Các đại biểu Huỳnh Văn Tí (đoàn Bình Thuận), Trần Kim Luân (đoàn Phú Yên), Kso Phước (đoàn Gia Lai): Khi xây dựng Luật, cần phải xác định được khả năng, chất lượng, tính khả thi của Dự án Luật khi ban hành, ưu tiên những Luật có tính chất quan trọng trước như Luật Dân tộc, Luật an toàn thực phẩm, Luật Quảng cáo...
Chiều hôm qua (30/10), Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, thảo luận về Dự kiến Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2007; báo cáo kết quả việc thực hiện chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2006; dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2007. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu điều khiển phiên làm việc.
Theo Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2006, Quốc hội dự kiến xem xét, thông qua 25 Luật, 01 Nghị quyết và cho ý kiến về 25 dự án Luật; Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua 10 Pháp lệnh và 01 Nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật.
Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã thông qua 10 Luật, 01 Nghị quyết; xem xét, cho ý kiến về 13 dự án Luật khác. Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội dự kiến xem xét, thông qua 11 Luật và cho ý kiến về 6 dự án luật khác.
CÔNG TÁC XÂY DỰNG PHÁP LUẬT ĐÁP ỨNG YÊU CẦU QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
Theo các đại biểu, về cơ bản công tác xây dựng pháp luật đã kịp thời đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập kinh tế quốc tế. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2006 vẫn chưa đạt được yêu cầu đặt ra, đặc biệt là chương trình xây dựng Pháp lệnh. Các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật, Pháp lệnh chưa được chuẩn bị chu đáo để trình đồng thời với các Dự án Luật, Pháp lệnh làm hạn chế hiệu lực, hiệu quả thi hành Luật, Pháp lệnh. Các đại biểu Trần Kim Luân (đoàn Phú Yên), Kso Phước (đoàn Gia Lai) và một số đại biểu khác cho rằng, trong xây dựng Luật, cần ưu tiên những Luật có tính chất quan trọng trước như Luật Dân tộc, Luật an toàn thực phẩm, Luật Quảng cáo... Theo đại biểu Huỳnh Văn Tí (đoàn Bình Thuận) cho rằng, khi xây dựng Luật, cần phải xác định được khả năng, chất lượng, tính khả thi của Dự án Luật khi ban hành, nếu không xác định được chất lượng của Dự án Luật nào thì cần phải loại ngay để ưu tiên cho những Luật khác quan trọng hơn. Đại biểu cũng yêu cầu, cần hạn chế việc Quốc hội không hoàn thành việc xây dựng Luật của từng kỳ cũng như của cả năm.
Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2007, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XI (tháng 3/2007), Quốc hội sẽ thông qua 2 dự án Luật là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Tương trợ tư pháp. Trình Quốc hội cho ý kiến 2 dự án luật là Luật hoá chất; Luật đặc xá.
Tại kỳ họp thứ 1, Quốc hội khoá XII (tháng 7/2007), Quốc hội cho ý kiến 2 Dự án Luật là Luật quản lý và sử dụng tài sản nhà nước; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XII (tháng 11/2007), Quốc hội thông qua 8 Dự án Luật gồm: Luật thuế thu nhập cá nhân; Luật chất lượng sản phẩm, hàng hoá; Luật phòng, chống bạo lực trong gia đình; Luật phòng, chống các bệnh truyền nhiễm; Luật hoá chất; Luật đặc xá; Luật quản lý và sử dụng tài sản nhà nước; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ cho ý kiến 9 dự án luật, gồm: Luật bảo hiểm y tế; Luật thuế sử dụng đất; Luật thủ tục hành chính; Luật công vụ; Luật về thể thức trưng mua, trưng dụng tài sản của cá nhân, tổ chức; Luật năng lượng nguyên tử; Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); Luật hoạt động chữ thập đỏ; Luật đầu tư công.
NĂM 2006: CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ GIÁM SÁT TIẾP TỤC ĐƯỢC NÂNG LÊN
Về việc thực hiện chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2006, các đại biểu cho rằng, việc triển khai thực hiện chương trình giám sát năm 2006 đã có sự chủ động, tích cực, có nhiều cố gắng; chất lượng, hiệu quả giám sát tiếp tục được nâng lên. Các nội dung giám sát đã được nâng cao chất lượng; báo cáo giám sát đã nêu rõ những vấn đề trọng tâm, đã đưa ra những kết luận xác đáng, góp phần vào việc quyết định các chính sách, xây dựng pháp luật và điều chỉnh công tác chỉ đạo điều hành.
Tuy nhiên, theo đại biểu Huỳnh Văn Tí (đoàn Bình Thuận), Trần Kim Mai (đoàn Tiền Giang), Trương Thị Mai (đoàn Trà Vinh) và nhiều đại biểu, hoạt động giám sát vẫn còn một số vấn đề tồn tại, hạn chế. Cách thức tổ chức giám sát, xem xét các báo cáo kết quả giám sát vẫn chưa được cải tiến đáng kể. Việc theo dõi kết quả giải quyết các kiến nghị sau giám sát thực hiện chưa thường xuyên, liên tục. Các đại biểu đề nghị, ngoài việc giám sát theo chương trình của Quốc hội, cần đưa các vấn đề đang còn nhiều bức xúc trong nhân dân vào chương trình giám sát, như: giám sát đảm bảo an toàn trật tự giao thông, giám sát việc giải quyết đơn thư tố cáo...
Theo Dự kiến của Quốc hội, một số nội dung quan trọng sẽ được đưa vào chương trình giám sát của Quốc hội năm 2007, gồm: giám sát việc triển khai thực hiện Chương trình 135 (giai đoạn II); giám sát việc chấp hành pháp luật về thực hiện các biện pháp xử lý hành chính (đưa đối tượng vào trường giáo dưỡng, vào cơ sở giáo dục, vào cơ sở chữa bệnh) theo quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính; giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về phí và lệ phí; giám sát công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội phục vụ cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII; giám sát vấn đề đời sống văn hoá ở cơ sở; giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế; giám sát việc thực hiện các hiệp định về biên giới giữa Việt Nam với các nước láng giềng....
Trước đó, trong sáng 30/10, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật quản lý thuế.
Hôm nay 31/10, Quốc hội tiếp tục làm việc tại Hội trường, thảo luận về việc thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng.
(Theo VOV)