Thứ Sáu, 11/10/2024 17:19 CH
Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII:
Quy định rõ hơn trách nhiệm của cá nhân, tổ chức kinh doanh dịch vụ quảng cáo
Thứ Hai, 14/11/2011 17:06 CH

Sáng 14/11, thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật quảng cáo, nhiều đại biểu đề nghị cần quy định rõ hơn về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo, phát hành quảng cáo bởi trên thực tế có nhiều quảng cáo sai sự thật, gây thiệt hại, ảnh hưởng tiêu cực nhưng người tiếp nhận quảng cáo không biết khiếu nại đến ai.

 

QH-111114.jpg
Đại biểu Nguyễn Thùy Trang (TPHCM)

 

Đại biểu Quốc hội nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Quảng cáo. Dự án Luật Quảng cáo gồm 5 chương, 47 điều. Đa số đại biểu cho rằng, Luật Quảng cáo cần thừa kế những giá trị hợp lý trong Luật Thương mại và Pháp lệnh Quảng cáo hiện hành, mặt khác luật cũng cần đột phá theo hướng nhận thức đúng và đầy đủ hơn về quảng cáo, đảm bảo dễ hiểu, dễ thực hiện… Theo đại biểu Nguyễn Văn Minh (TP Hồ Chí Minh), dự thảo Luật cần chú trọng, tập trung điều chỉnh để hạn chế những vấn đề đang gây nhiều bức xúc hiện nay trong hoạt động quảng cáo như: quảng cáo sai sự thật, làm mất mỹ quan, thiếu văn hóa, vi phạm thuần phong mỹ tục, gây phản cảm trong xã hội, quảng cáo ảnh hưởng đến môi trường, giao thông, quảng cáo trá hình trên các phương tiện thông tin đại chúng. Luật cũng cần tạo điều kiện cho hoạt động quảng cáo đáp ứng yêu cầu, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, tránh đưa ra những quy định cứng nhắc.

 

Đại biểu Nguyễn Quang Minh (đoàn TP HCM) cho rằng, không chỉ Luật Thương mại đề cập đến quảng cáo mà còn thể hiện ở nhiều luật khác như Luật Báo chí, Luật Xuất bản. Đại biểu đề nghị, khi ban hành Luật Quảng cáo chuyên biệt cần bao trùm cả quy định về quảng cáo đã được nêu ở các luật khác để có một luật chung thống nhất. Tập trung cho ý kiến về quản lý Nhà nước đối với hoạt động quảng cáo, đại biểu Nguyễn Thùy Trang (đoàn TP HCM) cho rằng, Điều 6 dự thảo luật quy định Bộ Thể thao – Văn hóa và Du lịch chịu trách nhiệm thực hiện quản lý Nhà nước về hoạt động này là không hợp lý. Hoạt động quảng cáo hiện nay trên báo chí (báo in, báo hình, báo nói, báo điện tử… và trên các ấn phẩm), chiếm 80% doanh số đang do Bộ Thông tin- Truyền thông quản lý, chỉ có 10% doanh số quảng cáo ngoài trời bằng băng rôn do Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch quản lý. Vì thế, nếu dự án Luật quảng cáo giao chức năng quản lý Nhà nước ngành Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch thì ngành này sẽ  phải thiết lập bộ máy từ Trung ương tới địa phương để quản lý. Để tránh tình trạng một trạng báo hai bộ phải đọc, gây lãng phí lớn nhân lực, đề nghị giao quản lý quảng cáo cho Bộ Thông tin-Truyền thông.

 

Đại biểu Nguyễn Thị Bạch Ngân (Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo như dự thảo là chưa đủ, còn chung chung và chưa làm rõ trách nhiệm của từng đối tượng đối với chất lượng sản phẩm được quảng cáo. Để bảo vệ quyền lợi của người tiếp nhận quảng cáo, đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể đối tượng có trách nhiệm bồi thường do quảng cáo sai sự thật gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Trước hết, trách nhiệm đó thuộc về tổ chức, cá nhân quảng cáo, nhưng cũng không thể thiếu trách nhiệm của cơ quan, tổ chức phát hành quảng cáo bởi người tiêu dùng đặt lòng tin vào uy tín của họ để mua sản phẩm.

 

Đồng tình với đại biểu Nguyễn Thị Bạch Ngân, đại biểu Triệu Thị Nái (Hà Giang) cũng cho rằng, quy định về xử lý kỷ luật đối với cá nhân vi phạm trong dự thảo chưa rõ về hình thức, mức độ; Đại biểu đề nghị cần quy định rõ hơn nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại của người quảng cáo, người kinh doanh quảng cáo, người cho thuê quảng cáo..., trình tự, thủ tục bồi thường ra sao? Đại biểu Dương Hoàng Hương (Phú Thọ) đề nghị bổ sung một số hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo như: cấm sử dụng thông tin đời tư khi chưa được sự đồng ý, trừ trường hợp pháp luật cho phép. Đây là quy định cần thiết nhằm bảo đảm quyền công dân, tránh lạm dụng khai thác thông tin riêng của cá nhân vì mục đích quảng cáo, nhất là quảng cáo thương mại, đồng thời cần cấm quảng cáo bằng gửi email và điện thoại di động cá nhân khi chưa được sự đồng ý trước đó của người nhận.
Theo đại biểu Dương Hoàng Hương, trách nhiệm đối với sản phẩm quảng cáo và trách nhiệm đối với phát sinh thiệt hại do hành vi quảng cáo không đúng sự thật trong dự thảo vẫn chưa rõ ràng. Đại biểu cho rằng, dự thảo chưa quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ cụ thể của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, phát hành quảng cáo trong trường hợp sản phẩm quảng cáo không đúng sự thật, gây thiệt hại cho người tiếp nhận quảng cáo và quảng cáo sử dụng các so sánh không phù hợp quy định, gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp khác kinh doanh cùng loại hàng hóa dịch vụ. Đại biểu đề nghị cần quy định rõ các nghĩa vụ này, ví dụ đính chính với thời lượng tương ứng với thời lượng đã phát hành quảng cáo sai trên chính các phương tiện đã sử dụng để phát hành quảng cáo sai đó; xin lỗi công khai; xác định nguyên tắc bồi thường và khung xử phạt tính trên thiệt hại gây ra cho người tiếp nhận quảng cáo và doanh nghiệp chịu hậu quả. Luật cũng cần xác định rõ trách nhiệm liên đới giữa người quảng cáo, kinh doanh dịch vụ quảng cáo, phát hành quảng cáo khi để xảy ra quảng cáo sai sự thật; xác định rõ quyền được khởi kiện, khiếu nại của người tiếp nhận quảng cáo trong trường hợp quảng cáo sai sự thật đã mua sản phẩm dẫn đến thiệt hại vật chất và các hậu quả xấu khác.

 

Nhiều đại biểu cũng chưa đồng tình với việc bỏ thủ tục cấp giấy phép, tăng cường hậu kiểm đối với quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng rôn bởi loại hình quảng cáo này tại hầu hết các đô thị hiện nay đang diễn ra phức tạp, tình trạng lộn xộn, mất mỹ quan rất phổ biến. Trong khi đó, điều kiện căn bản nhất để bỏ quy định cấp giấy phép quảng cáo ngoài trời là có quy hoạch quảng cáo thì chưa đầy đủ. Theo đại biểu Nguyễn Văn Minh, quy hoạch quảng cáo ngoài trời hiện nay chưa đồng bộ tại nhiều tỉnh, thành phố và có biến động theo sự phát triển của đô thị, cần cân nhắc việc bỏ thủ tục cấp phép.

 

Đại biểu Đinh Thị Mai Lan (Cao Bằng) và đại biểu Dương Hoàng Hương đề nghị, cần tách bạch giữa hoạt động quảng cáo và các hoạt động giới thiệu sản phẩm công ích và cho rằng, giới thiệu chính sách xã hội là việc làm có mục đích phổ biến, cung cấp thông tin để người dân hiểu rõ về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, từ đó đáp ứng yêu cầu tìm hiểu, nhận thức, tạo được sự đồng thuận của người dân, nâng cao việc chấp hành. Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc), Đinh Thị Mai Lan, Nguyễn Văn Minh và nhiều đại biểu khác đề nghị cần có quy định cấm những quảng cáo mang tính định kiến giới, bất bình đẳng đối với phụ nữ, hiện khá phổ biến trong các quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng hiện nay.

 

Về cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo, đa số các đại biểu đề nghị giao Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm bởi mục đích chính của công tác quản lý hoạt động quảng cáo là quản lý nội dung sản phẩm quảng cáo. Mỗi sản phẩm quảng cáo ngoài việc bảo đảm thông tin chính xác còn cần phải hàm chứa yếu tố văn hóa, thẩm mỹ phù hợp với các chuẩn mực đạo đức và thuần phong mỹ tục của nước ta.

 

Trong buổi thảo luận sáng nay, nhiều đại biểu cũng cho ý kiến về hình thức quảng cáo, các hành vi cấm quảng cáo, quy định quảng cáo đối với độ cồn trong rượu, bia….

 

BTV (tổng hợp từ TTXVN, VOV)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek