Thứ Sáu, 04/10/2024 14:26 CH
Đào tạo Đại học tại chức:
Tìm giải pháp thoát những bất cập
Thứ Hai, 12/06/2006 09:17 SA

Việc mở rộng quy mô đào tạo đại học tại chức trong thời gian qua phù hợp với xu thế chung, đó là chuyển dần từ giáo dục tinh hoa sang giáo dục cho số đông, thoả mãn nhu cầu học tập ngày càng cao của nhân dân. Tuy nhiên, do cơ cấu ngành nghề đào tạo chưa hợp lý nên loại hình này chưa thể đáp ứng một cách tốt nhất yêu cầu về, cơ cấu nguồn nhân lực công cuộc phát triển kinh tế xã hội.

 

LƯỢNG CÓ, CHẤT THÌ CHƯA!

 

Do thuận tiện vừa học vừa làm nên loại hình đào tạo tại chức được nhiều người chọn lựa. Tuy nhiên, đa số chỉ để “nâng cấp” văn bằng, lấy đó làm phương tiện củng cố địa vị. Học viên theo học hệ này chủ yếu là cán bộ, công chức, viên chức. Hoạt động chính khi lên lớp của hệ đào tạo này là nghe - ghi, lối học thụ động theo kiểu phổ thông vẫn là phổ biến. Sở dĩ có tình trạng này, một phần là do số tiết học/ngày của học viên bị “dồn” khá cao, nhất là những học phần do giảng viên các trường ĐH liên kết giảng dạy. Các hoạt động xêmina, câu lạc bộ học thuật, ngoại khoá… chẳng mấy khi được tổ chức, thậm chí không có, với lý do kinh phí hạn hẹp (đối với các lớp tại chức, nguồn kinh phí chủ yếu là học phí). Những hoạt động này theo nguyên tắc là phải do giảng viên các trường ĐH liên kết tổ chức, hướng dẫn nhưng thật sự họ chưa quan tâm đúng mức. Hầu hết các giảng viên còn thực hiện phương pháp giảng dạy truyền thống, phương tiện dạy học chính vẫn là phấn trắng, bảng đen nên chưa thể phát huy tính tích cực của người học.

 

060612-hoctaichuc.jpg
Sinh viên đại học tại chức tại Trung tâm giáo dục thường xuyên Phú Yên

 

Một vấn đề dẫn đến tình trạng “lượng có nhưng chất chưa” ở loại hình đào tạo tại chức, là các cơ sở đào tạo chưa phân luồng người học. Theo các thông tư hướng dẫn của Bộ GD – ĐT, chức năng đào tạo loại hình vừa học vừa làm ở địa phương chỉ có ở Trung tâm giáo dục thường xuyên. Song theo điều lệ của các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, thì các trường này đều có chức năng đào tạo và liên kết đào tạo các ngành. Do sự chồng chéo, trùng lắp nên hầu như đầu vào có bao nhiêu nhận bấy nhiêu. Chính sự dễ dãi trong quá trình tuyển sinh càng làm cho người học chủ quan, số lượng cử nhân tốt nghiệp nhiều nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn nghề nghiệp và cơ cấu nguồn nhân lực.

 

BIẾN ĐÀO TẠO THÀNH TỰ ĐÀO TẠO

 

Chất lượng đào tạo loại hình vừa học vừa làm tuỳ thuộc rất lớn vào các trường liên kết. Bởi tất cả các khâu đánh giá chất lượng đều do các trường liên kết chủ công. Việc các cơ sở đào tạo liên kết mở lớp, trong khi chưa làm tốt công tác quy hoạch, điều tra nghiên cứu nhu cầu học tập của nhân dân, công tác dự báo cơ cấu nguồn nhân lực theo hướng phát triển kinh tế – xã hội địa phương đã làm cho loại hình này mới chỉ đáp ứng được một bộ phận có nhu cầu “nâng cấp” bằng cấp, chứ chưa mấy ai mặn mà trong việc học để làm, học để hành. “Vấn đề phân luồng người học là rất khó nhưng đây là việc cần phải làm khi Phú Yên chuẩn bị thành lập trường đại học”- thạc sĩ Trần Ngọc Hiệp, Phó trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp (Sở GD - ĐT Phú Yên) khẳng định như vậy tại hội nghị công tác liên kết đào tạo đại học hệ không chính quy theo hướng đề án “Xây dựng đại học Phú Yên” vừa được Trường Cao đẳng Sư phạm Phú Yên tổ chức. Ông Hiệp giải thích: Tìm hiểu nguồn nhân lực và quy hoạch đào tạo là một trong những khâu rất quan trọng, cấp thiết hiện nay, nó gắn liền với hiệu quả đào tạo. Nếu nhà quản lý biết quan tâm tìm hiểu kỹ nhu cầu của xã hội, thị trường việc làm của khu vực và địa phương, tuyển sinh nhiều ngành nghề mới có tính đột phá và bền vững thì chắc chắn hệ đào tạo vừa học vừa làm sẽ tạo được lòng tin đối với nhiều người nghĩa là tạo ra những sản phẩm mà xã hội cần, chứ không nên cung cấp cho xã hội những gì mà mình có.

 

Cùng một ngành học nhưng chỗ này liên kết đào tạo, chỗ khác cũng đào tạo liên kết, người học chỉ cần đăng ký hoặc vượt qua kỳ thi tuyển “có tính chất hình thức” là nghiễm nhiên bước vào đại học. Điều đáng ngạc nhiên hơn là “vô” bao nhiêu thì “ra” bấy nhiêu, nên đi học tại chức đang trở thành “mốt”. Trong khi, theo thống kê của Sở GD - ĐT Phú Yên, mỗi năm Phú Yên có khoảng 12 - 15% số thí sinh thi đỗ vào các trường đại học, còøn thấp so với nhiều tỉnh trong khu vực. Tình trạng này buộc các trường chuyên nghiệp nói chung, trường đại học Phú Yên trong tương lai phải hết sức chú ý và phấn đấu trong việc xây dựng “thương hiệu” cho mình. Phải biến quá trình đào tạo thành tự đào tạo.

 

Tiếp cận được giáo dục đại học với chi phí thấp (vì học tại địa phương), về mặt tinh thần thì đại học tại chức đã thoả mãn được nguyện vọng của nhân dân địa phương. Song đừng quá dễ dãi để một số người lấy đó làm bệ phóng “ảo”, lãng phí trong đào tạo (đào tạo chưa gắn với sử dụng) và thương mại hoá trong giáo dục.

 

MẠNH THÚY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek