Thứ Sáu, 11/10/2024 15:25 CH
Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII: Quốc hội thảo luận dự án Luật Phòng, chống rửa tiền
Thứ Ba, 15/11/2011 18:37 CH

Sáng 15/11, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền.

 

QH1-111115.jpg

Đại biểu Cao Sĩ Kiêm (Thái Bình) phát biểu trong phiên thảo luận sáng nay -  Ảnh: SGGPO

 

Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền gồm 5 chương, 53 điều. Phát biểu tại phiên họp, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí về sự cần thiết của việc ban hành luật về phòng chống rửa tiền. Đại biểu Lương Văn Thành (Hải Phòng) nhận định: “Trong thời kỳ hội nhập như hiện nay, cộng với đặc điểm của nền kinh tế là chủ yếu sử dụng tiền mặt, Việt Nam tiềm ẩn nguy cơ trở thành “điểm đến” của tội phạm rửa tiền. Do đó, việc xây dựng, ban hành Luật này để phòng ngừa là rất cần thiết”. Tuy nhiên, phạm vi điều chỉnh của Luật còn có những ý kiến khác nhau. Nhiều đại biểu cho rằng, chưa nên đưa nội dung về tài trợ khủng bố vào Luật, vì đây là vấn đề cần được nghiên cứu và cân nhắc kỹ để đảm bảo sự hài hòa trong việc tuân thủ các cam kết quốc tế và chủ quyền của quốc gia.

 

Đại biểu Đỗ Văn Đương (TPHCM) phân tích: “Để đảm bảo thực hiện cam kết quốc tế thì Bộ Luật Hình sự (sửa đổi) vừa qua đã có ba điều liên quan đến tội phạm về tài trợ khủng bố”. Mặt khác, theo đại biểu này, gắn chuyện rửa tiền với tài trợ khủng bố cũng có phần gượng ép, vì không chỉ có tiền “bẩn” mới được sử dụng để tài trợ khủng bố. Luật Phòng chống khủng bố cũng đã có trong chương trình xây dựng pháp luật và nên để Luật này quy định về nội dung phòng chống tài trợ khủng bố thì hợp lý hơn, tránh sự trùng lặp trong hệ thống pháp luật.

 

Đại diện cho nhóm quan điểm thứ hai là nên đưa ngay nội dung về tài trợ khủng bố vào Luật Phòng, chống rửa tiền, đại biểu Cao Sĩ Kiêm (Thái Bình) lưu ý rằng, Việt Nam đã ký các công ước quốc tế mà theo đó đã ghi rõ cả thời hạn ban hành luật về phòng, chống rửa tiền; phòng, chống tài trợ khủng bố. “Ta sẽ có Luật Phòng chống khủng bố, nhưng có điều khoản “chặn” trước ở Luật này cũng không thừa và lại thực hiện được cam kết quốc tế đúng thời hạn”, ông Cao Sĩ Kiêm nói.

 

Ông còn góp ý thêm, Luật Phòng, chống rửa tiền có nhiều khái niệm và nội dung liên quan hữu cơ với Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự và 6 luật chuyên ngành khác. Tham chiếu các quy định pháp luật có liên quan thì thấy có rất nhiều điểm “cập kênh” trong dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền. Ông Cao Sĩ Kiêm nhắc nhở: “Ban soạn thảo cần điều chỉnh, nếu không muốn sửa hàng loạt luật khác”.

 

Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) nhận xét, lẽ ra nội dung phòng chống tài trợ khủng bố đặt trong Luật Phòng, chống khủng bố thì hợp lý hơn và khi sắp xếp chương trình xây dựng pháp luật nếu đưa dự án luật này lên trước thì sẽ vừa đảm bảo thực hiện đúng cam kết quốc tế, vừa đảm bảo tính chặt chẽ, của hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện tại thì cũng có thể đưa nội dung về tài trợ khủng bố vào Luật Phòng, chống rửa tiền.

 

Về cơ quan chủ trì hoạt động phòng, chống rửa tiền, các ý kiến thảo luận tại phiên họp sáng nay cũng chia làm ba nhóm. Trong khi một số ý kiến nhất trí với dự thảo đề nghị giao cho một cơ quan thuộc Ngân hàng Nhà nước thì đa số ý kiến cho rằng, một cơ quan thuộc Bộ Công an sẽ thực hiện nhiệm vụ này tốt hơn. 

 

Trên cơ sở nhận định rằng tại Việt Nam, các giao dịch bằng tiền mặt, vàng và tài sản có giá trị khác là rất phổ biến chứ không nhất thiết phải thông qua hệ thống ngân hàng, các đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị), Lương Văn Thành (Hải Phòng), Bùi Văn Phương (Ninh Bình)… đề nghị giao cho cơ quan điều tra thuộc Bộ Công an làm đầu mối chủ trì phòng, chống rửa tiền.

 

Phân định cụ thể ba trường hợp, gồm tiền “bẩn” mang vào Việt Nam để rửa, tiền bẩn trong nước đem rửa ở nước ngoài và tiền bẩn trong nước rửa trong nước, để từ đó có giải pháp xử lý hiệu quả là đề xuất của ccại biểu Phạm Văn Tường (Thái Nguyên). Ông Tường lo ngại rằng, sau một thời gian dài chỉ tập trung thu hút đầu tư, mà chưa quan tâm đầy đủ nguồn gốc tiền đầu tư, hoạt động rửa tiền tại nước ta rất có thể đã “núp bóng” các công trình lớn, các dự án bất động sản hoặc các doanh nghiệp được thành lập hợp pháp.

 

Chính vì vậy, đại biểu nhấn mạnh, Luật cần có quy định hướng tới một nền tài chính minh bạch, trong đó có các điều khoản về minh bạch hóa tài sản cá nhân. Có như vậy Luật Phòng, chổng rửa tiền mới hỗ trợ đắc lực cho công cuộc phòng, chống tham nhũng.

 

Về phạm vi điều chỉnh, đại biểu Lương Văn Thành (đoàn Hải Phòng), đại biểu Phạm Đức Châu (đoàn Quảng Trị) và nhiều đại biểu nhất trí luật này chỉ nên quy định về phòng, chống rửa tiền, riêng về vấn đề tài trợ khủng bố cần được tách riêng không đưa vào luật này bởi Luật Phòng, chống rửa tiền chủ yếu quy định về phòng ngừa hành vi rửa tiền và xử lý vi phạm ở mức độ hành chính. Khi phạm tội đủ yếu tố cấu thành tội phạm sẽ xử lý theo Điều 251 Bộ luật Hình sự, với hình phạt cao nhất là 10 năm tù.

 

Đối với vấn đề tài trợ khủng bố, đại biểu Lương Văn Thành cho rằng đây là vấn đề lớn, phức tạp, liên quan đến an ninh quốc gia. Hành vi tài trợ cho khủng bố là hành vi nhằm chống chính quyền nhân dân nên cần được nghiên cứu quy định cụ thể. Ngoài ra, Quốc hội cũng đưa dự thảo luật này vào chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2012.

 

Tuy nhiện, đại biểu Cao Sĩ Kiêm (đoàn Thái Bình), đề nghị đưa cả vấn đề phòng, chống khủng bố vào Luật này. Theo đại biểu Cao Sĩ Kiêm, tất cả những việc rửa tiền hiện nay liên quan chặt chẽ đến khủng bố và ngược lại. Mặt khác, rửa tiền và khủng bố là hai vấn đề thế giới đặc biệt quan tâm cho nên Luật phòng, chống rửa tiền cần ghi thêm một nội dung phòng chống tài trợ tội phạm khủng bố liên quan đến tiền tệ.

 

Về mức giao dịch phải báo cáo, Điều 21 của dự thảo Luật quy định mức giao dịch phải báo cáo là có giá trị lớn và giao Ngân hàng Nhà nước quy định mức có giá trị lớn. Theo đại biểu Lương Văn Thành, quy định như dự thảo luật là rất khó thực thi, bởi giá trị lớn là bao nhiểu, tại sao lại giao Ngân hàng Nhà nước quy định mức giá trị lớn? Do vậy, quy định về mức giá trị lớn luật cần nên định lượng hóa cụ thể để thực hiện. Tuy nhiên, để tránh sửa nhiều lần thì mức giao dịch phải báo cáo nên quy tập hệ số tiền lương cơ bản để dễ điều chỉnh.

 

Về cơ quan chủ trì phòng chống rửa tiền, nhiều đại biểu đề nghị không nên giao cho Ngân hàng Nhà nước mà nên giao cho cơ quan đấu tranh phòng chống tội phạm công nghệ cao của Bộ Công an để phù hợp với các quy định hiện hành về đấu tranh phòng chống tội phạm. Đại biểu Đỗ Văn Đương (đoàn TP HCM) đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ nên tham gia với tư cách thành viên phối hợp với cơ quan điều tra của Bộ Công an.

 

Đại biểu đề nghị thêm luật này cần phải làm rõ các loại hành vi rửa tiền đúng quy định pháp luật và quy định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành liên quan trong từng lĩnh vực liên quan đến phòng chống rửa tiền.

 

H.N (tổng hợp từ VOV, SGGPO)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek