Thứ Tư, 02/10/2024 07:37 SA
Cần cải thiện chất lượng dạy và học môn tiếng Anh
Chủ Nhật, 14/08/2016 09:09 SA

Tiết học ngoại ngữ của học sinh Trường THPT Trần Suyền (huyện Phú Hòa) - Ảnh: THÚY HẰNG

Trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, tiếng Anh là môn có kết quả điểm thi thấp nhất trong số 8 môn thi. Kết quả này cho thấy chất lượng dạy và học tiếng Anh ở bậc phổ thông chưa tốt.

 

Ðiểm thi thấp nhất

 

Kỳ thi THPT quốc gia 2016, Phú Yên có hơn 9.200 thí sinh dự thi môn tiếng Anh. Kết quả có đến 1.718 thí sinh có điểm 1-2; 5.224 thí sinh có điểm 2-3; 1.378 thí sinh có điểm 3-4; 429 thí sinh có điểm 4-5. Trong khi chỉ có 217 thí sinh đạt điểm 5-6, 138 thí sinh đạt điểm 6-7, 88 thí sinh đạt điểm 7-8, 27 thí sinh đạt điểm 8-9, 4 thí sinh đạt điểm 9-10. Nhận định về kết quả này, nhiều giáo viên tiếng Anh, cho rằng: Kết quả kỳ thi và phổ điểm môn tiếng Anh thấp phản ánh đúng thực trạng dạy và học môn tiếng Anh ở bậc THPT hiện nay. Dù tiếng Anh là một trong ba môn thi bắt buộc trong Kỳ thi THPT quốc gia song không phải học sinh nào cũng học tốt môn học này, nhất là học sinh tại khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, nhiều em chưa chú trọng đến việc học ngoại ngữ, nên chất lượng dạy và học rất sơ sài.

 

Em Lê Minh Anh, Trường THPT Nguyễn Trãi (TP Tuy Hòa) chia sẻ: “Để học tốt môn tiếng Anh, người học phải có vốn từ vựng nhiều. Mà để có vốn từ vựng nhiều thì chúng em phải chịu khó học bài, ôn bài thường xuyên mới nhớ lâu. Cách học này làm em chán nên từ đó không thích môn tiếng Anh. Trong Kỳ thi THPT quốc gia 2016, em chỉ được 3 điểm môn tiếng Anh”. Còn em Nguyễn Hồng Ngọc, học sinh Trường THPT Trần Suyền (huyện Phú Hòa) nói: “Em học ở trường nông thôn nên không có cơ hội giao tiếp, trong khi ngữ pháp môn tiếng Anh rất nặng nề. Điều này khiến em không hào hứng với bộ môn tiếng Anh”.

 

Tiếng Anh được nhiều người đánh giá là một trong những môn học khó của giáo dục phổ thông. Để thu hút học sinh đến với môn học này, trong những năm qua, ngành Giáo dục đã có nhiều cải tiến về đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy ngoại ngữ, bồi dưỡng, nâng chuẩn giáo viên... Đó là chưa kể sự đầu tư tốn kém không thể tính được của phụ huynh cho con em học thêm ngoại ngữ tiếng Anh ở các trung tâm. Thế nhưng, mục tiêu đặt ra là nâng cao năng lực ngoại ngữ cho học sinh vẫn chưa đạt được. Bà Lê Thị Anh Thư, chuyên viên tiếng Anh, Sở GD-ĐT Phú Yên, bày tỏ: “Chất lượng đầu vào và kết quả đầu ra môn tiếng Anh ở bậc THPT chưa đồng bộ và ở nhiều trường thuộc khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, tỉ lệ học sinh được tiếp cận với môi trường dạy và học tiếng Anh vẫn còn thấp. Thái độ học tập của học sinh ở các khu vực này đối với môn tiếng Anh cũng không tích cực, nhiều học sinh coi tiếng Anh như một môn học ám ảnh, học để đối phó dẫn đến việc không đạt được kết quả như mong muốn”.

 

Nâng chất dạy và học ngoại ngữ

 

Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 được Bộ GD-ĐT triển khai từ năm 2011. Với kinh phí gần 10.000 tỉ đồng, mục tiêu của đề án là thực hiện đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân nhằm bảo đảm đến năm 2015, nâng cao rõ rệt trình độ ngoại ngữ của một số đối tượng ưu tiên. Đồng thời triển khai chương trình dạy và học ngoại ngữ mới đối với các cấp học và trình độ đào tạo, tạo điều kiện để đến năm 2020 tăng đáng kể tỉ lệ thanh thiếu niên có đủ năng lực sử dụng ngoại ngữ một cách độc lập, tự tin trong giao tiếp... Mục tiêu đến năm học 2018-2019, 100% học sinh lớp 3 và năm học 2020-2021, 90% học sinh lớp 6, 50% học sinh lớp 10 tham gia đề án. Tại Phú Yên, dù ngành Giáo dục đã rất nỗ lực trong việc đổi mới phương pháp dạy và học, nhưng so với yêu cầu của đề án thì vẫn còn hạn hẹp. Hiện toàn tỉnh chỉ có 23 trường THCS, 7 trường THPT được triển khai dạy và học theo chương trình tiếng Anh thí điểm của đề án Ngoại ngữ quốc gia. Bình quân mỗi trường chỉ có vài ba lớp, chứ không phải đại trà tất cả học sinh. Với việc triển khai chậm chạp như hiện nay thì chất lượng thi môn ngoại ngữ trong những năm tới cũng chưa thay đổi bao nhiêu.

 

Để nâng chất môn tiếng Anh, năm học 2016-2017, Sở GD-ĐT Phú Yên tổ chức khảo sát học sinh lớp 6 vào học chương trình tiếng Anh thí điểm theo đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 bằng đề khảo sát chung của sở. Qua khảo sát, những học sinh đạt yêu cầu năng lực ngoại ngữ sẽ được tuyển vào lớp 6 chương trình tiếng Anh thí điểm; học sinh không đạt yêu cầu năng lực ngoại ngữ sẽ được học theo chương trình tiếng Anh hiện hành. “Với cách “sàng lọc” ngay từ đầu vào và phân hóa học sinh trong quá trình giảng dạy, hy vọng chất lượng đào tạo môn tiếng Anh sẽ được cải thiện trong những năm đến”, bà Lê Thị Anh Thư nói.

 

Mới đây, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã chủ trì buổi làm việc với Ban Quản lý đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020. Bộ trưởng đề nghị ban quản lý đề án cần khẩn trương rà soát, điều chỉnh kế hoạch 2016-2020 và xây dựng định hướng tới năm 2025, trong đó tập trung xây dựng kế hoạch chi tiết của năm 2017, với 3 nội dung trọng tâm là: bồi dưỡng giáo viên, đổi mới công tác khảo thí và xây dựng cơ chế chính sách về ngoại ngữ. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định nhiệm vụ chủ yếu của năm học 2016-2017 là nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, ở các cấp học và trình độ đào tạo.

 

 

THÚY HẰNG

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek