Chủ Nhật, 06/10/2024 19:38 CH
Dạy và học ngoại ngữ trong trường tiểu học:
Triển khai chưa đồng bộ và thiếu giáo viên
Thứ Hai, 03/10/2005 14:14 CH

Trong trường tiểu học, ngoại ngữ được Bộ GD – ĐT quy định là môn học tự chọn đối với học sinh từ khối lớp 3 trở lên. Tuy nhiên, việc thực hiện điều này lại không đồng nhất giữa các địa phương, thậm chí giữa các trường trong cùng một địa bàn.

 

Ngày 30/10/2003, Bộ GD – ĐT ra quyết định về việc ban hành chương trình môn tiếng Anh ở bậc tiểu học (TH). Kèm theo quyết định này là chương trình khung của môn học để dùng làm tài liệu giảng dạy. Theo đó, với thời lượng 2 tiết/ tuần, chương trình tự chọn môn Tiếng Anh TH chỉ nhằm bước đầu hình thành cho học sinh các kỹ năng giao tiếp cơ bản, đơn giản hàng ngày ở trường và gia đình; cung cấp cho học sinh những kiến thức giúp các em bước đầu có những hiểu biết về đất nước, con người, nền văn hoá của một số nước nói tiếng Anh. Theo nhận xét của giáo viên giảng dạy thì chương trình khung của môn học này không có gì là nặng đối với học sinh đầu cấp. Tuy nhiên, vì Bộ GD – ĐT yêu cầu dạy từ học sinh lớp 3 trở lên nên các trường phải tuân thủ. Trong khi trước đó, chưa có quy định của Bộ, không ít trường do nhu cầu của gia đình học sinh, do điều kiện chủ quan của trường mà môn Ngoại ngữ đã được tiến hành dạy – học ngay từ lớp 1. Trước quy định bắt đầu dạy từ lớp 3, phụ huynh học sinh các khối lớp 1, 2 không chịu ngồi yên mà cho con em đến các lớp học thêm. Qua khảo sát, hiện có đến 80% học sinh lớp1, 2 ở vùng thuận lợi đi học thêm tiếng Anh.

 

Học sinh trường tiểu học Âu Cơ (TP Tuy Hòa) trong giờ học ngoại ngữ - Ảnh: MẠNH THÚY

 

Trong dịp hè vừa qua, trước nhu cầu của phụ huynh, Nhà Thiếu nhi Phú Yên không những mở lớp dạy tiếng Anh cho học trò lớp 1, 2 mà còn cho cả bậc mầm non. Qủa thực, nhu cầu cho con học tiếng Anh, tiếp cận ngoại ngữ của các bậc phụ huynh hiện nay là rất cao. Quan niệm lứa tuổi 6 - 7 chưa sõi tiếng Việt mà bày đặt học ngoại ngữ xem ra đã lạc hậu. Một giáo viên dạy tiếng Anh, cho biết: “Trước năm 2003, do chưa có chương trình khung của Bộ, các trường TH dạy môn Anh văn chủ yếu dựa vào những tài liệu tiếng Anh lưu hành trên thị trường, nên trong quá trình dạy không tránh khỏi sự bất cập. Đặc biệt là ở khối lớp 1, những học sinh có khả năng tiếp thu tốt thì không những nhớ được từ vựng mà còn có thể sử dụng tiếng Anh như một công cụ giao tiếp ở mức độ đơn giản dưới dạng nghe, nói, đọc, viết. Còn với những trường hợp ngược lại  thì môn học này trở nên quá sức và làm các em lúng túng”. Tuy nhiên, sự quá tải này không phải phụ huynh nào cũng nhận ra. Họ chỉ biết rằng cứ cho con tiếp cận ngoại ngữ càng sớm là càng tốt!

 

Theo các chuyên viên tiếng Anh, cho trẻ tiếp cận, làm quen với tiếng nước ngoài ở lứa tuổi nào không quan trọng, điều quan trọng ở đây là cách dạy, cách bố trí nội dung chương trình có phù hợp với tâm sinh lý các em hay không. Và đây không phải là điều dễ thực hiện. Bởi cho đến nay, hầu hết giáo viên dạy ngoại ngữ ở bậc TH đều là giáo viên được tuyển chọn từ hệ THCS. Giáo viên THCS giảng dạy cho bậc TH, về kiến thức thì không phải bàn nhưng còn kỹ năng sư phạm, kiến thức về tâm lý lứa tuổi thì sao? Thầy Nguyễn Xuân Cảnh, Hiệu trưởng Trường TH La Hai 2 (huyện Đồng Xuân) tâm sự: “Phụ trách môn Anh văn của trường là giáo viên thuộc trường THCS Xuân Long kiêm nhiệm. Cứ đến tiết thì giáo viên lên lớp, dạy xong lại về trường THCS Xuân Long sinh hoạt chuyên môn . Học sinh – giáo viên – nhà trường ít có điều kiện trao đổi nên không tránh khỏi những hạn chế trong quá trình nâng cao hiệu quả chất lượng giảng dạy”.

 

Giáo viên TH không dạy được ngoại ngữ nên phải cần đến giáo viên dạy ngoại ngữ chuyên biệt. Vì vậy, khi đưa môn Anh văn vào dạy trong trường tiểu học, lượng giáo viên chuyên biệt cho bậc học này tăng, trong khi biên chế giáo viên phụ trách môn học tự chọn phụ thuộc vào điều kiện của mỗi địa phương và mỗi trường. Nếu địa phương nào, trường nào có lượng học sinh tham gia học môn tự chọn đông, đủ với số tiết quy định cho một biên chế giáo viên phụ trách thì trường đó sẽ được phân giáo viên chuyên biệt, còn bằng ngược lại thì giáo viên cấp 2 kiêm nhiệm luôn cấp 1. Đối với các trường thuộc khu vực miền núi, do lượng học sinh tham gia chưa nhiều nên rất nhiều trường hiện vẫn chưa triển khai môn học này đồng bộ bắt đầu từ lớp 3 như Bộ quy định.

 

Việc đưa ngoại ngữ vào giảng dạy là rất cần thiết nhưng tình trạng triển khai chưa đồng bộ như hiện nay sẽ dẫn tới một sự chênh lệch rất lớn giữa học sinh vùng thuận lợi và vùng khó khăn. Học sinh vùng khó khăn sẽ mãi mãi chịu thiệt thòi vì gia đình không có điều kiện đầu tư cho môn học tự chọn ngoại ngữ. Trong khi đó, ở khu vực thành thị thì muốn học gì là có nấy. Chính vì thế, đi kèm với quyết định và chương trình phải là những giải pháp mang tính chỉ đạo cụ thể để tất cả các địa phương đều có thể thực hiện được chủ trương này, tạo sự bình đẳng và đảm bảo quyền lợi, đáp ứng nhu cầu cho học sinh vùng thuận lợi lẫn khó khăn. Ngay từ bây giờ, cần phải bắt tay vào việc đào tạo giáo viên, dạy ngoại ngữ cho giáo sinh sư phạm để sau vài năm nữa, các thầy, cô giáo TH ra trường đều có khả năng dạy ngoại ngữ. Vì Nhà nước khó có thể cho ngành giáo dục biên chế hàng vạn giáo viên TH chuyên dạy ngoại ngữ được.

THUÝ HẰNG

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek