Về thôn Phú Sen (xã Hòa Định Đông, huyện Phú Hoà) hỏi nhà chị Nguyễn Thị Hồng Loan ai cũng biết. Bà con nơi đây còn khoe: “Nhà chị ấy có 3 đứa con đều tốt nghiệp đại học chính quy, là gia đình hiếu học tiêu biểu đấy!”. Con trai lớn của chị là Nguyễn Minh Dũng tốt nghiệp Trường Đại học bách khoa Đà Nẵng, hai con gái Nguyễn Thị Thùy Dung tốt nghiệp Trường đại học Đà Lạt và Nguyễn Thị Thúy Diễm tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh. Về chuyện học hành của con cái, chị Loan thật hạnh phúc, may mắn. Song không phải ai cũng hiểu rõ những gì mà 4 mẹ con họ đã trải qua.
Gia đình hiếu học, một nhân tố góp phần quyết định cho chất lượng của xã hội học tập - Ảnh: M.Thúy
22 tuổi, chồng mất, đứa con lớn mới 5 tuổi, còn đứa nhỏ chưa đầy 20 tháng tuổi. Một thân một mình nuôi 3 con dại, chỉ việc kiếm đủ cái ăn là đã quá khó khăn, huống hồ là lo cho chúng ăn học. Hồi đó, chị Loan chỉ biết ai thuê gì làm đó, tối về lại khai hoang trồng sắn, mía. Quần quật suốt năm suốt tháng nhưng khi Dũng tốt nghiệp 12, chị xoay mãi vẫn không đủ tiền để con làm lộ phí đi thi đại học. Thương mẹ, Dũng xin được ở nhà đi làm nuôi em, 3 năm sau mới đi thi đại học. Ngày nhận được tin Dũng thi đỗ, chị Loan mừng chảy nước mắt. Khi Dũng chưa ra trường thì hai đứa em gái tiếp tục nối bước. Chị Loan vừa mừng vừa lo. Vì trong thời gian Dũng đi học, để có được 400.000 đồng gởi cho con mỗi tháng, chị đã phải vắt kiệt sức. Nhìn chị khổ, bà con hàng xóm khuyên nên cho hai đứa con gái nghỉ học (vì theo họ con gái cần chi học nhiều). Mặc ai nói gì thì nói, chị vẫn quyết tâm cho con đến trường. Các con của chị hiểu được hoàn cảnh gia đình và sự vất vả của mẹ nên rất chăm ngoan. Ngay từ khi còn ở bậc phổ thông, hễ học buổi sáng thì buổi chiều hai cô con gái lo phụ mẹ làm rẫy, chỉ buổi tối mới vào bàn học. Đến khi vào đại học, để giúp mẹ vơi bớt gánh nặng, các con chị vừa đi học vừa làm gia sư cho đến ngày tốt nghiệp.
Ông Minh Văn Thái ở Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân) không kể nhiều về những tháng ngày lam lũ nuôi con, vì theo ông, đã sinh con ra thì cha mẹ phải có trách nhiệm với chúng; phải vững vàng, đừng than thở phàn nàn vì những khó khăn mà phải đối mặt để vượt qua. “Trong 4 đứa con thì đã có 3 đứa nối nghiệp tôi làm nghề giáo. Đứa cháu ngoại lớn nhất cũng đang học ở Trường Cao đẳng sư phạm Phú Yên. Hạnh phúc lớn nhất của tôi là con cái học hành đến nơi đến chốn”. Ông Thái tâm sự:
Để được công nhận gia đình hiếu học là cả một quá trình phấn đấu không hề dễ dàng. Gia đình hiếu học là nhân tố xây dựng nên một xã hội học tập.
Gia đình hiếu học phải đạt được các yêu cầu: Tất cả con cháu trong gia đình đến tuổi đi học đều được đến trường học tập đều đặn, kết quả học tập từ trung bình trở lên và không bỏ học, lưu ban. Người lớn tuổi trong gia đình trừ phi ốm đau, già yếu đều phải xác định rõ nội dung kế hoạch học tập và thực hiện có kết quả. Đồng thời, gia đình này phải thực hiện tốt việc chăm lo khuyến khích, tạo điều kiện cho mọi người trong gia đình học tập và góp phần khuyến học bên ngoài xã hội; đảm bảo gia đình sống hoà thuận, có văn hoá, không có người mắc các tệ nạn xã hội.
Ở Phú Yên ta, sau gần 5 năm triển khai, đến nay đã có 2.335 gia đình được công nhận là gia đình hiếu học. Kết quả này chưa cao so với các tỉnh khác trong cả nước. Song cái mà toàn tỉnh đạt được là sự hưởng ứng, tham gia tích cực của cả cộng đồng vào công tác giáo dục. Bằng nội lực, nhiều địa phương như Phú Hoà, Đông Hoà, Tây Hoà, TP Tuy Hoà không chỉ xây dựng thành công trường tầng, trường chuẩn mà còn đánh thức khả năng làm giáo dục từ các gia đình thông qua công tác khuyến học. Nhà nào khá thì góp nhiều, không tiền thì góp ngày công. Người người thi đua, nhà nhà thi đua, ngành ngành thi đua, xã hội hoá giáo dục vì thế lan tỏa đến tận thôn xóm, đến từng thành viên trong mỗi gia đình. Hiện chi hội khuyến học phát triển đến 101 xã, phường, thị trấn; 86 trung tâm học tập cộng đồng thành lập, toàn tỉnh có 31 dòng họ khuyến học với tổng quỹ khuyến học huy động được gần 1,2 tỷ đồng.
Khối liên kết gia đình – nhà trường – xã hội đã đẩy mạnh phong trào học tập nâng cao trình độ văn hoá; tăng cường khả năng huy động vốn, vận động, tập hợp các tổ chức, gia đình, cá nhân, làng xóm cùng chung sức chăm lo sự học của con em, đặc biệt là đối với các gia đình khó khăn.
Trong 2.335 hộ được công nhận gia đình hiếu học thì phân nửa có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập thấp . Song họ đã vượt lên hoàn cảnh, khơi dậy truyền thống hiếu học. Bà Bùi Thị Tỵ, một người mẹ thương binh lo cho 6 đứa con ăn học thành tài ở xã Hoà Quang Bắc (huyện Phú Hoà) tâm sự: “Đông con, tôi không sợ khổ mà chỉ sợ chúng nó vì lý do nào đó không được học hành đến nơi đến chốn. Sinh ra trong thời chiến tranh, đất nước bị xâm lược, mình không được học hành đầy đủ, đành vậy. Chúng nó sống trong thời bình, quyết không cam chịu thất học!”.
Ông Lê Văn Hữu, Chủ tịch hội Khuyến học tỉnh Phú Yên khẳng định: “Xây dựng gia đình hiếu học là cách đầu tư chiều sâu và khôn ngoan nhất so với bất cứ cách đầu tư nào. Đó là cái nôi nuôi dưỡng, duy trì và phát huy văn hoá gia đình, văn hoá cộng đồng…, giúp thế hệ trẻ lớn lên với những giá trị cần thiết để sống. Xây dựng thành công gia đình hiếu học đương nhiên sẽ góp phần đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở”.
THUÝ HẰNG