Lâu nay, lao động Việt
Kết quả nghiên cứu vừa được công bố mới đây khiến những người lao động (NLĐ) và tổ chức công đoàn phải giật mình. Trong tổng số 700 NLĐ thuộc bốn ngành được khảo sát, chỉ 9% NLĐ biết rõ về quy định đình công, 30 – 35% NLĐ không biết hoặc không hề quan tâm và 89% số doanh nghiệp không có báo cáo viên pháp luật! Theo ông Trần Tiến Hoà, Trưởng ban Tuyên giáo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, chủ nhiệm đề tài “Thực trạng và giải pháp của tổ chức Công đoàn về nâng cao hiểu biết pháp luật trong NLĐ hiện nay”, có tới 58% số NLĐ trong độ tuổi từ 18 – 30 được điều tra nói rằng chưa biết các quy định về hợp đồng lao động. Trong khi đó, tỷ lệ NLĐ biết rõ về thoả ước lao động tập thể chưa tới 10%. Ngoài ra, còn những con số rất lớn cho thấy NLĐ không biết hoặc biết nhưng không hề quan tâm đến luật lao động, luật công đoàn, hai bộ luật “sát sườn” nhất đến quyền lợi và nghĩa vụ NLĐ.
Ở Phú Yên, tình hình cũng không khả quan hơn. Theo báo cáo của Ủy ban kiểm tra công đoàn, trong năm 2005, cơ quan này tiếp nhận 87 đơn khiếu nại, tiếp 155 lượt NLĐ thắc mắc về chế độ, chính sách có liên quan đến quyền lợi. Con số trên là không lớn, nhưng qua đó cho thấy mức độ quan tâm đến pháp luật về lao động. Trong một số trường hợp, có những sự việc ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi chính đáng của mình thì cũng không dám kêu hoặc không biết kêu với ai!
Vấn đề đặt ra là vì sao một bộ phận lớn NLĐ ít hiểu biết luật; trong khi tổ chức Công đoàn của ta có hẳn một cơ quan chuyên phụ trách về vấn đề này là UBKT công đoàn, thanh tra nhân dân? Thực tế trên cũng cho thấy hoạt động của Công đoàn còn thiếu tính chiến lược. Lực lượng cán bộ vừa thiếu vừa hạn chế về năng lực chuyên môn và kỹ năng hoạt động. Các hình thức và tài liệu tuyên truyền còn thiếu, chưa đến được với NLĐ trực tiếp sản xuất. Cũng theo kết quả nghiên cứu thì chỉ có 36% NLĐ tìm đến công đoàn nhờ tư vấn khi có tranh chấp lao động!
Trong xu thế phát triển mạnh về công nghiệp, ngày càng có nhiều doanh nghiệp đầu tư với quy mô sản xuất kinh doanh lớn vào tỉnh ta, thì vấn đề hiểu biết về pháp luật đối với NLĐ là hết sức cần thiết. Hành xử đúng pháp luật cũng là hành xử có văn hoá. Song song với việc NLĐ tự nâng cao nhận thức, hiểu biết của mình về lĩnh vực này, tổ chức Công đoàn cần khắc phục tình trạng thụ động, thiếu chặt chẽ trong phối hợp công tác; tăng cường nhiều biện pháp tuyên truyền pháp luật phù hợp với từng đối tượng NLĐ, nhất là lực lượng NLĐ trẻ ở khu vực ngoài quốc doanh.
QUANG MINH