biệt chú trọng. Song song với việc vận động học sinh bỏ học ra lớp các ban ngành, đoàn thể còn phải kết hợp chặt chẽ với nhà trường không cho học sinh bỏ học giữa chừng. Những hộ gia đình nghèo nhưng biết tạo điều kiện cho con ra lớp sẽ được chính quyền tạo điều kiện vay vốn ưu đãi và những hỗ trợ khác.
Cách làm kiên quyết, tập trung sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, gắn trách nhiệm gia đình – nhà trường – xã hội mà các Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục 2 huyện Sơn Hoà, Sông Hinh đang làm đã phát huy tác dụng. Ông Sô Minh Nũng, Phó Bí thư Huyện uỷ Sơn Hoà, cho biết: “ Để đảm bảo tiến độ phổ cập THCS của huyện và tỉnh, Sơn Hoà tiến hành phân công trách nhiệm rõ ràng, những việc nào thuộc lĩnh vực chuyên môn của ngành giáo dục thì ngành giáo dục lo, việc nào thuộc về cấp uỷ địa phương thì địa phương chỉ đạo quyết liệt. Đây được xem là một tiêu chí để đánh giá năng lực của cán bộ.”
Với quyết tâm và gắn trách nhiệm từ nhiều phía, tại Hội nghị tổng kết phổ cập giáo dục THCS giai đoạn 1 (2001 – 2005) vừa được UBND tỉnh tổ chức, hai huyện Sông Hinh, Sơn Hoà khẳng định sẽ hoàn thành công tác này vào cuối năm nay, cùng với cả tỉnh đạt chuẩn phổ cập THCS trước một năm so với kế hoạch và 4 năm so với lộ trình cả nước.
KHÁNH NGUYÊN