Chủ Nhật, 06/10/2024 21:30 CH
Dạy và học Văn, Sử, Địa địa phương
Sẽ có “sức hút” mới?
Thứ Hai, 19/09/2005 07:11 SA

Lâu nay, vì chưa có tài liệu giảng dạy nên những giờ dạy – học các mônVăn, Sử, Địa địa phương chưa được chú trọng. Bắt đầu từ năm học 2005 – 2006, các môn học này đã có giáo trình và được tổ chức giảng dạy bài bản.

 

CUNG CẤP TÀI LIỆU MIỄN PHÍ

 

Thực hiện chương trình của Bộ GD – ĐT về việc dạy các tiết Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý địa phương, nhằm góp phần nâng cao nhận thức và giáo dục truyền thống lịch sử, văn học, về đất nước và con người Phú Yên, bồi dưỡng lòng yêu quê hương cho học sinh, Sở GD – ĐT cùng Hội Khoa học tâm lý giáo dục tỉnh đã biên soạn tài liệu giảng dạy và tham khảo 3 môn học trên do thạc sĩ Lê Nhường, Phó Giám đốc Sở GD – ĐT chủ biên. Tài liệu đã được Hội đồng khoa học tỉnh nghiệm thu và chính thức đưa vào giảng dạy ở bậc THCS từ năm học 2005 – 2006.

 

Học sinh rất thích những giờ giảng thực tế - Ảnh: THÚY HẰNG

 

Tài liệu Văn, Sử, Địa địa phương được cấu tạo theo đúng chương trình giảng dạy của Bộ GD – ĐT với 22 tiết Văn, 7 tiết Sử, 5 tiết Địa. Với thời lượng như trên, tài liệu chắc chắn không thể nào cung cấp đầy đủ những sự kiện lịch sử, thành tựu thơ văn, toàn cảnh điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội Phú Yên cho học sinh. Tuy nhiên các giáo trình này  đã chọn lọc những vấn đề cơ bản nhất để đưa vào chương trình giảng dạy như: Văn học dân gian, văn học viết Phú Yên từ cuối thế kỷ XIX đến năm 1975, cách sử dụng từ địa phương; những sự kiện lịch sử chính yếu của tỉnh từ thời nguyên thuỷ đến năm 1975 tương ứng với lịch sử của dân tộc; các thành phần tự nhiên và mối quan hệ giữa các thành phần này với những hoạt động kinh tế – xã hội của địa phương…

 

Nhóm biên soạn đã trang bị cho giáo viên tài liệu hướng dẫn giảng dạy dựa trên cơ sở nguyên tắc, lý luận và phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực của học sinh và kinh nghiệm thực tiễn của giáo viên. Các tài liệu giảng dạy và hướng dẫn giảng dạy Văn, Sử, Địa địa phương được Sở GD – ĐT cấp phát miễn phí  cho các trường THCS và phổ thông cấp 2 – 3.

 

MỘT CÁCH DẠY HỌC TRÒ YÊU QUÊ HƯƠNG, ĐẤT NƯỚC

 

Ngó lên Đất Đỏ nhiều bắp, nhiều khoai

Ngó xuống Đồng Dài nhiều lúa, nhiều tranh

Ngó vô Đồng Cọ, Bạch Canh, Áo già

Mỹ Trung, Mỹ Phú, Mỹ Hoà

Mỹ Điền, Mỹ Định thiệt là nhiều cau

Vinh Ba đan cót, đan gàu

Phú Diễn chằm nón, xóm Bàu vớt rong

 

Những câu ca dao giản dị mộc mạc nhưng hết sức trong sáng, mang nét riêng của người Phú Yên, thể hiện niềm tự hào về quê hương đất nước giàu đẹp, no ấm, thanh bình, được  nhiều học sinh thuộc. Vậy nhưng không ít học sinh lại không biết những địa danh được nói ở trên nằm ở đâu. Hay như khi hỏi về “Lương Văn Chánh – người có công lớn mở đất Phú Yên”, “Hoà Thịnh đồng khởi 1960”, “Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Phú Yên thành lập”… rất nhiều học sinh tỏ ra ú ớ về các sự kiện trên. Học sinh Phú Yên mà không thạo Văn, Sử, Địa địa phương mình là rất khó chấp nhận. Vì thế, khi cầm trong tay tập tài liệu giảng dạy Văn, Sử, Địa địa phương, nhiều giáo viên và học sinh  tự tin hẳn. Một giáo viên cho biết: “Văn, Sử, Địa địa phương được đưa vào giảng dạy trong trường phổ thông đã lâu nhưng vì chưa có tài liệu hướng dẫn nên những tiết học này chỉ mang tính chất qua loa. Bây giờ thì chúng tôi có cơ sở giảng dạy tốt hơn”. Em Nguyễn Vân Anh, học sinh lớp 7 Trường THCS Hùng Vương, nói: “Thông qua tài liệu, em không những biết  về thành hoàng Lương Văn Chánh, mà còn biết những khu vực mà ông cho khai phá và định cư ở quê mình. Giờ đây em có thể  trả lời “trôi chảy” khi có ai đó hỏi về vị thành hoàng này”.

 

Văn, Sử, Địa là những môn học mà theo nhiều học sinh là rất khó “tiếp nhận” vì phải đọc và học thuộc. Chính vì vậy,  những tiết dạy về các môn xã hội này, học sinh không mấy khi chú ý, thậm chí còn ngại và chán học. Trong khi, nhìn vào thời khoá biểu của học sinh phổ thông sẽ thấy thời lượng học Sử, Địa chỉ tương đương những môn như Kỹ thuật, giáo dục công dân. Do đó, cả thầy và trò đều phải lướt nhanh để theo kịp chương trình, học sinh có cảm giác mình đang bị nhồi nhét kiến thức, không có hứng thú. “Kéo” học sinh quay về với những môn học xã hội, việc đưa Văn, Sử, Địa địa phương vào giảng dạy trong nhà trường được xem là giải pháp cải thiện bầu không khí dạy – học Văn, Sử, Địa hiện nay. Học sinh giỏi hoặc chưa giỏi Văn, Sử, Địa đi nữa thì trước hết phải biết và hiểu lịch sử, văn hoá, con người nơi mình sinh sống. Đó không chỉ đơn giản là kiến thức mà còn là những gì cao đẹp nhất của cuộc sống, kết tinh trong các sự kiện lịch sử, tác phẩm văn học.

 

Thạc sĩ Lê Nhường cho rằng: Dạy học Văn, Sử, Địa địa phương có vị trí quan trọng trong việc hình thành cho thế hệ trẻ lòng yêu nước, niềm tự hào về những thành tựu kinh tế, văn hoá, xã hội của địa phương. Từ đó, học sinh sẽ xác định rõ nghĩa vụ bảo vệ, gìn giữ và phát triển truyền thống tốt đẹp của những người đi trước. Để những giờ học thực sự sinh động, giáo viên phải biết nhen lên niềm hứng  thú trong các em thông qua việc kết hợp giữa lý thuyết với thực tế. Nếu không, dù được cung cấp sẵn kiến thức, các em cũng chỉ “nhại” lại trong bài kiểm tra một cách công thức, vô nghĩa. THUÝ HẰNG

 

 

                                

                                                                                 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek