Thứ Sáu, 04/10/2024 06:21 SA
Sông Hinh tạo nguồn giáo viên người dân tộc thiểu số
Chủ Nhật, 02/07/2006 08:43 SA

Huyện Sông Hinh đã đầu tư 100% kinh phí để đào tạo tại huyện 25 giáo viên người dân tộc thiểu số. Đây là những thầy cô giáo được hy vọng sẽ thúc đẩy được chất lượng dạy - học ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện.

 

Huyện miền núi Sông Hinh có đến 80% dân cư là người dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, giáo viên ở các bậc học phổ thông là người dân tộc thiểu số là rất hiếm. Do yêu cầu bức bách của sự phát triển quy mô giáo dục, nên những ngày đầu thành lập huyện, để có giáo viên “cắm” buôn, ngành giáo dục buộc phải chọn nguồn tuyển ở địa phương. Gọi là giáo viên mầm non, tiểu học nhưng trình độ của những giáo viên này chủ yếu được đào tạo cấp tốc, ngắn hạn như 7 + 2, 8 + 1, 9 + 1 hoặc 12 + 1…

 

Từ trước đến nay, hỗ trợ kinh phí học tập để giáo viên có điều kiện bồi dưỡng, chuẩn hóa thì nhiều địa phương đã làm. Song cấp 100% kinh phí để đào tạo giáo viên đặc thù thì mới chỉ có Sông Hinh là địa phương đầu tiên trong tỉnh thực hiện. 25 giáo sinh là người dân tộc thiểu số ở huyện này vừa được Trường Cao đẳng Sư phạm Phú Yên trao bằng cử nhân lớp Cao đẳng Sư phạm tiểu học tại chức (khoá học 2003 – 2006, được mở ngay tại thị trấn Hai Riêng). Đầu vào của lớp học là những thí sinh đã tốt nghiệp THPT, được huyện lựa chọn, Trường CĐSP Phú Yên tổ chức thi tuyển và đào tạo. Hờ Bé La, dân tộc Êđê, người vừa nhận được bằng cử nhân, cho biết: “Năm 2003, sau khi tốt nghiệp 12, do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, em đành ở nhà phụ gia đình làm nương rẫy. Nhận được thông báo tập hợp học sinh có bằng tốt nghiệp 12 để  thi tuyển vào lớp đào tạo giáo viên tiểu học do huyện hỗ trợ kinh phí đi học. Mừng quá, vậy là em nộp đơn luôn và trúng tuyển”. Còn anh Nông Văn Thịnh, dân tộc Tày, bộc bạch: “Thấy em quanh quẩn ở nhà, nhiều người trong buôn không muốn cho con học lên nữa. Họ bảo cứ nhìn em  xong lớp 12 cũng chẳng thay đổi được gì... Em buồn lắm, nhất là thương các em nhỏ bị cha mẹ cho nghỉ học sớm. Khi em được huyện tạo điều kiện  đi học làm thầy giáo, bà con đã có cái nhìn tích cực về lợi ích của cái chữ”.

 

Nếu ai có điều kiện nghiên cứu sâu hai chương trình sách giáo khoa trước  và sau năm 2000 thì đều nhận ra những thay đổi rõ rệt của chương trình mới. Chương trình này không chỉ chú trọng đến việc truyền thụ kiến thức, kỹ năng  mà còn chú trọng rèn cho học sinh phương pháp suy nghĩ đánh giá vấn đề. Với đặc thù là huyện miền núi có đến 80% dân cư là người dân tộc thiểu số nên lượng học sinh dân tộc thiểu số đông. Vì thế, đối với những giáo viên người Kinh được điều về dạy chữ cho các em, do bất đồng về ngôn ngữ nên hiệu quả giáo dục không cao. Còn giáo viên là người dân tộc thiểu số, do chưa được đào tạo bài bản về nghiệp vụ sư phạm nên chỉ “dạy cho có dạy”. Hờ Giá, một giáo viên được đào tạo theo chương trình bày tỏ: “Tốt nghiệp 12 là em được hợp đồng vào dạy tiểu học ở xã vùng sâu Sông Hinh. Lợi thế là người dân tộc thiểu số hiểu tiếng đồng bào mình, nên khi học sinh có biểu hiện chưa hiểu bài là em nhận ra và khắc phục ngay. Nhưng hồi đó, vì chưa có nghiệp vụ sư phạm nên rất khó khăn trong việc soạn giáo án và giải quyết các tình huống sư phạm trong các giờ lên lớp”.

 

Ngay từ bậc tiểu học, chương trình sách giáo khoa mới đã đòi hỏi học sinh phải thảo luận theo từng nhóm, điều này thường gây khó khăn cho những em học sinh dân tộc thiểu số vốn chưa thành thạo tiếng phổ thông. Ví dụ như môn Đạo đức có những hoạt cảnh đòi hỏi học sinh phải sắm vai các nhân vật, phải biết cách đặt câu hỏi nhưng vì tiếng phổ thông hạn chế, các em rất rụt rè. Những lúc như thế, nếu giáo viên không biết tiếng dân tộc để phiên dịch lại thì chắc chắn sẽ làm giảm rất nhiều sự sáng tạo của học sinh và hiệu quả của giờ học.

 

Phương pháp dạy - học mới đòi hỏi học sinh phải tự phát hiện kiến thức, nói ra những điều mình biết giúp các em dễ nhớ bài hơn, giờ học sinh động hơn. Bên cạnh hạn chế về ngôn ngữ, nhiều em lại chưa  qua chương trình mẫu giáo 5 tuổi. Vì vậy, với những vùng có đông học sinh dân tộc thiểu số, rất cần có giáo viên là người tại chỗ để họ có phương pháp giảng sát hợp, hiệu quả. Ông Lương Công Tùng, Trưởng phòng Giáo dục huyện Sông Hinh, khẳng định: “Dùng giáo viên dân tộc thiểu số để dạy học trò địa phương là một trong những giải pháp hữu hiệu vừa nâng cao hiệu quả giảng dạy vừa khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ở các vùng sâu, vùng xa”. Ngay sau lễ tốt nghiệp, huyện Sông Hinh đã có kế hoạch phân bổ số giáo sinh này về công tác tại các trường học ở  các xã đặc biệt khó khăn có nhiều học sinh dân tộc thiểu số như EaBar, EaBá, EaLâm, EaBia, EaTrol và xã Sông Hinh. Đây là tín hiệu vui cho sự nghiệp giáo dục các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong hành trình nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo.

 

THÚY HẰNG

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek