Trong buổi họp báo trước ngày khai giảng năm học mới, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng lãnh đạo Bộ GD-ĐT giải đáp các câu hỏi về những vấn đề nóng của ngành trước thềm năm học mới như: dự thảo sửa đổi Thông tư 30, mô hình VNEN, dạy thêm, học thêm...
Bộ GD-ĐT cho biết, phương hướng chung năm học mới 2016-2017 là tăng cường kỷ cương, nền nếp và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các cơ sở giáo dục, đào tạo: Giáo dục mầm non chú trọng đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm; giáo dục phổ thông chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức, trách nhiệm của công dân đối với xã hội, cộng đồng; khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm sai quy định; giáo dục đại học và giáo dục chuyên nghiệp chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao và gắn với nhu cầu thị trường lao động.
Thông tư 30, VNEN, bộ đã rút kinh nghiệm
Trả lời câu hỏi của phóng viên về dự thảo sửa đổi Thông tư 30, nhiều giáo viên vẫn rất lo lắng về cách đánh giá học sinh theo A, B, C… chưa thực sự sát với thực tế, vẫn “bình mới rượu cũ”. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, đối với Thông tư 30, bộ đã rút kinh nghiệm và tính toán làm sao cho phù hợp lộ trình của chúng ta. Tới đây, bộ sẽ khắc phục và sửa. Hiện nay, theo Thông tư 30, các thầy cô phải ghi chép nhiều, bây giờ điều chỉnh, có thể sử dụng các công cụ máy tính.
Với đánh giá học sinh, vẫn còn một số hạn chế; giáo viên và phụ huynh chưa biết như thế nào để đánh giá để học sinh tiến bộ, nay thông tư sửa đổi sang thang A, B, C là mức lượng hóa.
Đối với mô hình trường học mới (VNEN), Bộ trưởng GD-ĐT cho rằng, đây là mô hình mới cần có sự đổi mới, phù hợp. “Bộ rút kinh nghiệm trong vấn đề hướng dẫn và tổ chức, mức độ nhân rộng ít đi, phổ biến dần dần, không nhất thiết địa phương nào cũng phải áp dụng mô hình này và mỗi nơi áp dụng phải có điều kiện kèm theo. Vấn đề là nhiều nơi áp dụng máy móc nên có sự hiểu nhầm trong thời gian qua”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.
Đối với việc giảm dạy thêm, học thêm phải có lộ trình, trong đó có cả chỉnh sửa chương trình thi cử và chỉnh sửa chương trình sách giáo khoa. Tinh thần là tiếp tục cắt giảm chương trình trong sách giáo khoa ở các nội dung trùng lặp để tránh quá tải…
Xây dựng quy chuẩn đối với giáo viên, cán bộ quản lý
Về đổi mới giáo viên, Bộ GD-ĐT xác định có 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp căn bản. Đây là các nhiệm vụ, giải pháp không chỉ thực hiện trong năm tới mà thực hiện lâu dài. Bộ đã làm việc với các chuyên gia về nhiệm vụ cụ thể chương trình nội dung, dự án trong từng năm, từng giai đoạn. Trong đó, bộ xác định nâng cao chất lượng đội ngũ và cán bộ quản lý giáo dục là trọng tâm, quyết định sự thành bại của công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Bộ có chương trình rà soát, xây dựng các quy chuẩn đối với giáo viên các cấp bậc học, đối với cán bộ quản lý để căn cứ vào quy chuẩn ấy rà soát, bồi dưỡng giúp các thầy cô đáp ứng được các chuẩn đó.
Về giải pháp của ngành nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, với giáo dục mầm non, chủ yếu phải có điều kiện cơ sở vật chất tốt; với phổ thông, chủ yếu đi vào nền nếp, kỷ cương; chương trình, sách giáo khoa đi vào thiết thực, nền tảng, tránh quá tải… Với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học, giải pháp thì có nhiều, nhưng tới đây chúng tôi sẽ áp dụng giải pháp về kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế. Qua đó, thấy được các trường ĐH, CĐ của chúng ta đang ở đâu so với quốc tế.
Giải pháp quan trọng là đổi mới chương trình, phương pháp giáo dục theo hướng thực học, thực nghiệp. Bộ GD-ĐT cho phép nhập chương trình nước ngoài vào, kèm theo điều kiện về đội ngũ và phòng thí nghiệm… Với giáo dục phổ thông, đội ngũ giáo viên phải nâng cao chất lượng, nên phải quy hoạch lại các trường đại học sư phạm, theo hướng tập trung một số trường chất lượng để đào tạo, đào tạo lại đội ngũ giáo viên theo chuẩn mới…
QUỲNH MAI (tổng hợp)