Thứ Ba, 01/10/2024 06:37 SA
Chương trình hành động của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí
Thứ Hai, 09/10/2006 07:45 SA

Quán triệt, thực hiện nghị quyết đại hội X, Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X), Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, Tỉnh ủy đề ra chương trình hành động về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí như sau:

 

PHẦN THỨ I

MỤC TIÊU VÀ QUAN ĐIỂM

 

1- Mục tiêu:

 

Ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí; tạo bước chuyển biến rõ rệt để giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế – xã hội; củng cố lòng tin của nhân dân; xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; đội ngũ cán bộ, công chức kỷ cương, liêm chính.

 

2- Quan điểm:

 

- Đảng lãnh đạo chặt chẽ công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của toàn dân; thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự.

 

- Phòng, chống tham nhũng, lãng phí phải phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, củng cố hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.

 

- Vừa tích cực, chủ động phòng ngừa vừa kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, trong đó phòng ngừa là chính. Gắn phòng, chống tham nhũng, lãng phí với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát huy dân chủ, thực hành tiết kiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, chống quan liêu.

 

- Phòng, chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ vừa cấp bách vừa lâu dài; phải tiến hành kiên quyết,  kiên trì, liên tục với những bước đi vững chắc, tích cực và có trọng tâm, trọng điểm.

 

- Kế thừa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, chú trọng tổng kết thực tiễn và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các địa phương trong nước.

 

PHẦN THỨ II

NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

 

1- Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của đảng viên, cán bộ, công chức và nhân dân về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí:

 

- Các cấp ủy đảng trong toàn tỉnh tiến hành cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” về “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”, tạo nên phong trào tự tu dưỡng, rèn luyện, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và tệ tham nhũng, lãng phí trong cán bộ, đảng viên và trong xã hội. Đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, phải nêu gương về đạo đức, lối sống và kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí. Thời gian thực hiện cuộc vận động bắt đầu từ ngày 22/12/2006 đến ngày 19/5/2007.

 

- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến quan điểm, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Đưa nội dung giáo dục thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí vào chương trình giảng dạy của trường chính trị tỉnh, các trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện từ đầu năm 2007. Đối với các trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh thực hiện theo quy định của Bộ Giáo dục – đào tạo.

 

- Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng và các cơ quan chức năng chủ động cung cấp thông tin cho báo chí. Các phương tiện thông tin đại chúng trong tỉnh phát huy vai trò tích cực của mình trong việc phát hiện và đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, xây dựng chuyên mục phòng, chống tham nhũng, lãng phí trên báo, đài; việc đưa tin phải đảm bảo trung thực, khách quan, xây dựng, không được thông tin một chiều, mang tính kích động, gây hoang mang hoặc qui kết về tội danh, mức án trước khi xét xử; việc đưa tin sai sự thật, vu cáo, bịa đặt gây hậu quả xấu sẽ bị xử lý nghiêm.

 

Kịp thời khen thưởng, biểu dương gương người tốt, việc tốt và những tập thể, cá nhân có thành tích đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí.

 

2- Nâng cao tính tiên phong, gương mẫu của tổ chức đảng và đảng viên, tăng cường vai trò của chi bộ trong quản lý, giáo dục đảng viên:

 

Các cấp ủy đảng và đảng viên, cán bộ, công chức phải đề cao tinh thần tự tôn, tự hào về dân tộc, về truyền thống cách mạng của Đảng bộ, quê hương để tu dưỡng bản thân, đi đầu trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

 

Các chi bộ đảng thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, giáo dục, nắm chắc việc thực hiện nhiệm vụ và các quan hệ xã hội của đảng viên trong chi bộ mình, kịp thời xử lý những trường hợp vi phạm.

 

Trường hợp có hành vi tham nhũng, lãng phí cần được xử lý thì các cấp ủy đảng phải tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan chức năng thực thi pháp luật, đồng thời lãnh đạo cơ quan, đơn vị hoàn thành nhiệm vụ chính trị; thực hiện nghiêm túc kết luận xử lý gắn với củng cố nội bộ.

 

Nâng cao tính chiến đấu, thực hiện dân chủ, công khai trong tự phê bình và phê bình theo phương châm: “trên trước, dưới sau, trong trước, ngoài sau”. Công khai kết quả tự phê bình, kiểm điểm. Đưa nội dung về phòng, chống tham nhũng, lãng phí thành một trong những tiêu chí quan trọng trong nhận xét, đánh giá tổ chức cơ sở đảng và đảng viên định kỳ hàng năm.

 

Các cấp ủy đảng lãnh đạo hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân và các tổ chức chính trị – xã hội, xã hội – nghề nghiệp đối với hoạt động của các cơ quan, công chức Nhà nước, phát hiện và tố giác tham nhũng, lãng phí; thực hiện tốt phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trên tất cả các địa bàn dân cư, lĩnh vực, nhất là trong các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực. Hàng năm, cán bộ chủ chốt cấp xã phải trực tiếp tự phê bình và phê bình trước đại diện nhân dân do Mặt trận tổ quốc tổ chức.

 

Các cấp ủy đảng phải xây dựng và thực hiện cơ chế chất vấn trong sinh hoạt đảng đối với tổ chức đảng cấp mình.

 

3 – Tiếp tục hoàn thiện công tác cán bộ phục vụ phòng, chống tham nhũng, lãng phí:

 

- Chấn chỉnh công tác thi tuyển, tiếp nhận cán bộ, công chức; chú trọng công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý tham nhũng trong các lĩnh vực trên. Thực hiện nghiêm qui định về việc những người có quan hệ gia đình không được cùng làm một số công việc dễ xảy ra tham nhũng. Thực hiện nghiêm túc các chủ trương về chuyển đổi vị trí công tác trong hệ thống chính trị.

 

Thí điểm tiến tới mở rộng thi tuyển công khai một số chức danh cán bộ quản lý cấp phòng, người đứng đầu bệnh viện, trường học và doanh nghiệp của Nhà nước. Việc đề bạt, bổ nhiệm, bố trí cán bộ phải có qui trình chặt chẽ; cán bộ, công chức dự kiến được đề bạt, bổ nhiệm, phải trình bày chương trình hành động trước khi ghi phiếu tín nhiệm. Kiên quyết không sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu tái cử những người tham nhũng, lãng phí hoặc bao che, tiếp tay cho tham nhũng, lãng phí. Xem xét, xử lý trách nhiệm người giới thiệu, người đề bạt, bổ nhiệm cán bộ đã biết nhưng bao che hành vi tham nhũng, lãng phí của người được đề bạt, bổ nhiệm.

 

Sửa đổi và bổ sung về phân cấp quản lý cán bộ theo hướng tăng quyền hạn cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức gắn với trách nhiệm cá nhân trong việc lựa chọn, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cấp phó và cán bộ cấp dưới trực tiếp trên cơ sở thảo luận dân chủ trong tập thể lãnh đạo. Thực hiện qui định về xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra tham nhũng, lãng phí nghiêm trọng, về miễn nhiệm, bãi nhiệm, cho từ chức, tạm đình chỉ chức vụ người có dấu hiệu tham nhũng để thanh tra, kiểm tra, điều tra. Khuyến khích việc chủ động từ chức vì lý do trách nhiệm.

 

- Thực hiện giao quyền tự chủ về tài chính, biên chế và giao khoán tự chủ tài chính cho các cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp theo đề án của UBND tỉnh, tiến tới thực hiện với tất cả các cơ quan, đơn vị trong tỉnh.

 

Các đơn vị làm nhiệm vụ cung ứng dịch vụ công cộng được chủ động nâng cao thu nhập chính đáng cho đội ngũ công chức, viên chức trên cơ sở bảo đảm cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho mọi công dân và công khai việc thu các khoản phí tương xứng với chất lượng dịch vụ được người thụ hưởng chấp nhận.

 

- Thực hiện kịp thời chế độ cải cách tiền lương theo qui định.

 

Thực hiện thí điểm và tiến tới thực hiện cơ chế trả lương và các khoản thu nhập khác của cán bộ, công chức qua tài khoản mở tại ngân hàng, kho bạc, trước hết là ở những nơi có điều kiện. Khuyến khích cán bộ, công chức chuyển các khoản tiền tích lũy vào tài khoản.

 

- Bảo đảm minh bạch tài sản, thu nhập của đảng viên, cán bộ, công chức.

 

Thực hiện nghiêm việc kê khai tài sản và xác minh bản kê khai theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng. Đối với đảng viên là cán bộ, công chức thuộc diện kê khai tài sản theo qui định của Luật phòng, chống tham nhũng phải công khai trong chi bộ bản kê khai. Đối với cấp ủy viên, ngoài việc công khai trong chi bộ bản kê khai còn phải công khai trong cấp ủy; phải giải trình nguồn gốc tài sản của mình theo yêu cầu của tổ chức đảng có thẩm quyền; trường hợp không giải trình được một cách minh bạch, hợp lý thì bị xem xét kỷ luật về Đảng, chính quyền, đoàn thể.

 

- Thực hiện qui tắc ứng xử nhằm bảo đảm sự liêm chính của đảng viên, cán bộ, công chức.

 

Thực hiện nghiêm túc Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các văn bản dưới luật.

 

Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp căn cứ các qui định trên để xây dựng kế hoạch cụ thể về thực hiện tiết kiệm ở đơn vị mình, tập trung vào các nội dung sau đây:

 

+ Thực hiện nghiêm qui định cấm sử dụng công quỹ để làm quà tặng, chiêu đãi, tiếp khách không đúng quy định. Thực hiện qui tắc ứng xử về những trường hợp được tặng quà và nhận quà; khuyến khích việc từ chối nhận quà và tự giác nộp lại cho cơ quan có thẩm quyền.

 

+ Thực hiện đầy đủ các qui tắc ứng xử trong quan hệ giữa người thực hiện công vụ với công dân, tổ chức, doanh nghiệp là đối tượng quản lý; giữa người lãnh đạo, quản lý đối với cán bộ cấp dưới; giữa cán bộ, công chức của cơ quan cấp trên với cán bộ, công chức của cơ quan cấp dưới; nghĩa vụ công chức phải khước từ các ưu ái dành cho bản thân và gia đình.

 

+ Vận động thực hiện qui tắc ứng xử trong tổ chức việc cưới, việc tang, mừng nhà mới, sinh nhật, về bằng cấp, học hành, học vị, danh hiệu thi đua khen thưởng.

 

4- Bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước, tổ chức, đơn vị:

 

- Thực hiện nghiêm các qui định về công khai, minh bạch trong quá trình ra quyết định, bao gồm cả chính sách, văn bản qui phạm pháp luật và quyết định giải quyết vụ việc cụ thể của cơ quan Nhà nước các cấp.

 

- Trên cơ sở hướng dẫn của Trung ương, rà soát lại các văn bản mật để thực hiện tốt chủ trương công khai hóa việc thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn sử dụng lao động, ngân sách và tài sản công.

 

- Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế, xã hội:

 

+ Thực hiện nghiêm các quy định về quản lý và sử dụng đất đai, công sở; bảo đảm công khai, minh bạch trong quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai, công sở. Nghiêm cấm việc tùy tiện sửa đổi quy hoạch. Rà soát, đánh giá hiệu quả sử dụng đất, công sở; khắc phục tình trạng quy hoạch, giải phóng mặt bằng, xây dựng dự án chậm trễ, kéo dài. Đất và công sở sử dụng không đúng mục đích, kém hiệu quả phải bị thu hồi để chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc bán đấu giá.

 

Đối với quỹ đất dành cho các dự án kinh doanh hạ tầng đô thị, trung tâm thương mại, nhà ở, các cơ sở dịch vụ có vị trí kinh doanh thuận lợi, nhất thiết phải thực hiện cơ chế đấu thầu công khai quyền sử dụng đất; thực hiện nghiêm các chính sách, pháp luật, tài chính về đất đai, đăng ký bất động sản.

 

Soát xét lại việc thực hiện các chính sách về đất đai, nhà ở của cán bộ, công chức. Các sở, ngành phụ trách các lĩnh vực trọng điểm như: Đất đai, nhà ở, xây dựng cơ bản, hợp tác đầu tư, giao thầu, tài chính, các khâu cấp phép, quản lý tài sản công, quản lý vốn trong doanh nghiệp Nhà nước, hoạt động tư pháp… phải xây dựng kế hoạch cụ thể phòng, chống tham nhũng, lãng phí của sở, ngành mình.

 

+ Chấn chỉnh công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản và hoạt động mua sắm công.

 

Các cấp uỷ đảng lãnh đạo thực hiện nghiêm túc Luật Đấu thầu và Luật Xây dựng. Thực hiện công khai, minh bạch trong quyết định, chủ trương đầu tư; thực hiện nghiêm túc quy định về đầu tư xây dựng từ ngân sách Nhà nước. Người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, đơn vị tư vấn và nhà thầu không được cùng một cơ quan, đơn vị. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra trong đầu tư, xây dựng từ ngân sách Nhà nước.

 

Trong hoạt động mua sắm công phải bảo đảm công khai, minh bạch, kể cả việc công khai hóa các khoản hoa hồng từ mua sắm và trích nộp theo qui định.

+ Chấn chỉnh công tác thu, chi ngân sách.

 

Xây dựng các định mức, tiêu chuẩn, chế độ chi tiêu ngân sách, trang bị tài sản, phương tiện đi lại, thiết bị làm việc. Thực hiện công khai, dân chủ, công bằng trong việc ấn định mức thuế từ cơ sở nhằm chống tham nhũng và thất thu thuế.

 

Thực hiện cơ chế thanh toán qua ngân hàng, kho bạc đối với việc mua sắm công và các khoản thu của hải quan, thu thuế doanh nghiệp; các khoản thu, chi ngân sách được thực hiện qua hệ thống thanh toán điện tử của kho bạc Nhà nước.

 

+ Chấn chỉnh tình hình một số cơ quan, đơn vị buông lỏng kỷ luật lao động, lãng phí thời gian. Thực hiện nghiêm Quyết định số: 114/2006/QĐ-TTg ngày 25/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ qui định chế độ họp trong hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước.

 

+ Thực hiện đổi mới, sắp xếp, cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước theo lộ trình đã được Chính phủ phê duyệt. Kiểm soát chặt chẽ và kịp thời ngăn chặn tiêu cực, sai trái trong việc định giá, đấu giá tài sản của doanh nghiệp, xác định tỷ lệ giá trị tài sản của Nhà nước trong giá trị tài sản doanh nghiệp cổ phần; công khai hóa việc mua bán cổ phần của doanh nghiệp được chuyển đổi; tăng cường quản lý vốn, tài sản Nhà nước và nhân sự tại doanh nghiệp. Xây dựng và thực hiện cơ chế giám sát tài chính, phát huy quyền giám sát của người lao động trong các doanh nghiệp.

 

Nghiêm cấm đối với những người được giao quản lý các doanh nghiệp có vốn Nhà nước thực hiện các giao dịch kinh doanh với doanh nghiệp thuộc sở hữu của người thân.

 

5- Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử hành vi tham nhũng:

 

Tập trung kiểm tra, thanh tra, kiểm toán một số lĩnh vực trọng điểm như: Đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, thu – chi ngân sách, quản lý tài sản công và hệ thống ngân hàng thương mại. Thành lập các đoàn công tác liên ngành giữa ủy ban kiểm tra của Đảng với thanh tra, công an, kiểm sát để phối hợp xử lý các vụ tham nhũg, lãng phí nghiêm trọng. Công khai kết quả xử lý của các đoàn công tác này.

 

Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh chủ trì xét chọn một số vụ án điểm để tập trung lực lượng điều tra, tuy tố, xét xử kịp thời, dứt điểm; đồng thời chỉ đạo và hướng dẫn viện kiểm sát nhân dân huyện, thành phố phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng cấp xử lý nhanh, kịp thời, nghiêm minh các vụ án tham nhũng, lãng phí thuộc thẩm quyền.

 

Củng cố và kiện toàn các cơ quan kiểm tra của Đảng, thanh tra từ tỉnh đến cơ sở đủ sức thực hiện nhiệm vụ. Các cơ quan thanh tra tỉnh, huyện và thành phố tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ thanh tra công vụ. Đổi mới công tác kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng và cơ quan Nhà nước cấp trên đối với tổ chức đảng và cơ quan Nhà nước cấp dưới, nhất là việc kiểm tra, giám sát hoạt động của người đứng đầu và các chức danh chủ chốt.

 

Củng cố, kiện toàn Ban Thanh tra Quốc phòng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, thanh tra của bộ đội Biên phòng tỉnh và các cơ quan thanh tra, điều tra của Công an tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng, lãng phí nói chung và trong các lực lượng vũ trang nói riêng. Tăng cường cán bộ có phẩm chất, năng lực đủ sức đảm đương nhiệm vụ.

 

Có cơ chế bảo vệ và khen thưởng về vật chất và tinh thần cho người tố cáo tham nhũng, lãng phí; nghiêm trị những hành động trù dập, trả thù người tích cực đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí.

 

Người có hành vi tham nhũng phải bị xử lý kiên quyết, kịp thời, nghiêm minh về trách nhiệm chính trị, hành chính hoặc hình sự, bất kể người đó là ai và ở cương vị nào. Những đảng viên có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí, uy tín giảm sút, dù cơ quan chức năng chưa kết luận được, cấp ủy vẫn phải xem xét, cân nhắc bố trí công việc khác cho phù hợp.

 

Chú trọng thu hồi tài sản tham nhũng. Áp dụng chính sách khoan hồng đối với những người phạm tội nhưng có thái độ thành khẩn, đã bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả kinh tế, hợp tác tốt với cơ quan chức năng. Trừng trị nghiêm khắc những đối tượng tham nhũng có tổ chức, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

 

Khi phát hiện đảng viên thuộc diện cấp ủy quản lý có dấu hiệu tham nhũng thì các cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp xử lý theo thẩm quyền, chịu trách nhiệm trước pháp luật và tổ chức đảng về quyết định của mình, đồng thời phải kịp thời báo cho cấp ủy đảng quản lý đảng viên đó biết.

 

6- Xây dựng cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tăng cường giám sát của nhân dân và cơ quan dân cử:

 

- Thành lập Ban chỉ đạo của tỉnh về phòng, chống tham nhũng, lãng phí có bộ phận chuyên trách theo chỉ đạo của Trung ương để làm tốt nhiệm vụ tham mưu, đề xuất chính sách, trực tiếp chỉ đạo, phối hợp kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và chỉ đạo xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, lãng phí nghiêm trọng.

 

- Tăng cường giám sát của nhân dân và cơ quan dân cử.

 

Hàng năm, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và Hội đồng nhân dân các cấp nghe báo cáo và thảo luận, chất vấn về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

 

Tăng cường công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức quần chúng; chú trọng kiểm tra, thanh tra, giám sát việc sử dụng các quỹ từ thiện, nhân đạo.

 

Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Qui chế dân chủ ở cơ sở gắn với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; nâng cao hiệu quả của công tác thanh tra nhân dân, khắc phục bệnh hình thức.

 

PHẦN THỨ III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

 

1- Tổ chức quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X):

 

- Tỉnh ủy tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X; Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và chương trình hành động của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí đến các cấp, các ngành, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân. Trên cơ sở đó, các cấp, các ngành, mặt trận và các đoàn thể nhân dân theo chức năng, nhiệm vụ của mình xây dựng chương trình hành động cụ thể, phù hợp để thực hiện. Thời gian hoàn thành việc học tập quán triệt chậm nhất đến ngày 20/10/2006.

 

- Cùng nội dung trên, các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc tổ chức quán triệt đến các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân của địa phương mình; đồng thời chỉ đạo cấp ủy các tổ chức cơ sở đảng tổ chức quán triệt trong cán bộ, đảng viên. Thời gian hoàn thành việc học tập quán triệt đối với cấp huyện chậm nhất đến giữa tháng 11/2006; đối với cơ sở đến cuối tháng 11/2006.

 

2- Trên cơ sở nghiên cứu quán triệt Nghị quyết Trung ương 3 và Chương trình hành động này của Tỉnh ủy, các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc, các ban cán sự đảng, đảng đoàn, các cơ quan, ban ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả, tạo bước chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong nhận thức và hành động phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

 

3- Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo:

 

- UBND tỉnh căn cứ Luật phòng, chống tham nhũng và Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các qui định, hướng dẫn của Chính phủ để xây dựng các kế hoạch cụ thể của UBND tỉnh thực hiện phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

 

- Xây dựng cơ chế khen thưởng đột xuất và hàng năm đối với những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí.

 

- Chuẩn bị thủ tục thành lập Ban chỉ đạo của tỉnh về phòng, chống tham nhũng, lãng phí theo chỉ đạo của Trung ương. Hướng dẫn thực hiện, chủ trì phối hợp với các ban đảng tỉnh theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, định kỳ báo cáo Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy về tình hình thực hiện Chương trình hành động này.

 

4- Ban tổ chức Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy trên cơ sở hướng dẫn của cấp trên tham mưu cho Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành các qui định liên quan thuộc thẩm quyền của Tỉnh ủy.

 

5- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch triển khai cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; hướng dẫn các cấp ủy và các cơ quan chủ động lãnh đạo, định hướng dư luận, phát huy tác dụng tích cực của báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng trong việc tuyên truyền, giáo dục quần chúng chống tham nhũng, lãng phí; đồng thời chấn chỉnh, uốn nắn những lệch lạc trong việc đưa tin thiếu chính xác dễ dẫn đến việc bị kẻ xấu lợi dụng kích động.

 

6- Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội xây dựng kế hoạch chỉ đạo thực hiện tốt công tác giám sát, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

 

Cuối quí 2 năm 2008, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ chỉ đạo tiến hành sơ kết việc thực hiện Chương trình hành động này, thúc đẩy việc thực hiện trong những năm tiếp theo, theo chỉ đạo của Bộ Chính trị.

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek