Thứ Sáu, 04/10/2024 20:21 CH
Ngày lịch sử của giới học sinh - sinh viên Việt Nam
Thứ Ba, 09/01/2007 07:09 SA

Vào tháng 2/1950, Đại hội toàn quốc Liên đoàn Thanh niên Việt Nam lần thứ nhất tổ chức tại căn cứ Việt Bắc đã quyết định lấy ngày 9/1 hằng năm làm ngày Truyền thống học sinh, sinh viên Việt Nam.

070109-svhs1.jpg

Học sinh Sài Gòn xuống đường tranh đấu - Ảnh: TƯ LIỆU

 

Ngày 10/9/1949, ngày tựu trường, học sinh Sài Gòn yêu cầu Bộ Giáo dục thực hiện khẩu hiệu đấu tranh là “Dạy và Học bằng tiếng Việt”, bãi bỏ chế độ thi hà khắc, chống khủng bố kiềm kẹp học sinh.

 

Cuộc đấu tranh dẫn đến bãi khóa kéo dài 1 tháng. Chính quyền thực dân Pháp ráo riết truy lùng, bắt cán bộ lãnh đạo phong trào, cài mật thám, cho bắt 2 học sinh trường Trương Vĩnh Ký (Petrus Ký), 3 học sinh Gia Long và 2 học sinh trường khác sau kỷ niệm Nam Kỳ Khởi Nghĩa (23/11/1949). Cuộc đấu tranh đòi thả những học sinh bị bắt bắt đầu, được nhiều trường ở Sài Gòn hưởng ứng. Kết hợp với yêu cầu đòi thả học sinh bị bắt, chống khủng bố học sinh Petrus Ký đã đẩy mạnh cuộc đấu tranh đòi cải tiến chương trình dạy bằng tiếng Việt và liên tiếp lấy hình thức bãi khóa để thể hiện sự phản đối. Giám đốc Nha học chính Nam phần ra lệnh đóng cửa hai trường Petrus Ký và Gia Long. Đến tháng 12, hắn lại ra lệnh cho học sinh làm đơn xin học lại, coi việc đóng cửa trường là hình thức phạt kỷ luật đối với học sinh. Lúc này, ban lãnh đạo cuộc đấu tranh phổ biến 3 khẩu hiệu đấu tranh cho học sinh các trường là:

 

1. Lập tức thả ngay những học sinh bị bắt.

 

2. Bảo đảm an ninh cho học sinh, không được khủng bố, bắt bớ vô cớ.

 

3. Mở các trường vô điều kiện, không phải làm đơn xin học lại.

 

Học sinh Petrus Ký và Gia Long đã hưởng ứng khẩu hiệu đấu tranh, không chịu làm đơn xin học lại, liên lạc với nhau để thống nhất về hành động.

 

Sáng sớm 9/1/1950, hơn 2000 học sinh trường Petrus Ký, Gia Long, Áo tím, Kỹ thuật... kéo đến tụ sở Nha học chính biểu tình, đưa yêu sách đòi thả các học sinh bị bắt. Trước thái độ ngoan cố của tên Giám đốc nha học chính, đoàn biểu tình kéo đến dinh Thủ hiến. Sau khi kéo dài thời gian thương lượng và giam lỏng phái đoàn các giới vào đưa yêu sách, bọn thực dân ra lệnh giải tán, đàn áp đoàn biểu tình. Lúc này đoàn biểu tình đã lên đến 50.000 người đã chống trả mãnh liệt. Anh Trần Văn Ơn, học sinh trường Petrus Ký bị tử thương.

 

Tin học sinh Trần Văn Ơn hy sinh tại nhà thương Chợ Rẫy đã làm náo động hàng ngũ sinh viên học sinh Sài Gòn: Họ cấp tốc tổ chức hàng trăm học sinh cùng thân nhân trò Ơn đến nhà thương giữ xác. Mặt khác họ ráo riết chuẩn bị tổ chức đám tang dưới hình thức một cuộc xuống đường biểu dương lực lượng. Ngày 21/1/1950 trường trung học Trương Vĩnh Ký là địa điểm tập hợp quần chúng. Tại đó lễ truy điệu trò Ơn được tổ chức rất trọng thể, để phát động căm thù. Và ngay sau đó, đoàn người kéo vào nhà thương Chợ Rẫy đưa thi hài Trần Văn Ơn ra nghĩa trang.

 

Nửa triệu người Sài Gòn đã xuống đường, đã biểu dương lực lượng, ý chí của mình. Họ gồm hầu hết học sinh nam nữ các trường trong thành phố, những công nhân của nhiều hãng, xưởng, bến xe, bến tàu, ô-tô, xích lô, xe thổ mộ (xe ngựa), tàu thuyền, xe lửa. Họ là những người lao động các khu phố, anh chị em buôn bán các chợ, cả công tư chức, trí thức nhân sĩ yêu nước, các nhà báo, các nhà văn, nhà tu hành. Tất cả đều xuống đường. Xí nghiệp ngừng sản xuất. Chợ không họp. Nhà buôn đóng cửa. Ngay từ 5 giờ sáng, người ta dồn tất cả phương tiện vận tải, xe điện, ô-tô, xích lô máy, xích lô đạp, xe ngựa để chở người từ khắp các ngả, các xóm hẻo lánh đến địa điểm tập trung. Nếu có ai trả tiền, họ xua tay: “Ngày đoàn kết, ngày căm thù mà! Không nhận tiền đâu”.

 

070109-svhs2.jpg

Đông đảo mọi tầng mọi giới ở Sài Gòn đưa tang học sinh Trần Văn ơn  – Ảnh: TƯ LIỆU

 

Tất cả đổ về trường Trương Vĩnh Ký. Người xe như dòng thác chảy. Người ta chào nhau, nhìn nhau bằng ánh mắt. Cả chục vạn người đều căm thù quân sát nhân! Khu trường Trương Vĩnh Ký rộng như thế (cả mấy chục héc ta) mà vẫn không đủ chỗ cho đoàn người dồn về mỗi lúc một đông thêm. Đấy là biển người, biển biểu ngữ, biển vòng hoa. Phút truy điệu học sinh Trần Văn Ơn bắt đầu. Mấy chục vạn người cúi xuống, mà uất hận tràn lên. Rồi đội ngũ chỉnh tề, tất cả đổ ra đường tiến về hướng Nhà thương Chợ Rẫy (cách đó 3 cây số) đoạn đầu đã đến Chợ Lớn, đoạn sau còn chưa ra khỏi cổng trường. Bọn cảnh sát, mật thám lẩn đi đâu hết. Một đoàn xe thiết giáp Pháp đi tập trận đâu về gặp đoàn biểu tình phải dừng lại và khi thanh niên cờ đỏ của ta ra lệnh, chúng không dám cắt ngang đoàn người mà phải quay đầu tháo lui.

 

Dẫn đầu đoàn biểu tình là nhiều nhân sĩ trí thức quen thuộc như kỹ sư Lưu Văn Lang, Luật sư Trịnh Đình Thảo, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ... có một số người Pháp dân chủ cũng tham gia vào đội ngũ đấu tranh. Dọc hai bên đường nhân dân các khu phố đã tự động đặt bàn ghế bày nước, thuốc, trầu cau phục vụ đoàn biểu tình.

 

Quan tài của Trần Văn Ơn được học sinh khiêng từ nhà thương ra, đi trước là bàn hương án có đặt ảnh của anh. Khẩu hiệu được viết bằng máu của học sinh trên vải trắng:

 

Chết vì Tổ quốc! Chết nhưng vẫn sống!

Sống kiếp Việt gian ô nhục muôn đời!

 

Sau cuộc biểu dương lực lượng khổng lồ ngày 12/1 là những cuộc mít tinh ở các trường học để phát động đấu tranh củng cố đội ngũ.

 

Trong không khí sục sôi đó, tháng 2/1950 bà con ta kéo nhau đến trước tòa án Sài Gòn để chống một phiên xử trí thức. Khí thế quần chúng áp đảo kẻ thù đã buộc chúng phải hoãn phiên tòa vô thời hạn.

 

Vào tháng 2/1950, Đại hội toàn quốc Liên đoàn Thanh niên Việt Nam lần thứ nhất tổ chức tại căn cứ Việt Bắc đã quyết định lấy ngày 9/1 hằng năm làm ngày Truyền thống học sinh, sinh viên Việt Nam.

 

NGUYÊN HÒA (Tổng hợp)

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek