Thứ Bảy, 05/10/2024 18:15 CH
Giáo sinh sư phạm:
Ưu về kiến thức, khuyết về kỹ năng sư phạm
Thứ Bảy, 25/02/2006 10:15 SA

So với chương trình sách giáo khoa (SGK) cũ thì chương trình SGK mới đang được triển khai đại trà hiện nay có những thay đổi rất tích cực. Chương trình không chỉ chú trọng đến việc truyền thụ kiến thức, kỹ năng cho học sinh mà còn chú trọng rèn cho các em phương pháp suy nghĩ đánh giá vấn đề.

 

Đây là việc không dễ dàng ngay cả với những giáo viên có kinh nghiệm, chính vậy các giáo sinh thực tập lúng túng cũng là điều… biết trước!

 

Giáo sinh sư phạm thuyết trình về đồ dùng dạy học tự tạo - Ảnh: Thúy Hằng

 

Tại trường THCS Nguyễn Thế Bảo (huyện Phú Hòa), nhìn một nhóm thực tập sinh đang cùng nhau thảo luận và tập làm thầy giáo, cô giáo để chuẩn bị cho những giờ lên lớp mới thấy hết sự hồi hộp và căng thẳng trong họ. Nguyễn Thị Hồng Thủy, thực tập sinh môn Lý cho biết: “Với những kiến thức được đào tạo, tụi em có thể đáp ứng tốt nội dung kiến thức mà bài giảng yêu cầu. Điều tụi em lo lắng nhất là kỹ năng sư phạm về xử lý các tình huống phát sinh trong giờ học”. Một giáo sinh khác nói: “Soạn giáo án không khó, cái khó nhất là kỹ năng đứng lớp. Bởi qua một số tiết dự giờ mẫu của các anh chị giáo viên đi trước, em phát hiện ra mình còn khiếm khuyết rất nhiều về kỹ năng giáo dục, dạy học, tổ chức lớp”.

 

Viết bảng chưa thẳng, chữ viết xấu, bố trí thời gian giảng dạy chưa hợp lý… là những hạn chế khá phổ biến của giáo sinh. Hạn chế này không thể khắc phục trong thời gian thực tập. Bởi chỉ với 6 tuần nhưng nội dung yêu cầu thực tập đối với sinh viên rất nhiều, gồm: Tìm hiểu thực tế giáo dục, thực tập chủ nhiệm lớp, thực tập giảng dạy, viết báo cáo thu hoạch. Trên thực tế, cái mà các em thu được chỉ là “cỡi ngựa xem hoa”. Các giáo sinh cho biết: Từ lý thuyết đến thực tế đứng lớp là một khoảng cách rất lớn. Thế nên, với 8 tiết/sinh viên (6 tiết chuyên môn 1 và 2 tiết chuyên môn 2) theo chuyên ngành đào tạo dưới sự chỉ đạo của giáo viên hướng dẫn (riêng ngành Cao đẳng sư phạm tiểu học là 9 tiết/sinh viên) là quá ít.

 

Do những yêu cầu của việc đổi mới phương pháp giáo dục, chương trình phổ thông mới khuyến khích và coi trọng cách dạy học phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh, giúp các em tự phát hiện và giải quyết các vấn đề của bài học để tự chiếm lĩnh và vận dụng kiến thức… Vì vậy, giáo viên đứng lớp không còn dạy theo kiểu “thầy đọc trò ghi” mà phải biết lập kế hoạch bài dạy một cách sáng tạo, thể hiện được các hoạt động dạy học nhằm phát triển năng lực học tập của từng học sinh; khuyến khích học sinh tự học và dự báo được các tình huống sư phạm. Vì chưa thường xuyên tiếp xúc với môi trường sư phạm, trường lớp, học sinh nên các giáo sinh còn khiếm khuyết rất nhiều về kỹ năng sư phạm.

 

Điều làm những người quan tâm đến sự nghiệp trồng người lo lắng là quá trình đánh giá kết quả thực tập của giáo sinh. Hầu hết giáo sinh rất sợ phải thực tập ở các trường chuẩn, trường điểm. Lý do là ở các trường này, học sinh thường rất giỏi nên đòi hỏi kiến thức, năng lực sư phạm của người đứng lớp phải vững vàng, nếu không sẽ bị học trò “bắt bí”. Thực tập ở các trường điểm, trường chuẩn thường “căng” hơn các trường khác nên quá trình đánh giá kết quả thực tập cũng “căng” không kém. Và kết quả thực tập sư phạm của giáo sinh là do các trường xếp loại. Thế mới nảy sinh vấn đề, trường này “nhẹ tay” trường kia “nặng tay” khi đánh giá. Thậm chí, có trường vì “thương” giáo sinh nên xếp loại khá, giỏi để giúp giáo sinh lấy thành tích thực tập làm cơ sở tốt nghiệp ra trường.

 

Bước ngoặt cuối cùng để một giáo sinh trở thành giáo viên là phải vượt qua khâu thực tập sư phạm. Năm nào cũng vậy, gần như 100% giáo sinh thực tập đều đạt kết quả khá, giỏi. Con số này quả thật chưa thể khẳng định giáo sinh sư phạm của tỉnh ta đáp ứng tốt nhu cầu dạy và học. Vì thực tế đã có nhiều sinh viên tuy đạt kết quả cao trong quá trình được đào tạo nhưng lại gặp khó khăn trong việc tìm ra cách giảng dễ hiểu cho học trò của mình. Các trường dễ dãi trong việc đánh giá xếp loại thực tập của giáo sinh vô hình chung tạo cho họ sự ỷ lại, tự mãn, không chịu phấn đấu rèn luyện chuyên môn nghiệp vụ sau khi ra trường.

 

Thạc sĩ Nguyễn Văn Tá, Trưởng Ban chỉ đạo thực tập sư phạm Phú Yên, bày tỏ: “Đổi mới nhận thức về dạy học, về vị trí của giáo viên, môi trường giáo dục có quan hệ trực tiếp và có tác dụng thúc đẩy việc đổi mới phương pháp giảng dạy. Trong các giờ lên lớp, người học chỉ nghe người dạy thuyết trình thì sẽ mau quên. Nếu giáo viên biết tổ chức và hướng dẫn các em học tập theo hướng phát hiện và giải quyết vấn đề thì học sinh dễ nhớ, dễ vận dụng hơn…Để đạt được kiểu dạy học này, các trường sư phạm cần tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận với các tình huống và tập xử lý các tình huống đó. Như vậy, họ sẽ có cơ hội tích lũy nhiều kinh nghiệm phục vụ cho thực tế giảng dạy sau này”.

 

QUỲNH ANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek