Thứ Sáu, 11/10/2024 05:33 SA
Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII:
Quốc hội thảo luận về dự thảo Bộ luật Lao động
Thứ Ba, 22/11/2011 16:30 CH

Dự thảo Bộ luật Lao động đã được Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp sáng 22/11 dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng. Đây là văn bản luật dự kiến sẽ tác động tới 15 triệu người lao động.

 

QH-111122.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Hòa (Bắc Ninh) -  Ảnh: SGGPO

Trong phiên thảo luận, đa số các đại biểu tập trung thảo luận về đảm bảo mức lương và quyền lợi của người lao động; tăng thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ. Đặc biệt quan tâm đến quyền lợi của lao động nữ, đại biểu Nguyễn Thị Thanh Hòa (Bắc Ninh) đề nghị tăng thời gian được nghỉ thai sản của lao động nữ lên 6 tháng cho mọi nhóm đối tượng, song trao cho chị em quyền lựa chọn linh hoạt được nghỉ từ 4 đến 6 tháng. Đối với tuổi nghỉ hưu, đại biểu Nguyễn Thị Thanh Hòa đề nghị phương án “1 tăng, 2 giảm”: tăng tuổi nghỉ hưu cho phụ nữ trí thức, giảm tuổi nghỉ hưu cho lao động nặng nhọc, cán bộ cơ sở (ở cả hai giới).

 

Nhiều lao động nữ sau thời gian nghỉ thai sản 4 tháng đến cơ quan làm việc phàn nàn là con còn nhỏ không biết gửi cho ai và vẫn cảm thấy mệt mỏi khi làm việc. Để đảm bảo sức khoẻ tái sản xuất cho lao động là nữ và có thêm thời gian chăm sóc con cái, dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) nên quy định tăng thời gian nghỉ thai sản lên 6 tháng cho lao động nữ.

 

Đại biểu Nguyễn Thanh Thảo (đoàn Đồng Tháp) cho rằng: Việc tăng thời gian nghỉ thai sản lên 6 tháng cho lao động nữ sẽ giúp cho người mẹ có thêm thời gian chăm sóc con nhỏ, đứa trẻ có thể cứng cáp hơn để người mẹ đi gửi nhà trẻ và yên tâm đi làm.

 

Đồng ý với quan điểm trên, đại biểu Triệu Thị Nái (đoàn Hà Giang) kiến nghị: Nên tăng thời gian nghỉ thai sản đối với lao động nữ lên 6 tháng. Riêng đối với lao động nữ làm việc ở những môi trường độc hại thì cũng nên tăng thêm thời gian nghỉ để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và con.

 

Liên quan đến thời gian nghỉ của người lao động, Thượng tọa Thích Thanh Quyết (đoàn Quảng Ninh) đề nghị tăng thêm thời gian nghỉ Tết, nghỉ lễ cho người lao động có thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc gia đình để tái sản xuất sức lao động.

 

Nhìn nhận tuổi nghỉ hưu là “quyền” và cũng là nghĩa vụ, đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) cho rằng, tuổi nghỉ hưu chung của cả hai giới nên là 60 tuổi. Một số trường hợp đặc biệt được đại biểu đề nghị giao Chính phủ quy định.

 

Người sử dụng lao động phải đảm bảo quyền lợi của người lao động. Tiền lương và mức lương tối thiểu phải đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Đó là đề nghị của đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (đoàn Thái Nguyên). Theo quan điểm của đại biểu, doanh nghiệp sử dụng lao động cần có trách nhiệm đảm bảo tiền lương, quan tâm, chia sẻ đến điều kiện sống của lao động. Đây cũng là yếu tố duy trì uy tín của doanh nghiệp và trách nhiệm của doanh nghiệp với người lao động.

 

Trong thời gian qua, ở một số tỉnh, thành có những cuộc đình công của người lao động. Nguyên nhân là do người lao động yêu cầu doanh nghiệp cần đảm bảo mức lương, bảo hiểm xã hội, giảm giờ làm…Đại biểu Phan Văn Tường (đoàn Thái Nguyên) cho rằng: Những cuộc đình công diễn ra chủ yếu ở doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân do sự bất đồng với tiền lương, chế độ bảo hiểm, thời gian làm việc… Để giải quyết vấn đề này, tổ chức công đoàn của doanh nghiệp phải là đầu mối thương lượng và gắn kết để giải quyết những bức xúc, mâu thuẫn giữa doanh nghiệp và người lao động; cần có sự thương lượng tập thể giữa cơ quan, doanh nghiệp sử dụng lao động và người lao động thông qua tổ chức công đoàn. “Kết quả của sự thương lượng phải được thực hiện bằng văn bản. Nếu không giải quyết thì đình công sẽ diễn ra trên diện rộng” - đại biểu Trần Thanh Hải (TP HCM) chia sẻ.

 

Một vấn đề khác được nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến là về thời giờ làm thêm. Các đại biểu Nguyễn Trung Thu (Long An), Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đồng tình với quy định tại dự thảo theo hướng “nới” thời gian làm thêm giờ tối đa; song nhiều ý kiến khác lại cho rằng đây là một bước lùi của dự thảo bộ Luật so với quy định hiện hành.

 

Đại biểu Cù Thị Hậu (Hưng Yên), nguyên Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nói: “Tôi đã làm công nhân 19 năm trong ngành xây dựng và ngành dệt. Người lao động có muốn làm thêm không? Thực chất là họ cần phải làm thêm là do đồng lương quá thấp, không đảm bảo được cuộc sống”.

 

Quy định về thời giờ làm thêm cũng là một trong những “bức xúc” của đại biểu Đặng Ngọc Tùng (Đồng Nai), Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động. Song không chỉ riêng điều này, đại biểu Tùng cho rằng, với nội dung như hiện nay, dự thảo Bộ luật “thiên về bảo vệ người sử dụng nhiều hơn bảo vệ người lao động”. Theo đại biểu, nhiều vấn đề cốt lõi trong mối quan hệ lao động không được giải quyết căn cơ trong Bộ luật. Đơn cử, cách thức xây dựng mức lương tối thiểu hiện nay vẫn rất bất hợp lý để rồi cứ mỗi năm lại bàn tăng và “lương chưa tăng thì giá cả ngoài chợ đã lên rầm rầm”! “Lẽ ra, cần phải xác định lương tối thiểu trên cơ sở một rổ hàng hóa đủ đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho người lao động, cộng với tỷ lệ trượt giá mới hợp lý”, ông nói.

 

Một số ý kiến khác đề nghị dự thảo Bộ luật quy định thêm một ngày nghỉ được hưởng lương nữa cho người lao động vào dịp Tết Nguyên đán với lý do hiệu quả thực tế của ngày làm việc “kẹp” giữa hai ngày nghỉ là không cao. Chính phủ cũng đã nhận thấy điều này nên đã cho phép hoán đổi ngày làm việc để kỳ nghỉ được liền mạch. Mặt khác, số ngày nghỉ của người lao động Việt Nam hiện cũng còn thấp so với nhiều nước trong khu vực.

 

H.N (tổng hợp từ VOV, SGGPO)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek