Thứ Sáu, 04/10/2024 16:18 CH
Tự nhiên lấn át xã hội
Thứ Hai, 05/06/2006 14:15 CH

Học sinh đăng ký theo học ban khoa học tự nhiên (KHTN) chiếm tỷ lệ cao so với ban khoa học xã hội (KHXH) đang là thực tế tại nhiều trường THPT hiện nay. Câu hỏi đặt ra cho ngành giáo dục là làm thế nào để hấp dẫn, lôi cuốn học sinh học Văn học và các môn KHXH nói chung.

 

Một thực tế của ngành giáo dục khi thực hiện thí điểm chương trình phân ban là sự mất cân đối về số lượng học sinh tại hai ban trong đó học sinh đăng ký nhiều vào các lớp ban KHTN. Không thể ép buộc học sinh học ban KHXH nhưng cũng không thể không tổ chức lớp KHXH, các trường đã “trải thảm đỏ” đưa ra nhiều chính sách hấp dẫn. Đó là cho tất cả các lớp ban KHXH đều được học sáng, cho phép học sinh hệ B có điểm xấp xỉ điểm chuẩn được học chung cùng hệ A, đầu tư các thầy cô giáo dạy tốt nhất để có thể giúp học sinh thi được cả khối D. Tuy nhiên, cũng đã có một số học sinh nhấp nhổm muốn xin chuyển sang học ban KHTN, nhưng theo một thầy giáo hiệu trưởng thì các trường không giải quyết chuyển từ hệ B sang hệ A nhưng cũng không thể giữ các em được vì sau một học kỳ các em có quyền được chuyển lớp. Mất cân đối trong các lớp giữa hai ban cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cơ cấu giáo viên giảng dạy trong trường và con số mà Bộ GD - ĐT đưa ra khi thực hiện thí điểm phân ban là 60 - 40 dành cho hai ban KHTN và KHXH vẫn chỉ là mơ ước.

 

060605-th.jpg
Các bạn khoa học tự nhiên luôn có tỷ lệ đăng ký cao - Ảnh: Ngọc Thành

 

Từ những năm trước, học sinh đã tỏ ra rất hờ hững đối với các môn KHXH. Tuy nhiên, khi triển khai chương trình phân ban thì sự phân hóa càng rõ rệt hơn. Không chỉ học sinh ban KHTN sợ và thả nổi khi  học Văn, Sử, Địa mà ngay cả học sinh ban KHXH cũng sợ học chính những môn này.

 

“Điểm thi tốt nghiệp THCS rất cao - trong đó các môn Toán, Lý, Hóa điểm khá - rồi điểm đầu vào các trường THPT cũng rất cao, cho học sinh trong việc chọn ban” – một hiệu trưởng cho biết như vậy. Để lấy điểm 9, 10 các môn tự nhiên dễ hơn nhiều so với các môn KHXH. Khác với các môn tự nhiên, học Văn chỉ có sức hấp dẫn, cuốn hút khi học sinh hiểu, cảm nhận được cái hay, cái đẹp của từng lời văn, câu thơ. Tuy nhiên, sự truyền thụ của một số thầy cô trong trường còn quá khô khan, tẻ nhạt, chủ yếu là đọc - chép để rồi “chữ thầy lại trả thầy”. Phần nữa cũng do chương trình học không hấp dẫn, nặng, chồng chéo, học đi học lại nhiều lần gây nhàm chán và tạo cho học sinh thói quen học đối phó, học để cho qua. Với hệ đại học, số lượng trường thi theo ban KHXH cũng quá ít, không có nhiều sự lựa chọn cho học sinh.

 

Đã đến lúc cần có sự nhìn nhận nghiêm túc hơn về môn văn nói riêng và các môn KHXH nói chung, cũng như có nhận thức, quan điểm, thái độ và tổ chức các môn học một cách đúng đắn. Học văn chính là học cách làm người cũng như các môn KHXH khác nhằm giáo dục tư tưởng, tình cảm, cảm xúc thẩm mỹ cho con người, trau dồi tri thức, hiểu biết, cung cấp vốn văn hóa, ngôn ngữ, khả năng biểu đạt tư duy, lập luận trong sáng, rõ ràng. Tuy nhiên, biết vậy chỉ để vậy. Mặc dù rất tâm huyết nhưng các giáo viên cảm thấy “bất lực” khi chưa thực sự truyền được điều này cho học sinh. Và hậu quả là chúng ta đã thấy những câu văn mắc lỗi, những bài viết nông cạn, sáo rỗng - thậm chí sai lệch về kiến thức. Không chỉ thế, dường như có một sự “thụt lùi” về nhận thức thẩm mỹ của một bộ phận không nhỏ trong giới trẻ hiện nay khi chạy theo các “trào lưu thời thượng” vô bổ và hời hợt.

 

Để tránh những vết xe đổ trong những lần phân ban trước, một trong những điểm mới nhất của chương trình thí điểm lần này là dựa trên chương trình chuẩn, bảo đảm tính phổ thông, toàn diện. Nhưng với tình trạng lệch ban như hiện nay thì mục tiêu này cũng khó có thể thực hiện được. Chính vì vậy, cùng với sự thay đổi trong suy nghĩ nhận thức của các bậc phụ huynh, của chính các em học sinh, Bộ GD-ĐT cần tạo nên sự hấp dẫn cho những môn học này. Chọn lọc những bài văn hay, đặc sắc, giảm bớt những chương trình đang rất nặng đồng thời tăng cường các môn học phụ trợ như nhạc, họa... Đầu tư đào tạo đội ngũ giáo viên giảng dạy đủ mạnh, cải tiến cách ra đề thi.                                      

 

Lan Hương

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek