Thứ Sáu, 11/10/2024 15:28 CH
Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII:
Cần cân nhắc kỹ việc xã hội hóa giám định tư pháp
Thứ Tư, 16/11/2011 14:00 CH

Chiều 15/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Giám định tư pháp. Trong phần thảo luận, đa số các đại biểu tập trung thảo luận về giám định tư pháp về pháp y.

 

QH-111116.jpg

Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Giám định tư pháp - Ảnh: TTXVN

Một số ý kiến tán thành với những quy định nhằm xã hội hóa công tác giám định tư pháp, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Tuy nhiên, tại buổi thảo luận chiều nay, khá nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc chủ trương xã hội hóa đối với lĩnh vực rất nhạy cảm này. Đại biểu Nguyễn Xuân Phúc (Quảng Nam) và một số đại biểu đồng tình với xu hướng xã hội hoá giám định tư pháp nhằm huy động nguồn lực của xã hội vào công tác này, nhất là đối với các trung tâm nghiên cứu, cơ sở khoa học. Tuy nhiên cần có cơ chế thanh tra, kiểm tra, nhằm bảo đảm chất lượng. Đại biểu Nguyễn Đức Chung (Hà Nội) cho rằng, việc xã hội hóa giám định tư pháp là phù hợp nhằm làm giảm áp lực công việc cho các hệ thống giám định và tòa án. Kết luận giám định của các tổ chức, đơn vị cũng có giá trị tương đương với các cơ quan giám định nhà nước. Tuy nhiên, đại biểu Chung cho rằng chỉ nên cho phép xã hội hóa giám định tư pháp trong lĩnh vực dân sự, hành chính, kinh tế chứ không nên cho phép đối với lĩnh vực hình sự.

 

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (đoàn Hà Nội) cho rằng, chúng ta vẫn coi giám định tư pháp là lĩnh vực chuyên môn hoặc chỉ là bổ trợ cho hoạt động tư pháp. Tuy nhiên thực tế, giám định tư pháp lại có ý nghĩa quyết định đến việc có bỏ lọt tội phạm hay không, kết luận giám định ảnh hưởng trực tiếp đến cả tính mạng của con người. Vì vậy, cần quy định rõ trách nhiệm và nhiệm vụ cụ thể của cơ quan công an và y tế trong giám định pháp y.

 

Qua thực tiễn, công an cấp tỉnh tiến hành giám định pháp y thì làm tốt, ít có trường hợp nào không khách quan cả. Tuy nhiên, việc cơ quan công an làm giám định pháp y, ngành y tế cũng làm thì sẽ dẫn đến dàn trải mà không phát huy được hiệu quả. Vì thế, dự án Luật Giám định tư pháp nên tập trung giám định pháp y về một đầu mối do Bộ Y tế quản lý.

 

Đồng ý với quan điểm trên, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) cho rằng, cơ quan công an và y tế nên phối hợp để giám định pháp y các vụ việc vì trên thực tế, nhiều vụ án xảy ra, rất cần đến sự giám định thương tích, quá trình mổ tử thi của cả 2 cơ quan.

 

Trên thực tế, hàng năm những vụ án mạng có thể chỉ cần một cơ quan giám định pháp y của ngành Công an thực hiện cũng khá tốt. Nếu để tồn tại cả hai hệ thống pháp y công an và y tế thì sẽ gây lãng phí ngân sách Nhà nước. Để tiết kiệm ngân sách, nên quy định một đầu mối giám định pháp y do Bộ Y tế quản lý. Đại biểu Đinh Xuân Thảo (đoàn Hà Nội) kiến nghị.

 

Đại biểu Nguyễn Phạm Ý Nhi (đoàn Hà Nội) phản biện, nếu tồn tại cả hai hệ thống pháp y thì sẽ tốn nguồn nhân lực vì phải đầu tư cả hai nơi. Ở tỉnh, thành chỉ nên tồn tại 1 hệ thống, tránh đầu tư trang thiết bị không dàn trải. Cần có sự đánh giá hiệu quả thực tiễn để quyết định bên công an hay y tế làm giám định pháp y.  

 

Liên quan đến chuyển cơ quan giám định tư pháp từ ngành Công an hiện nay sang ngành Y tế nhằm bảo đảm chất lượng chuyên môn. Một số đại biểu đề nghị nên giữ nguyên ở ngành Công an nhằm bảo đảm hiệu quả điều tra. Các đại biểu Nguyễn Trọng Trường (Bắc Ninh), Trần Ngọc Tăng (Hà Tĩnh) cho rằng, công tác giám định tư pháp liên quan chặt chẽ đến công tác điều tra các vụ án đòi hỏi sự chính xác và tính bí mật cao. Bên cạnh đó, trình độ của cán bộ công an pháp y hiện nay được đào tạo bài bản, đáp ứng yêu cầu công việc. Do vậy, việc giữ nguyên cơ quan giám định tư pháp tại ngành Công an là hợp lý trong điều kiện hiện nay. Tuy nhiên, ngành công an và y tế cần có sự phối hợp chặt chẽ, trao đổi nghiệp vụ trong công tác giám định tư pháp.

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền nêu quan điểm qua tổng kết thực tiễn, lực lượng kỹ thuật hình sự công an các tỉnh, thành phố làm công tác giám định pháp y đều có kết quả tốt, chưa phát hiện trường hợp nào làm sai. Vì vậy giữ nguyên đội ngũ pháp y trực thuộc công an các tỉnh thành phố là phù hợp.

 

Cùng với những nội dung nói trên, các đại biểu đề nghị đưa ra tiêu chí cụ thể việc tuyển chọn cán bộ giám định tư pháp, cơ chế đãi ngộ đối với đội ngũ làm công tác giám định tư pháp, các bước thực hiện giám định tư pháp...

 

BTV (tổng hợp từ TTXVN, VOV)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek