Thứ Sáu, 11/10/2024 05:32 SA
Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII:
Quốc hội thông qua Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020
Thứ Tư, 23/11/2011 07:56 SA

*Tăng thời gian nghỉ thai sản lên 6 tháng

 

Chiều 22/11, với 86,8% số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất 2011- 2015 cấp quốc gia.

 

Theo đó, đất trồng lúa vào năm 2020 là 3,81 triệu ha, đất rừng phòng hộ sẽ tăng lên 5,842 triệu ha, đất rừng đặc dụng sẽ tăng lên 2,271 triệu ha và đất rừng sản xuất là 8,132 triệu ha. Đất khu công nghiệp hiện nay là 72.000ha sẽ tăng lên và ổn định ở mức 200.000ha vào năm 2020. Đất ở tại đô thị sẽ tăng lên 179.000ha vào năm 2015 và 202.000ha vào năm 2020. Diện tích đất phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội như văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục thể thao vào năm 2020 sẽ tăng gấp 2 lần so với năm 2010, đảm bảo đáp ứng các nhu cầu của nhân dân…

 

Để thực hiện Nghị quyết, Quốc hội đề ra 8 nhiệm vụ và giải pháp thực hiện. Theo đó, quy hoạch, kế hoạch của các ngành, địa phương có sử dụng đất phải đảm bảo dựa trên quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia; xác định ranh giới và công khai diện tích đất trồng lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng cần bảo vệ nghiêm ngặt; tổ chức quản lý, giám sát chặt chẽ quy hoạch phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đất cơ sở sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp; đổi mới cơ chế quản lý sử dụng đất gắn với tổ chức sản xuất, bảo vệ, phát triển rừng ở các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng để nâng cao hiệu quả sử dụng đất; khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi Luật Đất đai để mọi hoạt động sử dụng đất phải tuân thủ quy hoạch, kế hoạch…

 

Cũng trong buổi chiều, thảo luận về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi), đa số đại biểu tán thành việc sớm ban hành luật này nhằm kịp thời thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Ðảng về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

 

Một số đại biểu đề nghị dự thảo luật quy định cụ thể nhằm thể hiện vai trò chăm lo, chăm sóc cho người lao động của Công đoàn như sự tham gia của Công đoàn trong việc hoạch định chính sách tiền lương, phúc lợi xã hội, đề bạt, khen thưởng... đối với người lao động.

 

Các đại biểu cũng đề nghị dự thảo luật xác định rõ hơn vị trí, vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; đưa ra những quy định nhằm khẳng định địa vị pháp lý của Công đoàn không chỉ là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động mà còn phải cùng với cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, đóng góp quan trọng vào quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 

* Trước đó, buổi sáng cùng ngày, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Các đại biểu tập trung thảo luận về đảm bảo mức lương và quyền lợi của người lao động; tăng thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ.

 

Nhiều đại biểu cho rằng, lao động nữ sau thời gian nghỉ thai sản 4 tháng đến cơ quan làm việc vẫn cảm thấy mệt mỏi khi làm việc không đảm bảo sức khỏe nên cần có thêm thời gian chăm sóc con cái, nên quy định tăng thời gian nghỉ thai sản lên 6 tháng cho lao động nữ. Liên quan đến thời gian nghỉ của người lao động, có đại biểu đề nghị tăng thêm thời gian nghỉ tết, nghỉ lễ cho người lao động có thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc gia đình để tái sản xuất sức lao động. Nhiều đại biểu cho rằng: Người sử dụng lao động phải đảm bảo quyền lợi của người lao động; tiền lương và mức lương tối thiểu phải đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Doanh nghiệp sử dụng lao động cần có trách nhiệm đảm bảo tiền lương, quan tâm, chia sẻ đến điều kiện sống của lao động. Đây cũng là yếu tố duy trì uy tín của doanh nghiệp và trách nhiệm của doanh nghiệp với người lao động.

 

Hôm nay (23/11), Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, nghe Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8 và kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XII; đại biểu Quốc hội chất vấn và nghe các thành viên Chính phủ trả lời chất vấn. Theo đó, Bộ trưởng Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Giáo dục - Đào tạo và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ có trách nhiệm trả lời những vấn đề liên quan trực tiếp đến kinh tế - xã hội, đời sống của nhân dân. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ chốt lại chương trình chất vấn của Quốc hội vào ngày 25/11.

 

N.TRƯỜNG

(tổng hợp TTXVN, chinhphu.vn, VOV)

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek