Chiều 22/11, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Uông Chu Lưu, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2011-2015, quy hoạch sử dụng đất 2011-2020 và thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).
Đại biểu quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) - Ảnh: VOV |
Thảo luận về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) đa số nhất trí về sự cần thiết phải sửa đổi Luật Công đoàn là phù hợp thực tiễn cuộc sống hiện nay.
Đại biểu Nguyễn Thị Thanh (đoàn Ninh Bình) cho rằng, bảo vệ lợi ích chính đáng của người lao động là chức năng bẩm sinh của công đoàn; đồng tình với ý kiến của Ủy ban Pháp luật cho rằng, dự án Luật sửa đổi này cần có quy định điều khoản cụ thể để công đoàn chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần của người lao động và thực sự hấp dẫn người lao động.
Đại biểu Hồ Thị Thuỷ (đoàn Vĩnh Phúc) nhất trí việc bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách trong cơ quan. Tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp có từ 500 lao động phải có ít nhất một cán bộ công đoàn chuyên trách. Tuy nhiên đại biểu cho rằng, luật cần quy định về tiêu chuẩn đối với cán bộ công đoàn chuyên trách như cán bộ công chức. Đại biểu cũng nhất trí với quy định đối với cơ quan tổ chức đơn vị, doanh nghiệp có từ 500 lao động trở lên được bố trí ít nhất một cán bộ công đoàn như quy định của dự thảo luật này là phù hợp bởi khi chưa có quy định này nhiều nơi có số lao động từ 500 công nhân chưa có cán bộ công đoàn chuyên trách. “Do vậy việc bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách được quy định trong luật lần này là rất quan trọng nếu bố trí được ở nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thì càng tốt”, đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị thống nhất nội dung này trong quy định của Bộ Luật Lao động.
Đại diện cho người lao động, đại diện cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn. Nhiều đại biểu cho rằng trong điều kiện nhiều doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức công đoàn như hiện nay việc quy định công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có trách nhiệm tuyên truyền vận động người lao động ở cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp ra nhập công đoàn và thành lập công đoàn là phù hợp và cần thiết như vậy công đoàn cấp trên cơ sở có quyền và trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động có dưới 20 lao động và có trên 20 lao động ở các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp nhưng chưa thành lập công đoàn trong thời hạn 6 tháng từ ngày hoạt động.
Tuy nhiên, số doanh nghiệp có số lao động dưới 20 lao động chiếm 80% số doanh nghiệp và có mối quan hệ gia đình thì công đoàn cấp trên bảo vệ như thế nào, đại biểu đề nghị ban soạn thảo sớm có quy định cách thức để bảo vệ, chăm lo cho người lao động đối với trường hợp này.
Về trả lương cho cán bộ công đoàn chuyên trách, đại biểu Hồ Thị Thuỷ đề nghị, do tổ chức công đoàn cấp trên tổ chức thực hiện vì cán bộ công đoàn do giới chủ trả lương sẽ rất khó đứng về phía người lao động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ. Luật cũng cần quy định cụ thể về tiêu chuẩn, chế độ phụ cấp kiêm nhiệm đối với cán bộ công đoàn không chuyên ở cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp có dưới 500 lao động để tránh doanh nghiệp bố trí người không có năng lực làm công tác công đoàn.
Một nội dung được nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến, đó là vấn đề tài chính công đoàn, do đặc thù hoạt động của tổ chức công đoàn nhiều đại biểu nhất trí với quy định kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đóng mức phí 2% với lý do: thứ nhất, kế thừa quy định của luật hiện hành thu phí 2% tạo điều kiện tốt để hoạt động công đoàn có hiệu quả cho người lao động như động viên khen thưởng thi đua… thứ hai, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, thứ 3 tạo mối quan hệ gắn bó trách nhiệm giữa người lao động người, người sử dụng lao động với công đoàn bởi có kinh phí công đoàn sẽ phải có trách nhiệm hơn trong việc sử dụng quỹ công đoàn hiệu quả để chăm lo trở lại cho người lao động.
Đại biểu Thân Đức
Tuy nhiên, đại biểu Hồ Thị Thủy (đoàn Vĩnh Phúc) đề nghị quy định lao động là người nước không được tham gia tổ chức công đoàn Việt Nam vì theo quy định của Hiến pháp, nếu kết nạp người nước ngoài vào tổ chức công đoàn thì họ sẽ được thực hiện các quyền của người lao động như tham gia các tổ chức, các hoạt động của hệ thống chính trị Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đồng tình với ý kiến này, đại biểu Phạm Hồng Phong (đoàn Hậu Giang) nêu lý do thứ nhất, quản lý nhà nước về lao động ngành dọc ở nước ta còn hạn chế để đảm bảo an ninh trật tự xã hội, không nên kết nạp người nước ngoài. Thứ hai, việc công đoàn viên người nước ngoài tham gia giám sát quản lý nhà nước là không hợp lý.
Cũng trong chiều 22/11, với gần 90% số phiếu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2011-2015 cấp quốc gia. Theo đó, Quốc hội ra Nghị quyết nêu rõ mục tiêu quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2011-2015 cấp quốc gia là quản lý chặt chẽ tài nguyên đất đai theo quy hoạch, kế hoạch và pháp luật; bảo đảm sử dụng đất đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả. Bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, bảo đảm phát triển bền vững...
Một số chỉ tiêu cụ thể: diện tích đất nông nghiệp theo quy hoạch đến năm 2020 là 26.732.000 ha, theo kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2011-2015 cấp quốc gia là 26.550.000 ha. Trong đó, đất trồng lúa đến năm 2020 là 3,812 triệu ha, kế hoạch 5 năm là 3,951 triệu ha...
Quốc hội cũng đề ra 8 nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2011-2015 cấp quốc gia. Trong đó nhấn mạnh, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực, địa phương phải dựa trên quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất mà Quốc hội đã phê duyệt. Phải xác định ranh giới và công khai diện tích đất trồng lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng cần bảo vệ nghiêm ngặt. Bảo đảm lợi ích giữa các địa phương có điều kiện phát triển công nghiệp với các địa phương giữ nhiều đất trồng lúa, trong đó chú trọng đầu tư về hạ tầng, có chính sách để bảo đảm người trồng lúa yên tâm sản xuất. Tổ chức quản lý, giám sát chặt chẽ quy hoạch phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đất cơ sở sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp. Việc sử dụng đất cho mục đích sản xuất phi nông nghiệp phải theo quy hoạch, tiết kiệm, hiệu quả...
Quyết nghị của dự thảo Nghị quyết này cũng chỉ rõ, giao chính phủ phân bổ các chỉ tiêu sử dụng đất cấp quốc gia, chỉ đạo hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh, đất của các địa phương và hướng dẫn tổ chức thực hiện Nghị quyết này.
BTV (tổng hợp từ VOV, SGGP)