Nhân Kỷ niệm 76 năm Ngày thành lập Hội Nông dân (HND) Việt Nam (14/10/1930 –14/10/2006), Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Phạm Ngọc Chi đã có cuộc trao đổi với Báo Phú Yên về phong trào nông dân và vai trò hoạt động của các cấp HND trong thời kỳ xây dựng công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đánh giá:
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Chi
Trong 3 năm qua, Thủ tướng Chính phủ đã tặng cờ thi đua xuất sắc cho HND Phú Yên. Điều đó đã xác nhận thành tích hoạt động của hội và các phong trào nông dân trong tỉnh luôn đạt hiệu quả, toàn diện và vững chắc. Cuộc vận động nông dân xóa đói giảm nghèo, xây dựng nếp sống văn hóa, xây dựng cơ sở hạ tầng… của các cấp HND đã góp phần làm thay đổi hẳn bộ mặt nông thôn, đời sống vật chất và tinh thần của nông dân được nâng lên rõ rệt. Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, các cấp HND đã kịp thời nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của nông dân để phản ảnh, đề xuất cho Đảng, chính quyền giải quyết những yêu cầu của nông dân, bảo vệ được quyền và lợi ích chính đáng cho nông dân. Động viên, cổ vũ những điển hình tiên tiến, sản xuất giỏi, vận động nông dân thực hiện tốt công tác đền bù, giải toả; xoá nhà tạm cho các gia đình chính sách, gia đình quá khó khăn… Hội đã tập trung mọi nguồn lực đẩy mạnh các phong trào nông dân thi đua phát triển các làng nghề truyền thống, tạo việc làm mới giúp nông dân có thu nhập, góp phần thực hiện chương trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Tuy nhiên, công tác xây dựng Hội và phong trào nông dân có lúc, có nơi vẫn còn một số mặt hạn chế. Đó là việc phối hợp thực hiện các nghị quyết liên tịch giữa HND với các ngành, một số nơi chưa quan tâm đúng mức, còn mang tính hình thức. Công tác tuyên truyền, vận động và giáo dục chính trị tư tưởng của Hội cơ sở chưa triển khai kịp thời và sâu sắc. Tình hình khiếu kiện của công dân, trong đó số đông là nông dân còn nhiều diễn biến rất đa dạng và phức tạp. Một số cơ sở Hội chưa quan tâm đến việc chăm lo và bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên nông dân ở nông thôn.
* Phát động phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi (SX-KDG) là một chương trình trọng tâm và là mục tiêu lớn, lâu dài của các cấp Hội. Vậy theo đồng chí, HND Phú Yên cần làm gì để phát triển mạnh chương trình này?
- Phong trào nông dân thi đua SX-KDG đã thật sự đi vào cuộc sống của nông dân, làm biến đổi sâu sắc kinh tế-xã hội ở khắp các vùng nông thôn, hộ khá giàu ngày càng tăng, hộ nghèo đói ngày càng thu hẹp, giải quyết được việc làm ổn định cho trên 7 vạn nông dân. Số hộ nông dân của tỉnh đạt danh hiệu SX-KDG hàng năm tăng từ 5% trở lên với gần 1.000 hộ đạt danh hiệu SX-KDG cấp quốc gia, nhờ đó mức thu nhập của các hộ cũng tăng lên rõ rệt, xuất hiện ngày càng nhiều những điển hình, mô hình SX-KDG đạt hiệu quả kinh tế cao.
Trong thời gian tới, Hội cần có biện pháp triển khai phong trào SX-KDG cụ thể hơn, phù hợp hơn với từng vùng, nhất là vùng khó khăn, nhiều vùng dân tộc thiểu số. Đặc biệt hướng tới giải pháp giúp cho nông dân tiếp thu được KHKT tiên tiến để áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi và làm nhiều mô hình sản xuất hàng hóa đạt hiệu quả cao. Tôi cho rằng cần vận động những hộ SX-KDG làm lực lượng nòng cốt để thực hiện phong trào xây dựng cánh đồng đạt 50 triệu đồng/ha và hộ nông dân thu nhập 50 triệu đồng/năm”. Cần phát động phong trào nông dân làm giàu từ các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, làm mây tre lá xuất khẩu, chế biến nông, thủy sản… ở các vùng nông thôn. Các cấp hội cần bám sát các vùng nông thôn giúp đỡ cho các hộ nghèo biết cách làm ăn và vươn lên làm giàu; vận động hộ giàu trợ giúp vốn, kỹ thuật cho các hộ nghèo có điều kiện sản xuất. Có như thế, phong trào nông dân thi đua SX-KDG mới ngày càng lớn mạnh, bền vững lâu dài.
* Trong thời kỳ công nghiệp hoá – hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, các cấp HND cần làm gì để làm nòng cốt trong các phong trào vận động nông dân tích cực tham gia phát triển kinh tế, văn hoá-xã hội và an ninh quốc phòng, thưa Chủ tịch?
- Các cấp Hội cần có các biện pháp khắc phục có hiệu quả những mặt tồn tại, hạn chế, tiếp tục nâng cao năng lực, đổi mới phương phức, nội dung hoạt động, nhằm đa dạng hóa các hình thức tập hợp mọi tầng lớp nông dân, đáp ứng yêu cầu sản xuất, đời sống hội viên, nông dân, xây dựng nông thôn mới. Hội phải nắm chắc tình hình nông nghiệp, nông thôn, chủ động và có chính kiến đề xuất với cấp ủy, chính quyền những chủ trương, biện pháp đáp ứng những đòi hỏi chính đáng của nông dân. Các cấp Hội cần xem công tác xây dựng Hội là nhiệm vụ then chốt, bám sát cơ sở Hội, trong đó lấy chi, tổ Hội là đơn vị hành động của Hội.
Để nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống ở nông thôn và thực hiện tốt mục tiêu CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn, tổ chức HND phải làm nòng cốt trong các phong trào nông dân phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nông thôn mới. Các cấp HND trong tỉnh phối hợp với các cấp chính quyền tích cực tham gia việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; phát triển làng nghề nhằm tạo ra việc làm mới, xoá đói giảm nghèo, chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn, nâng cao dân trí. Phát động phong trào nông dân SX-KDG, tập trung sản xuất và chế biến các loại nông sản hàng hóa xuất khẩu có lợi thế của từng vùng với quy mô hợp lý, xây dựng cánh đồng 50 triệu đồng/ha. Phát triển nhanh công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, dịch vụ ở nông thôn. Đặc biệt Hội chủ động phối hợp liên kết với 4 nhà: Nhà nước (nhà quản lý), nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông (người sản xuất) trong việc nghiên cứu ứng dụng, đưa tiến bộ KHKT công nghệ vào sản xuất, coi đây là khâu đột phá quan trọng nhất để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn. Cần đẩy mạnh hoạt động của trung tâm dịch vụ việc làm Hội nông dân tỉnh; tổ chức dạy nghề cho nông dân theo qui định, phối hợp các ngành có chức năng giới thiệu, tìm việc làm, tham gia xuất khẩu lao động cho hội viên, con em nông dân…
Thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, Hội tiếp tục vận động nông dân phát huy các nguồn lực, góp công, góp của xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, xây dựng các công trình phục vụ sản xuất và dân sinh. Các cấp Hội phát huy dân chủ, tăng cường đoàn kết, góp phần ổn định chính trị - xã hội nông thôn; chủ động phối hợp với UBND cùng cấp xây dựng Quy chế dân chủ ở nông thôn, xây dựng gia đình văn hóa, thôn, buôn văn hóa, để mọi mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ nông dân phải được hòa giải hoặc giải quyết ngay tại cơ sở và kiên quyết đấu tranh đẩy lùi các tệ nạn xã hội.
NGUYÊN LƯU (thực hiện)