Sáng 15/12, sau khi nghe Trưởng ban Văn hóa – Xã hội Lê Thanh Đồng và Trưởng ban Pháp chế Nguyễn Thị Yên Bình báo cáo thẩm tra về các báo cáo, tờ trình của UBND tỉnh và các cơ quan hữu quan trình ra kỳ họp, các đại biểu tiến hành thảo luận ở tổ. Buổi chiều, các đại biểu tiếp tục thảo luận ở hội trường làm rõ thêm những ý kiến còn khác nhau ở thảo luận tổ. Làm thế nào để huy động có hiệu quả nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng là những vấn đề được các đại biểu quan tâm.
Không khí thảo luận diễn ra tại các tổ và trong hội trường khá sôi nổi, thẳng thắn và dân chủ. Đã có hơn 42 lượt ý kiến phát biểu tại các tổ và 18 lượt ý kiến thảo luận tại hội trường nhằm tập trung đánh giá rõ hơn tình hình phát triển kinh tế xã hội, phân tích những hạn chế tồn tại và đưa ra những giải pháp, đề xuất kiến nghị đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng năm 2012.
Các đại biểu thảo luận ở tổ - Ảnh: M.KÝ
NHIỀU GIẢI PHÁP CHO PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
Kết luận buổi thảo luận tại hội trường, đồng chí Huỳnh Tấn Việt, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá cao việc thảo luận của các đại biểu, tập trung nhiều vấn đề xác đáng, bức xúc; tập trung vào 7 nhóm vấn đề liên quan đến tình hình phát triển kinh tế, xã hội, các chính sách an sinh, đầu tư xây dựng cơ bản… Chủ tọa kỳ họp Huỳnh Tấn Việt cũng đề nghị UBND tỉnh, các ngành hữu quan cần giải quyết và giải trình những vấn đề mà các đại biểu, cử tri đã phản ánh.
Hầu hết các ý kiến đều đánh giá cao sự điều hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các ngành hữu quan trong điều kiện phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhất là có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn kịp thời nên tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn ổn định và có bước phát triển khá, tốc độ tăng trưởng GDP đạt kế hoạch đề ra là 13,1%, thu nhập bình quân đầu người tăng đáng kể so với năm trước.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2011. Đó là, công tác đầu tư xây dựng cơ bản đều chậm tiến độ ở tất cả các khâu từ chuẩn bị dự án, đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư, thi công, giải ngân, quyết toán; chậm khắc phục các tồn tại trong việc đền bù, hỗ trợ, tái định cư dự án thủy điện Sông Ba Hạ. Một số dự án quan trọng thực hiện không đạt kế hoạch đề ra, nhất là một số dự án thủy lợi. Công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản có nhiều cố gắng, nhưng tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn còn tái diễn. Một số doanh nghiệp chấp hành chưa nghiêm các quy định bảo vệ môi trường. Thu ngân sách tuy có đạt và vượt kế hoạch nhưng nguồn thu còn nhỏ, chưa bền vững. Các tổ chức tín dụng trên địa bàn phát sinh nhiều nợ xấu.
Đại biểu Đào Tấn Nguyên (Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh) kiến nghị: “Trong thời gian đến cần phải đẩy mạnh việc triển khai đề án xây dựng nông thôn mới cấp xã theo 19 tiêu chí. Hiện nay, việc triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới còn chậm, nhất là công tác quy hoạch và đề án triển khai ở một số địa phương còn lúng túng, thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành… Đồng thời, việc huy động các nguồn lực để tập trung thực hiện theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” cũng như nguồn quỹ giải quyết việc làm để hỗ trợ cho công tác xuất khẩu và giải quyết việc làm cho những hộ cận nghèo cần được tăng cường.
Thảo luận về các nhiệm vụ phát triển kinh tế trong năm 2012, nhiều đại biểu đồng tình với 12 chỉ tiêu và 20 nhóm giải pháp mà UBND tỉnh đề ra. Tuy nhiên, một số đại biểu đã nhận định, khi mục tiêu chủ yếu vẫn phải kiềm chế lạm phát sẽ có nhiều khó khăn tác động đến phát triển kinh tế - xã hội trong năm. Bên cạnh đó, nhiều đại biểu đề nghị UBND tỉnh cần bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra, phân công cụ thể cho các tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm thực hiện, tăng cường kiểm tra đôn đốc, khuyến khích tính chủ động, sáng tạo và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Các đại biểu cũng đã kiến nghị UBND tỉnh cần có biện pháp xử lý kịp thời, kiên quyết đối với các dự án chậm đầu tư, chỉ đạo quyết liệt hơn trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cũng như khắc phục tình trạng đầu tư xây dựng cơ bản.
Đại biểu Nguyễn Chí Hiến (Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư), giải trình: “Về tổng nguồn thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn năm 2012, dự kiến là 1.700 tỉ đồng, hơn 118% so với ước thực hiện năm 2011 và tăng 25,9% so với dự toán Trung ương giao. Tuy nhiên, năm 2012 là năm thứ 2 thực hiện thời kỳ ổn định ngân sách trong 5 năm, giai đoạn 2011-2015. Đây cũng là năm thực hiện phân cấp cho UBND TP Tuy Hòa. Vì vậy, UBND tỉnh cần triển khai nhiệm vụ cụ thể ngay từ đầu năm và chỉ đạo các ngành, các cấp bám sát chỉ tiêu để thực hiện, chú ý khai thác các nguồn thu tiềm năng như chuyển nhượng nhà đất, khai thác quỹ đất, quản lý tốt khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, nhất là các hộ kinh doanh mà theo kê khai đã có biểu hiện thất thoát thuế”.
Liên quan đến việc phân bổ ngân sách năm 2012, các đại biểu: Lê Thanh Đồng (Trưởng ban Văn hóa - Xã hội); Nguyễn Thị Nở (Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh), Nguyễn Văn Tá (Giám đốc Sở GD-ĐT), Đào Tứ Xuyên (Giám đốc Sở KH-CN) thống nhất là phải ưu tiên phân bố vốn cho sự nghiệp giáo dục và nghiên cứu khoa học.
Đại biểu HĐND Nguyễn Chí Hiến tham gia thảo luận tại hội trường - Ảnh: M.KÝ
KIẾN NGHỊ VỀ 10 TỜ TRÌNH
Bàn về 10 tờ trình của Thường trực HĐND và UBND tỉnh trình ra kỳ họp, các đại biểu cơ bản thống nhất nội dung các tờ trình. Riêng về tờ trình tăng học phí đối với các trường đại học, cao đẳng, trung cấp công lập do địa phương quản lý từ năm học 2011-2012 đến năm học 2014-2015, các đại biểu đề nghị thu học phí học sinh, sinh viên trong tỉnh và ngoài tỉnh như nhau, mức phí là 60% so với mức trần của Trung ương quy định.
Về tờ trình biên chế hành chính, biên chế các loại sự nghiệp của tỉnh Phú Yên năm 2012, đại biểu Nguyễn Phất (Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) kiến nghị, cần căn cứ vào định mức giường bệnh cũng như bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến cơ sở. Do hiện nay nhiều bệnh viện như Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh định mức chỉ có 33 triệu đồng/giường bệnh/năm nên qua giám sát, các bệnh viện đều phản ánh, mức phân bổ trên chỉ đủ trả lương cho cán bộ, viên chức trong 9 tháng, chưa tính các khoản chi hoạt động khác… Bên cạnh đó, nhiều năm qua, các cơ sở y tế công lập không tuyển được bác sĩ. Trong khi đó, nhiều bác sĩ đã bỏ việc hoặc chuyển công tác, cụ thể, trong năm 2011, Bệnh viện Đa khoa tỉnh có 11 bác sĩ bỏ việc, 2 bác sĩ chuyển công tác, như thế so với tiêu chí chung là 7 bác sĩ/vạn dân sẽ không đạt, gây ảnh hưởng đến việc chăm sóc và khám sức khỏe cho nhân dân… Về đề án thành lập Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, các đại biểu đều thống nhất cao nhưng cần phải nghiên cứu nguồn vốn và lộ trình đầu tư.
Các cử tri Nguyễn Văn Dũng (phường 7), Trần Hoàng Thảo (xã Bình Kiến) là hai trong năm đại biểu cử tri tiêu biểu của TP Tuy Hòa được tham gia xuyên suốt trong kỳ họp lần này. Phát biểu tại phiên thảo luận hội trường, hai cử tri cũng kiến nghị HĐND và UBND tỉnh cần quan tâm hơn đến việc hỗ trợ vốn, nhân lực để HTX và bà con nông dân được phát triển, cũng như đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng cho cơ sở và chính sách xây dựng nông thôn mới.
Hôm nay (16/12), các đại biểu HĐND tỉnh sẽ làm việc tại hội trường để chất vấn, trả lời chất vấn và biểu quyết thông qua các nghị quyết của kỳ họp.
VĂN TÀI