Thứ Bảy, 05/10/2024 16:19 CH
Phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi:
Vùng khó – càng khó
Thứ Hai, 27/02/2006 16:49 CH

Trong 9 huyện, thành phố của tỉnh, hiện chỉ còn 2 huyện Sông Hinh, Sơn Hòa chưa hoàn thành công tác phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi (PCGDTH -–ĐĐT). Mục tiêu của tỉnh là năm 2006 đạt chuẩn PCGDTH -–ĐĐT. Đối với các huyện miền núi, rất khó để việc phổ cập theo lộ trình trên.

 

Mặc dù Ban chỉ đạo phổ  cập đã tổ chức hội nghị tại các vùng khó khăn để bàn biện pháp tháo gỡ, tổ chức đoàn đi tới những điểm này để kiểm tra, rà soát, song cho đến nay PCGDTH – ĐĐT vẫn đang là một thách thức lớn đối với những nơi này. Trường Tiểu học EaBia (huyện Sông Hinh) có 14 lớp học với trên 200 học sinh, trong đó đã có đến 4 lớp ghép. Phải mở lớp ghép là vì địa bàn rộng, khoảng cách từ buôn này đến buôn khác đi mất vài cây số, nên mỗi buôn đều có phân trường. Học sinh trong một buôn không đủ số lượng để mở lớp nên đành phải ghép học sinh lớp 1 và lớp 2 lại với nhau.

Ở vùng khó, việc vận động trẻ bỏ học giữa chừng trở lại lớp càng khó - Ảnh: Thúy Hằng

Mở lớp học tại thôn buôn được xem là lựa chọn thích hợp nhất trong việc huy động tối đa các em trong độ tuổi ra lớp, nhất là với khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

 

Nhờ cách làm này mà trong vài năm gần đây, tỷ lệ học sinh ra lớp đúng độ tuổi ở các huyện miền núi đạt rất cao. Tuy nhiên, hạn chế của các lớp ghép là chất lượng dạy học. Các năm qua, số học sinh tiểu học lưu ban hầu hết thuộc lớp ghép; trong khi yêu cầu của PCGDTH – ĐĐT từ khi ra lớp cho đến khi tốt nghiệp phải đúng độ tuổi (từ 6 đến 11 tuổi).

 

Thầy Trần Minh Nhất, Hiệu trưởng Trường Tiểu học EaBia bộc bạch: “Chỉ cần học sinh không ra lớp một buổi là chúng tôi lập tức đến nhà tìm hiểu và vận động các em trở lại lớp ngay. Vì học sinh tiểu học chỉ cần nghỉ vài ba buổi là có thể quên hết những gì đã học.

 

Tuy nhiên, do hạn chế về nhận thức nên không ít phụ huynh vẫn không chịu cho con trở lại lớp”. Đưa học sinh ra lớp đã khó, vận động học sinh không bỏ học giữa chừng càng khó hơn. Một giáo viên ở huyện Sơn Hòa nói: “Được Nhà nước hỗ trợ sách vở nên đầu năm học các em ra lớp đạt 100%, nhưng trong quá trình học lại “rơi rụng” rất nhiều dẫn đến hiệu quả chu kỳ đào tạo bậc tiểu học chỉ đạt khoảng 70%, làm ảnh hưởng đến tiến độ PCGDTH – ĐĐT. Đây cũng là nguyên nhân của tình trạng tái mù chữ đang diễn ra ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.

 

Có một thực tế đáng báo động  là ở nhiều nơi, vấn đề phổ cập lại đi liền với việc giáo viên đánh giá chất lượng học sinh một cách dễ dãi, giảm dần chất lượng giáo dục đại trà ở các cấp học. Giáo viên lớp trên đổ lỗi cho giáo viên lớp dưới về tình trạng học sinh yếu kém. “Làm dối quá trình thực học của học sinh để báo cáo thành tích là không khó. Nhưng như thế thì không biết đến bao giờ chuyện về cái chữ ở nơi này mới sáng sủa lên được. Vì vậy, nếu phải về đích đúng với tiến độ yêu cầu của tỉnh, các trường sẽ không tránh khỏi tình trạng “làm lơ” cho các em được lên lớp đúng với độ tuổi” – Một cán bộ quản lý giáo dục bày tỏ.

 

Muốn PCGD đúng độ tuổi, các trường phải đảm bảo không để học sinh bỏ học giữa chừng và hạn chế tối đa tỷ lệ lưu ban. Chính áp lực này mà ở nhiều nơi, không ít học sinh yếu kém vẫn được các giáo viên “đẩy” lên lớp để kịp tốt nghiệp đúng độ tuổi. Ngày về đích theo kế hoạch đã cận kề, nhưng Sông Hinh mới chỉ có 5/11 xã, Sơn Hòa có 6/14 xã được công nhận hoàn thành PCGDTH – ĐĐT. Các xã chưa đạt đều thuộc các địa bàn có đông học sinh dân tộc thiểu số. Ông Phan Phi Hùng, Phó trưởng phòng Giáo dục huyện Sông Hinh nói: “Chúng tôi đang hết sức cố gắng nhưng cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu tiến triển. Đây là một việc rất đau đầu đối với những người làm giáo dục ở miền núi”.

 

PCGDTH – ĐĐT là điều hết sức cần thiết, là động lực để đẩy nhanh quá trình PCGDTHCS. Để thực hiện có hiệu quả PCGDTH – ĐĐT và PCGDTHCS thì các địa phương phải tháo gỡ bằng được những cái khó như xoay chuyển được nhận thức của người học và phụ huynh; nâng tỷ lệ huy động học sinh ra lớp đúng độ tuổi, đầu tư cơ sở vật chất, sách vở… Đây là những giải pháp không mới nhưng điều quan trọng là cách thực hiện. Đặc thù của vùng khó là nhân dân vẫn còn vất vả trong việc lo cái ăn, cái mặc. Vì vậy cấp ủy chính quyền các cấp cần đẩy mạnh việc phát triển kinh tế, vận động nhân dân chăm lo sự nghiệp giáo dục tạo điều kiện để ngành giáo dục nâng cao hiệu quả của phổ cập vì mục tiêu cải thiện trình độ dân trí, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa miền núi với đồng bằng về trình độ văn hóa lẫn điều kiện kinh tế.

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek