Thứ Sáu, 11/10/2024 15:23 CH
Kỳ họp thư hai, Quốc hội khóa XIII:
Giao quyền tự chủ gắn với tăng kiểm định đại học
Thứ Ba, 15/11/2011 11:10 SA

* Quốc hội thông qua Nghị quyết phân bổ ngân sách năm 2012

 

Trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục đại học, kiểm định chất lượng giáo dục, thiết chế Hội đồng trường… là những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận tại Hội trường chiều 14/11.

 

QH-111115.jpg
Ông Lê Văn Học, đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, phát biểu ý kiến - Ảnh: TTXVN

 

Nhiều đại biểu cho rằng quy định quyền tự chủ cho các đại học còn quá khắt khe Dẫn lời một giáo sư đã đóng góp cho Luật giáo dục đại học là “nghe có vẻ thoáng nhưng quy định cụ thể lại không như vậy”, đại biểu nêu dẫn chứng: Chương IV dự thảo Luật về hoạt động đào tạo có 6 điều thì có tới 5 điều quy định thẩm quyền cho Bộ trưởng quy định, từ mở ngành, chuyên ngành đào tạo, chỉ tiêu tuyển sinh và tổ chức tuyển sinh, chương trình, giáo trình đến tổ chức và quản lý đào tạo, văn bằng giáo dục đại học. Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP Hồ Chí Minh) cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn tham gia quá sâu vào chương trình đào tạo, quy chế thi, cấp văn bằng, nhân sự… như Điều 62 dự thảo Luật là không cần thiết.

 

Còn các đại biểu Lê Văn Học, Nguyễn Văn Tuyết, Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh), Phạm Thị Trung (Kon Tum) thì cho rằng quyền tự chủ là vấn đề trọng tâm, cần thiết, Luật cần quy định chi tiết hơn về lộ trình thực hiện quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học và việc kiểm tra, giám sát cũng như chế tài xử lý vi phạm và các điều kiện để bảo đảm thực hiện được quyền tự chủ này. Các đại biểu cũng cho rằng, trước mắt chỉ nên giao cho cơ sơ đủ năng lực, đồng thời ban hành quy định về tiêu chí nào, tiêu chuẩn nào thì được giao quyền tự chủ và tự chủ ở mức nào. Không chờ đến khi Luật ra đời mới làm mà phải vận dụng nền pháp lý đang có để thực hiện từng bước, từng phần giao quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục đại học.

 

Các đại biểu cho rằng tăng quyền tự chủ nhưng phải tăng cường kiểm định chất lượng giáo dục, không chỉ sử dụng quyền lực kiểm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo mà cần có sự tham gia của cả các tổ chức, hiệp hội ngành nghề chuyên môn. Đại đa số các đại biểu đề xuất việc kiểm định chất lượng đối với các cơ sở giáo dục đại học là điều bắt buộc nhằm giúp các trường nâng cao chất lượng. Nhiều đại biểu cũng đề nghị cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục phải là đơn vị độc lập với cơ quan quản lý nhà nước. Luật cần bổ sung cơ chế chế tài đối với những hành vi vi phạm về kiểm định chất lượng giáo dục đốivới cơ sở giáo dục đại học và cả những tổ chức thực hiện việc kiểm định để đảm bảo công bằng giữa các cơ sở giáo dục. Có ý kiến cho rằng kiểm định chất lượng giáo dục thực tiễn chỉ có độc lập và phi lợi nhuận mới có hiệu quả, do vậy cần thành lập các tổ chức kiểm định độc lập ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam.

 

Đóng góp cho nội dung về Hội đồng trường, đại biểu Lê Văn Học (Lâm Đồng) nhận định quy định về Hội đồng trường như trước đây không có tác dụng nhiều, cái gì cũng xin phép nhà nước. Nếu thực hiện tăng quyền tự chủ thì phải có Hội đồng để thực hiện giám sát toàn bộ hoạt động của Nhà trường. Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng Luật chưa quy định cụ thể về cơ cấu, thành phần, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu hoạt động của Hội đồng trường, việc bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên Hội đồng trường, mối quan hệ giữa Hội đồng trường, hiệu trưởng và các tổ chức khác. Nhiều đại biểu cũng đồng tình không nên quy định Giám đốc hoặc Hiệu trưởng kiêm Chủ tịch Hội đồng trường vì liên quan đến hoạt động giám sát của Hội đồng trường.

 

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định sau phiên họp, dự án Luật sẽ tiếp tục được thảo luận kỹ, tiếp thu tối đa các ý kiến để có thể thông qua tại kỳ họp sau. Quốc hội giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị đại biểu chuyên trách mời thành viên của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tổ chức hội nghị vào đầu 2012 để tiếp tục lấy ý kiến và tổ chức các hội thảo lắng nghe thêm ý kiến của các chuyên gia và nhà giáo.

 

Trước đó, vào đầu buổi chiều, các đại biểu đã nghe báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2012, nghe và biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2012. Với 82,4% đại biểu tán thành, thông qua Nghị quyết của Quốc hội về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2012.. Theo đó, tổng số thu cân đối của Ngân sách Trung ương (NSTW) là 493.675 tỉ đồng, tổng số thu cân đối ngân sách địa phương là 269.225 tỉ đồng

 

Tổng số chi cân đối NSTW 633.875 tỉ đồng, trong đó có 151.633 tỉ đồng bổ sung cân đối, bổ sung có mục tiêu từ NSTW cho ngân sách địa phương (chưa bao gồm khoản 820 tỉ đồng hỗ trợ vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng du lịch và 2.097 tỉ đồng hỗ trợ vốn đầu tư cho các dự án, công trình cấp bách cho từng địa phương quy định trong Nghị quyết).

 

Đáng chú ý, dự toán chi NSTW năm 2012 dành 43.300 tỉ đồng cho thực hiện cải cách tiền lương,

Chi cho phát triển các sự nghiệp KT-XH, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính 277.132 tỉ đồng, chi cho đầu tư phát triển 526.132 tỉ đồng…

 

Nghị quyết giao Chính phủ triển khai nhiệm vụ thu, chi ngân sách với mức phân bổ NSTW cho từng bộ, ngành, các cơ quan Trung ương và từng tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

 

Về hỗ trợ vốn đầu tư cho các dự án, công trình cấp bách của địa phương, NSTW tập trung hỗ trợ một phần vốn đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đối với các tỉnh có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn chỉ cân đối được ngân sách địa phương  từ 50% trở xuống, ưu tiên các tỉnh Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ; hỗ trợ đầu tư các dự án, công trình theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

 

Trên cơ sở các tiêu chí này Chính phủ rà soát, xây dựng phương án phân bổ 2.097 tỉ đồng vốn hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ bản cho từng địa phương.

 

Trước đó, khi giải trình tiếp thu ý kiến của đại biểu tại hội trường , một số ý kiến đề nghị  NSTW  không nên chỉ tập trung hỗ trợ cho các tỉnh có cân đối được ngân sách địa phương từ 50% trở xuống mà cần mở rộng hơn nữa diện được hỗ trợ cho các tỉnh đang nhận số bổ sung  từ NSTW, các tỉnh Bắc trung bộ có nguồn thu thấp.

 

Nhất trí với đa số ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng không nên mở rộng phạm vi hỗ trợ vì một trong những định hướng cơ bản của tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó có tái cấu trúc đầu tư công là chính sách đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm, tránh đầu tư dàn trải. Do vậy, nếu  mở rộng phạm vi hỗ trợ sẽ dẫn đến phân tán nguồn lực, hơn nữa các địa phương nằm trong diện hỗ trợ là những khu vực còn rất khó khăn so với nhiều khu vực khác

 

Cũng theo Nghị quyết về hỗ trợ vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng du lịch của địa phương, trên cơ sở đánh giá tính cấp bách, mức độ cần thiết hỗ trợ, Chính phủ xây dựng nguyên tắc, tiêu chí, phương án phân bổ 820 tỉ đồng vốn hỗ trợ đầu tư cho từng địa phương, bảo đảm việc phân bổ  vốn tập trung, tringh Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trước ngày 31/12/2011.

 

Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành các cơ quan Trung ương và UBND các cấp quyết định giao dự án thu, chi ngân sách nhà nước năm 2012 đến từng đơn vị trước ngày 31/12/2011.

 

H.N (tổng hợp từ TTXVN, chinhphu.vn)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek