Thứ Bảy, 05/10/2024 18:17 CH
Nghề ngắn hạn: Hướng mở cho lao động nông thôn
Chủ Nhật, 26/02/2006 16:19 CH

Chị Nguyễn Thị Thảo (xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa) và 4 thành viên trong gia đình đang cùng nhau đan mây tre lá. Chị cho biết: “Tôi chỉ mất 1 tháng đi học nghề đan mây tre lá là có thể nhận mặt hàng này về nhà đan, tận dụng hết thời gian nhàn rỗi. Hàng tháng cả nhà tôi thu nhập hơn 800.000 đồng từ nghề này”. Anh Trần Minh Hùng (xã An Chấn, huyện Tuy An), hiện đang làm việc ở khu du lịch sinh thái Thuận Thảo, nói: “Hơn 1 tháng học cách phục vụ bàn, tôi xin vào làm ở đây. Bây giờ với mức thu nhập gần 1 triệu đồng/tháng, tôi có thể tự lo cho cuộc sống của mình”.

 

Học nghề đang thu hút nhiều lao động nông thôn - Ảnh: Mạnh Thúy

Chỉ qua 1 đến 3 tháng học nghề  mà tìm được việc làm, chuyện tưởng như đùa nhưng có thực 100%. Từ năm 2004, với chính sách hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn, nhiều người dân vốn quen việc đồng áng đã học nghề. Đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ này là lao động nông thôn trong độ tuổi lao động chưa qua học nghề, có nhu cầu học nghề.

 

Đi học không tốn học phí là rất thuận lợi đối với người dân, song cho đến nay chính sách này vẫn chưa thể thực hiện đại trà. Hiện có không ít trung tâm dạy nghề vẫn không sử dụng hết số kinh phí được cấp, vì không có học viên đi học. Nguyên nhân là bà con chưa nhận thức hết vai trò quan trọng của nghề ngắn hạn. Họ nghĩ học cao đẳng, đại học chưa tìm được việc làm, huống hồ là nghề ngắn hạn. Chính suy nghĩ này đã cản trở không ít người tìm đến với nghề.

 

Trường Dạy nghề tỉnh Phú Yên được phân bổ kinh phí đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn nhiều nhất trong tỉnh. Hai năm nay, trường luôn làm tốt nhiệm vụ của mình và được người lao động tín nhiệm. Ông Nguyễn Hồng Phong, Phó Hiệu trưởng, cho biết: “Một trong những điều quan trọng của công tác đào tạo nghề ngắn hạn là lựa chọn nghề. Do đó, trước khi quyết định dạy một nghề nào đó, chúng tôi tìm hiểu rất kỹ về tình hình sản xuất, lao động, những yêu cầu do các ngành nghề đòi hỏi, khả năng tự hoàn thiện trình độ nghề nghiệp trong quá trình lao động; giúp người lao động tự xác lập nghề nghiệp để họ đi tới quyết định một cách có ý thức trong việc lựa chọn nghề phù hợp với những đặc điểm tâm lý, khả năng của mình và nhu cầu của xã hội. Yếu tố quyết định tính khả thi của việc đào tạo nghề ngắn hạn đối với lao động nông thôn đó là khả năng tìm được việc làm”.

 

Để người dân tin tưởng vào loại hình đào tạo này, vấn đề đào tạo theo địa chỉ luôn được đặt lên hàng đầu. Chẳng hạn khi tổ chức đào tạo nghề đan mây tre lá xuất khẩu, Trường Dạy nghề phối hợp với các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này mở lớp. Trên cơ sở vừa tổ chức đào tạo vừa để các doanh nghiệp kiểm tra tay nghề của học viên, qua đó họ yên tâm khi nhận các học viên vào làm việc. Nhà trường còn chủ động tìm đến các công ty, xí nghiệp để nắm bắt tình hình tuyển dụng, nắm chắc được “đơn đặt hàng” cho đầu ra rồi mới tổ chức đào tạo, cách làm này đã giúp nhiều người lao động sau khi học nghề là tìm được việc làm. Vừa không lãng phí kinh phí hỗ trợ của Nhà nước, vừa tạo cơ hội tăng thu nhập cho người lao động, trong 2 năm qua Trường Dạy nghề thực sự là điểm đến của các đối tượng lao động nông thôn. Qua quá trình khảo sát nhu cầu của thị trường lao động, năm 2006, Trường Dạy nghề sẽ mở lớp đào tạo ngắn hạn các nghề: May, đan mây tre lá, điện dân dụng, chế biến thủy sản, nghiệp vụ bàn, hàn, tiện, mỹ nghệ dừa.

 

Theo dự báo của các chuyên gia trong lĩnh vực lao động việc làm và dạy nghề, trong vài năm đến, nhu cầu về công nhân kỹ thuật là rất lớn. Không riêng gì lao động nông thôn, học sinh ở các vùng khó khăn, học lực còn thấp nên tham khảo khả năng “đi vòng” thông qua việc học lấy một nghề để có việc làm, thu nhập, sau đó có điều kiện học lên trình độ cao hơn. Biết tranh thủ tìm hiểu, lắng nghe và phân tích những thông tin kinh tế – xã hội nói chung và thông tin về chọn nghề nói riêng là điều đặc biệt quan trọng đối với các đối tượng học nghề. Vì vậy, dù đào tạo nghề ngắn hạn hay dài hạn, các trung tâm dạy nghề cần chú trọng công tác định hướng nghề cho người học, đặc biệt là phải đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về nghề dưới những hình thức như: tổ chức tham quan làng nghề tại địa phương, các cơ sở sản xuất, khu công nghiệp, phân tích xu hướng phát triển của ngành nghề trong thời gian tới… để người dân nắm bắt đầy đủ thông tin, dễ dàng lựa chọn nghề phù hợp. Có như thế, chúng ta mới có thể khai thác và phát huy có hiệu quả nguồn lực con người, đồng thời hạn chế tối đa tình trạng nhàn rỗi đối với người lao động ở các vùng nông thôn.

 

THÚY HẰNG

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek