Quan tâm đến trẻ khuyết tật là một chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, thể hiện rõ trách nhiệm, tính nhân đạo của toàn xã hội. Trong đó, việc giáo dục hòa nhập được Bộ GD-ĐT xác định là hướng đi chủ yếu nhằm đảm bảo sự bình đẳng, công bằng cho trẻ khuyết tật có điều kiện đến trường và hòa nhập với cộng đồng.
Giáo dục hòa nhập (GDHN) là xu hướng tất yếu, đã được Bộ GD-ĐT xác định là con đường chủ yếu để thực hiện những quyền cơ bản của mọi trẻ em, đặc biệt là quyền được giáo dục. Đây cũng là cơ hội để mọi trẻ em, trong đó chú trọng đến trẻ khuyết tật, trẻ khó khăn được tiếp cận nền giáo dục bình đẳng, có chất lượng và được hòa nhập với cộng đồng ngay lứa tuổi học đường.
Với sự nỗ lực của ngành GD-ĐT Phú Yên, thời gian qua, bằng nhiều hình thức, biện pháp khả thi về công tác GDHN cho trẻ khuyết tật đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đảm bảo quyền trẻ em. Kết thúc năm học 2015-2016, toàn tỉnh có 735 trong tổng số 1.061 trẻ khuyết tật từ 6-12 tuổi được học hòa nhập. Trong đó, Trung tâm Hỗ trợ phát triển GDHN Phú Yên có gần 130 trẻ khuyết tật đang được GDHN. Bên cạnh huy động trẻ khuyết tật ra lớp, ngành Giáo dục còn triển khai nhiều cách làm thiết thực để công tác GDHN mang lại kết quả cao, như: thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, chuyên đề bồi dưỡng về GDHN cho giáo viên dạy học sinh khuyết tật của các trường; phối hợp với ngành Y tế và các tổ chức liên quan nhằm phát hiện sớm trẻ khuyết tật…
Để công tác GDHN trẻ khuyết tật trên địa bàn tỉnh ngày càng có nề nếp, các cấp, ngành cần quan tâm thực hiện một số biện pháp sau:
Cần thành lập và kiện toàn Ban chỉ đạo công tác GDHN cho hồ sơ khuyết tật các cấp. Tăng cường công tác tuyên truyền về giáo dục người khuyết tật và các chính sách liên quan đến người khuyết tật; phối hợp với các cơ sở y tế và các ban ngành liên quan tổ chức điều tra, thống kê số liệu học sinh khuyết tật (HSKT) trong độ tuổi đi học của các xã, phường, thị trấn và phân loại các dạng tật, mức độ khuyết tật để cung cấp cho các cơ sở giáo dục tìm các phương pháp giáo dục hiệu quả.
Bên cạnh đó, các cấp quản lý giáo dục chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch GDHN cho HSKT ngay từ đầu năm học; chỉ đạo thực hiện điều chỉnh nội dung, chương trình, phương pháp, đồ dùng dạy học một cách linh hoạt, phù hợp với HSKT theo kế hoạch giáo dục cá nhân. Phân công chuyên môn hợp lý với khả năng và năng lực của giáo viên; đảm bảo chế độ cho giáo viên dạy ở những lớp có học sinh học hòa nhập.
Ban chỉ đạo các cấp cũng cần có định hướng và xây dựng kế hoạch chiến lược về giáo dục người khuyết tật nói chung và HSKT nói riêng để đào tạo nối tiếp cho HSKT ở các cấp học phổ thông và chuyên nghiệp đối với những em có điều kiện học lên cấp cao hơn; đồng thời kết hợp hướng nghiệp và dạy nghề cho các em theo khả năng, năng khiếu và sở trường. Chính sách đối với người khuyết tật nói chung và HSKT học các trường chuyên biệt, học GDHN tại các cơ sở giáo dục nói riêng cũng cần phải được giải quyết đầy đủ và kịp thời…
ThS TRẦN NGỌC HIỆP
Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT Phú Yên