Quán triệt, thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Tỉnh ủy đề ra Chương trình hành động về đầu tư phát triển nông nghiệp bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 như sau:
PHẦN THỨ NHẤT
KHÁI QUÁT THỰC TRẠNG ÐẦU TƯ PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VÀ NÔNG THÔN TRÊN ÐỊA BÀN TỈNH NHỮNG NĂM GẦN ÐÂY
I- NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC:
Trong 5 năm 2006-2010, tuy gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng sản xuất nông - lâm - thủy sản vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá; giá trị sản xuất tăng bình quân 4,3%/năm. Cơ cấu nội bộ ngành tiếp tục chuyển dịch tích cực, đúng hướng; đến năm 2010, tỉ trọng trồng trọt chiếm 46,3%, chăn nuôi 15%, thủy sản 34,6%, lâm nghiệp 2,3%, dịch vụ nông nghiệp 1,8%.
- Sản lượng lương thực (có hạt) bình quân hàng năm đạt ổn định trên 32 vạn tấn, cao nhất 36,4 vạn tấn (năm 2010). Vùng nguyên liệu mía, sắn đáp ứng được nhu cầu sản xuất của các nhà máy công nghiệp chế biến; diện tích cao su khoảng 2.600ha. Chăn nuôi phát triển theo quy mô thích hợp gắn với phòng chống dịch bệnh, tại thời điểm ngày 01/10/2010, tổng đàn trâu, bò 193.000 con, trong đó tỉ lệ bò lai đạt 50%, đàn lợn 131.500 con, đàn gia cầm khoảng 2,3 triệu con. Công tác bảo vệ, phát triển rừng được chú trọng hơn; thu hút được các thành phần kinh tế tham gia trồng rừng sản xuất theo hướng thâm canh. Tỉ lệ độ che phủ rừng (theo tiêu chí mới) đến năm 2010 đạt 34,9%. Năng lực khai thác thủy sản được tăng cường. Toàn tỉnh có 7.187 chiếc tàu thuyền, với tổng công suất 204.663CV, trong đó có 568 chiếc công suất trên 90CV chuyên khai thác hải sản xa bờ. Sản lượng thủy sản năm 2010 ước đạt gần 51.000 tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng 8.500 tấn. Một số đối tượng nuôi mới, hiệu quả như tôm thẻ chân trắng, tu hài, cá bớp, cá mú, rong sụn…
- Kết cấu hạ tầng ở nhiều vùng nông thôn trong tỉnh được cải thiện. Đến năm 2010, năng lực các công trình thủy lợi đảm bảo tưới chủ động khoảng 43,4% tổng diện tích gieo trồng, trong đó diện tích lúa được tưới ổn định đạt 94,1%; 100% xã có đường ôtô đến trung tâm; 405/1.375km (29,4%) đường giao thông nông thôn được kiên cố hóa; 100% thôn, xóm sử dụng điện lưới quốc gia; có hơn 88% dân cư nông thôn sử dụng nước sạch và nước hợp vệ sinh... Đầu tư xây dựng một số cụm công nghiệp, làng nghề tiểu thủ công nghiệp (có 7/18 làng nghề được công nhận); hoàn thành đưa vào sử dụng cảng cá Tiên Châu, khu neo đậu tàu thuyền vịnh Xuân Đài… tạo tác động tích cực đến phát triển sản xuất, tạo việc làm và xóa đói giảm nghèo ở nông thôn. Theo kết quả rà soát, đánh giá thực trạng nông thôn theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới tại 91/91 xã trên địa bàn tỉnh: Đến nay, có 01 xã đạt 11 tiêu chí; 04 xã đạt 08-09 tiêu chí; 28 xã đạt 05-07 tiêu chí; 58 xã đạt dưới 05 tiêu chí.
- Tổng nguồn vốn ngân sách đầu tư phát triển nông nghiệp và nông thôn 5 năm 2006-2010 khoảng 846 tỉ đồng (không kể các công trình giao thông cấp huyện trở lên, hệ thống lưới điện, bưu điện…). Đến năm 2010, tổng dư nợ cho vay phát triển nông, lâm, ngư nghiệp 2.459 tỉ đồng, tăng bình quân hàng năm (giai đoạn 2006-2010) 24,6%. Riêng dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất trong khu vực nông nghiệp theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ trong năm 2010 hơn 106 tỉ đồng.
- Giá trị sản xuất bình quân trên 1ha đất nông nghiệp tăng từ 17,4 triệu đồng/năm (năm 2006) lên 42,8 triệu đồng/năm (năm 2010); giá trị sản xuất bình quân trên 1ha mặt nước nuôi trồng thủy sản tăng từ 238,3 triệu đồng/năm (năm 2006) lên 246,7 triệu đồng/năm (năm 2010). Nhờ đó, thu nhập và đời sống nhân dân hầu hết các vùng nông thôn được cải thiện rõ rệt.
II- TỒN TẠI, HẠN CHẾ:
- Nông - lâm - ngư nghiệp tuy phát triển khá nhưng thiếu bền vững, phổ biến vẫn là sản xuất nhỏ; cơ cấu ngành chuyển dịch đúng hướng nhưng còn nặng về trồng trọt (chiếm 46,3%), chăn nuôi chiếm tỉ trọng thấp (chiếm 15%) trong cơ cấu ngành; giá trị tăng thêm trên đơn vị diện tích còn thấp.
- Cơ giới hóa các khâu sản xuất nông nghiệp và việc áp dụng các quy trình kỹ thuật sản xuất tiên tiến còn chậm. Chưa đảm bảo chất lượng giống cây trồng, vật nuôi; quản lý dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi và vệ sinh an toàn thực phẩm có mặt chưa tốt. Chưa chủ động khắc phục nguy cơ gây ô nhiễm môi trường sống tại nông thôn.
- Quản lý, bảo vệ rừng còn yếu kém, bất cập; một số dự án trồng rừng kém hiệu quả, không đạt yêu cầu chất lượng phòng hộ môi trường; chưa bảo đảm lợi ích hài hòa của dân cư gần rừng. Công nghệ khai thác và chế biến gỗ còn lạc hậu, hiệu quả sử dụng gỗ thấp; nhiều diện tích rừng tiếp tục bị chặt phá, khai thác trái phép. Chưa quản lý được tình trạng phá rừng để trồng sắn, mía tự phát đang xảy ra.
- Công nghiệp, dịch vụ nông thôn phát triển chậm, nhất là nhóm ngành, nghề chế biến nông, lâm, thủy sản. Sản xuất tiểu thủ công nghiệp lạc hậu, sức cạnh tranh của nhiều sản phẩm kém, tiêu thụ khó khăn… chưa tạo động lực để thúc đẩy việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động nông thôn.
- Sử dụng vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, nhất là các công trình thủy lợi, nước sạch nông thôn, lâm nghiệp, thủy sản… chưa hiệu quả; nhiều công trình, dự án chậm tiến độ, chất lượng thấp.
- Công tác quản lý, bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đúng mức. Việc xử lý chất thải ở các nhà máy, cơ sở sản xuất kinh doanh chưa tốt. Tỉ lệ làng nghề có hệ thống xử lý nước thải, rác thải chỉ đạt 14,2%, tỉ lệ hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh mới đạt 46,8%.
III- NGUYÊN NHÂN:
1- Nguyên nhân của thành tựu:
- Sự quan tâm đúng mức của Đảng, Nhà nước trong đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn.
- Sự nỗ lực lớn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, hội, đoàn thể... và sự phấn đấu cao của nông dân trong sản xuất và xây dựng nông thôn mới.
- Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật nông nghiệp được đưa vào sản xuất mang lại kết quả tốt.
2- Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế:
- Khách quan: Xuất phát điểm kinh tế nông thôn thấp; hạ tầng phục vụ nông nghiệp còn hạn chế; tác động xấu của thời tiết; nhiều loại dịch bệnh diễn biến phức tạp; giá cả biến động.
- Nguyên nhân chủ quan:
+ Một số cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm đầu tư đúng mức đến phát triển nông nghiệp, nông thôn; nhiều cán bộ lãnh đạo chưa thường xuyên sâu sát kiểm tra, để kịp thời đôn đốc, chỉ đạo phát triển nông nghiệp, nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động nông thôn.
+ Năng lực quản lý, điều hành của một số cấp chính quyền và ngành chức năng còn yếu kém, thiếu khả năng triển khai các chương trình, dự án.
+ Việc xây dựng đội ngũ cán bộ kể cả quản lý và chuyên môn cho nông nghiệp có lúc chưa được chú ý đúng mức. Một bộ phận cán bộ chuyên môn năng lực yếu, chưa sâu sát với thực tế; thiếu đội ngũ cán bộ chuyên gia có trình độ chuyên môn cao.
+ Trình độ sản xuất của phần lớn hộ nông dân còn thấp; ý thức bảo vệ môi trường sống và sản xuất chưa cao.
PHẦN THỨ HAI
MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU GIAI ÐOẠN 2011-2015
Trên cơ sở quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV xem việc đầu tư phát triển nông nghiệp bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới là một nhiệm vụ có tính đột phá trong giai đoạn 2011-2015, Tỉnh ủy xác định Chương trình hành động cụ thể để thực hiện như sau:
I- MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU:
1- Mục tiêu:
- Tiếp tục duy trì và thúc đẩy phát triển kinh tế ngành nông - lâm - thủy sản theo hướng bền vững, sản xuất hàng hóa, chất lượng cao, có sức cạnh tranh tốt, sản phẩm sạch đáp ứng nhu cầu đa dạng và phục vụ cho phát triển dịch vụ, công nghiệp, xuất khẩu. Chuyển dịch hợp lý cơ cấu ngành; gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp chế biến và phát triển dịch vụ ở nông thôn; cải thiện điều kiện sống của dân cư nông thôn, nhất là người nghèo; sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên gắn với bảo vệ môi trường bền vững.
- Tạo sự nhất quán về quan điểm việc huy động mọi nguồn lực, ưu tiên bố trí tăng thêm nguồn vốn ngân sách để đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, tạo một bước chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển nông nghiệp và nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.
2- Một số chỉ tiêu chủ yếu:
2.1- Chỉ tiêu về kinh tế ngành:
- Tốc độ giá trị gia tăng ngành nông - lâm - ngư nghiệp hàng năm (giai đoạn 2011-2015) đạt từ 3,5-4%.
- Đến năm 2015: tỉ trọng trồng trọt: 35%, chăn nuôi: 20%, thủy sản: 40%, dịch vụ nông nghiệp: 2,5%, lâm nghiệp: 2,5% trong cơ cấu ngành.
- Ổn định cơ bản quỹ đất lúa 2 vụ (có tưới) hơn 26.000 ha/năm, bảo đảm đạt sản lượng trên 32 vạn tấn/năm.
- Phấn đấu đến năm 2015:
+ Xây dựng vùng nguyên liệu cây công nghiệp chủ yếu theo quy hoạch (mía, sắn, cao su, dừa…) hơn 5 vạn ha.
+ Tổng đàn bò 245.000 con, trong đó tỉ lệ bò lai 65%; đàn lợn 170.000 con, trong đó lợn thịt hướng nạc chiếm 90%; gia cầm hơn 2 triệu con.
+ Sản lượng khai thác thủy sản đạt khoảng 40.000 tấn/năm, trong đó cá ngừ đại dương khoảng 6.000 tấn. Sản lượng thủy sản nuôi trồng trên 20.000 tấn.
- Tổng nguồn vốn ngân sách đầu tư phát triển nông nghiệp và nông thôn 5 năm (2011-2015) tăng gấp 2,5-3 lần so với giai đoạn 2006-2010.
2.2- Chỉ tiêu về xã hội: Phấn đấu đến năm 2015:
- Xây dựng ít nhất 25% số xã đạt tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.
- 15/18 làng nghề được công nhận.
- Nâng quỹ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn lên 87-88%.
- Tỉ lệ lao động nông thôn được đào tạo nghề đạt 41%; cơ cấu lao động khu vực nông - lâm - thủy sản giảm còn 56% so tổng lao động xã hội.
- Giảm tỉ lệ hộ nghèo ở nông thôn bình quân hàng năm trên 2%/năm (theo chuẩn giai đoạn 2011-2015).
2.3- Chỉ tiêu về môi trường, đến năm 2015:
- Nâng độ che phủ rừng lên 39-40%.
- Tỉ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt trên 90%, trong đó nước sạch đạt tiêu chuẩn 05 (Quy chuẩn 02) của Bộ Y tế khoảng 50%.
- Tỉ lệ hộ dân nông thôn có hố xí hợp vệ sinh đạt khoảng 85%.
II- NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU:
1- Phát triển ngành trồng trọt:
1.1- Ổn định sản xuất lương thực với chất lượng ngày càng cao:
- Quản lý chặt chẽ, đảm bảo ổn định quỹ đất sản xuất lúa nước 2 vụ trên 26.000 ha/năm, bảo đảm sản lượng trên 32 vạn tấn/năm. Tiến hành việc chuyển đổi, dồn điền, tích tụ ruộng đất ở những nơi có điều kiện, tạo thuận lợi áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Đồng thời tổ chức sản xuất giống và vận động nông dân sử dụng giống lúa xác nhận (đạt trên 80% diện tích). Xây dựng đồng lúa chất lượng cao ở những địa bàn có diện tích lúa nước lớn.
Tiếp tục đầu tư phát triển thủy lợi, nâng cao năng lực tưới, tiêu; nâng cấp, mở rộng phát triển một số cơ sở nghiên cứu, sản xuất, cung ứng giống lúa; tăng cường công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất; giảm thất thoát sau thu hoạch từ 13-15% hiện nay xuống còn 10-11%, bảo đảm cho người trồng lúa có lãi trên 30% so với tổng giá trị sản xuất. Chú trọng hỗ trợ cho nông dân các xã đặc biệt khó khăn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sản xuất lương thực, bảo đảm đáp ứng nhu cầu tại chỗ.
- Tăng diện tích trồng cây ngô lai lên trên 7.000ha vào năm 2015, với sản lượng khoảng 2,5 vạn tấn/năm.
1.2- Phát triển hợp lý các loại cây trồng phục vụ nhu cầu thực phẩm, dược liệu và nguyên liệu chế biến công nghiệp; trong đó cây rau, đậu các loại 12.500ha, sản lượng hơn 100.000 tấn sản phẩm/năm; chú trọng đầu tư phát triển vùng sản xuất rau an toàn và từng bước xây dựng thương hiệu đối với một số sản phẩm đủ điều kiện.
1.3- Rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển cây công nghiệp (mía, sắn, cao su, cà phê, hồ tiêu…) trên địa bàn tỉnh; trên cơ sở đó, ổn định vùng nguyên liệu mía, sắn, cao su… theo quy hoạch gắn với các nhà máy chế biến. Mở rộng một số diện tích trồng mía (giống mới) có tưới, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng năng suất bình quân chung cây mía lên hơn 60 tấn/ha, cây sắn lên 22 tấn/ha (năm 2015). Có kế hoạch tập trung giải quyết cơ bản việc phá rừng để trồng sắn, trồng mía. Phát triển cây cao su lên khoảng 7.000ha, đồng thời xúc tiến đầu tư cơ sở chế biến mủ cao su trên địa bàn tỉnh.
2- Phát triển ngành chăn nuôi:
Khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững gắn với an toàn dịch bệnh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất. Phấn đấu đến năm 2015, tỉ trọng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi chiếm 20% trong tổng cơ cấu ngành.
- Tập trung phát triển đàn bò theo hướng chăn nuôi trang trại tập trung, xa khu dân cư, kết hợp nuôi gia đình; vận động trồng cỏ, tận dụng phụ phẩm nông sản để bảo đảm thức ăn, đồng thời áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nhằm nâng cao chất lượng đàn bò. Chú trọng hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm bò Phú Yên.
- Phát triển đàn lợn phù hợp với từng vùng; khuyến khích chăn nuôi tập trung theo quy mô trang trại gắn với kiểm soát dịch bệnh, xử lý chất thải; sử dụng giống tốt, áp dụng công nghệ chăn nuôi tiên tiến để nâng năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất.
- Khuyến khích phát triển chăn nuôi gia cầm (chủ yếu là gà, vịt) theo quy mô trang trại, tập trung, xa khu dân cư; áp dụng các quy trình, kỹ thuật nuôi hiện đại, kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm từ trại chăn nuôi.
- Chú trọng việc nhân rộng một số đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cao.
3- Phát triển ngành thủy sản:
3.1- Khai thác thủy sản:
- Tăng cường công tác chỉ đạo các hoạt động khai thác thủy sản trên biển, nhất là khai thác xa bờ. Chú trọng công tác điều tra môi trường, nguồn lợi hải sản biển; dự báo, thông tin về khai thác hải sản để vừa giúp ngư dân khai thác có hiệu quả, vừa duy trì hệ thống thông tin về an toàn trên biển, giảm thiểu tai nạn, rủi ro trên biển, nhất là đối với đội tàu thuyền khai thác xa bờ.
- Hỗ trợ ngư dân đổi mới công nghệ đánh bắt, mở rộng hoạt động khai thác xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo theo tinh thần Quyết định số: 48/2010/QĐ-TTg, ngày 13/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Nghiên cứu xây dựng mô hình có tàu hậu cần phục vụ đánh bắt xa bờ. Sớm triển khai Chương trình hợp tác với Nhật Bản về thu mua, chế biến và xuất khẩu cá ngừ đại dương. Hỗ trợ xây dựng thương hiệu một số mặt hàng thủy sản Phú Yên, nhất là cá ngừ đại dương.
- Tàu thuyền hoạt động nghề cá đăng ký 100%, đăng kiểm 80%, tạo điều kiện tổ chức tốt hoạt động khai thác tại các ngư trường.
3.2- Nuôi trồng thủy sản:
Tiếp tục phát triển nuôi trồng thủy sản ở 3 khu vực: ven biển, nước lợ và nước ngọt theo quy hoạch về đối tượng, vùng nuôi với tổng diện tích khoảng 6.000ha/năm, đạt sản lượng trên 20.000 tấn.
Quản lý chặt chẽ vùng nuôi, đồng thời áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, giống phù hợp với điều kiện từng vùng, nhằm hạn chế dịch bệnh, tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả trong nuôi trồng. Tập trung phát triển một số đối tượng nuôi chủ lực như: tôm thẻ chân trắng, tôm sú, tôm hùm…; đồng thời mở rộng một số đối tượng nuôi có giá trị cao như: tu hài, sò huyết, bào ngư, cá bớp, cá lăng, cá ngựa… Chú trọng đầu tư hỗ trợ cho vùng nuôi tôm hùm TX Sông Cầu.
- Xã hội hóa việc sản xuất, cung ứng giống nuôi thủy sản gắn với công tác quản lý nguồn giống, chất lượng giống thủy sản, đảm bảo đủ nguồn giống chất lượng phục vụ yêu cầu phát triển nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh.
4- Phát triển lâm nghiệp: Phát triển lâm nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản xuất, đảm bảo bền vững, bảo vệ môi trường, tạo sự hài hòa về lợi ích giữa doanh nghiệp trồng rừng với hộ dân có rừng, sống gần rừng.
Thực hiện tốt chương trình bảo vệ và phát triển rừng, cơ bản hoàn thành việc thiết lập lâm phần ổn định cho 3 loại rừng; lập bản đồ và cắm mốc trên thực địa, để quản lý bền vững, hiệu quả toàn bộ diện tích rừng và đất lâm nghiệp. Khoán bảo vệ rừng 23.000ha, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng 5.000ha, trồng rừng mới 17.000ha (rừng phòng hộ đặc dụng 3.000ha, rừng sản xuất 14.000ha), trồng cây phân tán khoảng 1 triệu cây/năm. Chú ý việc đầu tư bảo vệ, phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn và rừng ven biển. Sớm hoàn thành giao đất khoán rừng, bảo đảm rừng có chủ.
- Sản xuất gỗ ổn định từ rừng tự nhiên khoảng 5.000m3/năm theo kế hoạch và đúng quy phạm; khai thác gỗ, củi ở rừng trồng kinh tế khoảng 100.000m3/năm gắn với phát triển công nghiệp chế biến.
- Tập trung lãnh đạo tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, xử lý nghiêm các vi phạm Luật quản lý bảo vệ rừng. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế tham gia bảo vệ, trồng rừng, nhất là trồng rừng kinh tế thâm canh; hiện đại hóa công nghệ khai thác, chế biến nhằm nâng cao giá trị lâm sản. Nghiên cứu phát triển một số cây trồng dưới tán rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
5- Tăng cường năng lực kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh cây trồng, vật nuôi; quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản:
- Kiện toàn, nâng cao năng lực hệ thống bảo vệ thực vật, thú y của tỉnh, nhất là ở cơ sở đảm bảo đủ năng lực triển khai các biện pháp sản xuất an toàn, phòng, chống dịch bệnh; làm tốt công tác dự báo, kiểm soát dịch bệnh. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát phòng trừ dịch bệnh cây trồng, vật nuôi, thủy sản; quản lý chặt chẽ chất lượng đầu vào (giống, vật tư, hóa chất…). Chú trọng công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân; thường xuyên thông tin tuyên truyền, nâng cao ý thức cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường vùng nuôi, phòng, chống dịch bệnh cây trồng, vật nuôi, thủy sản…
- Kiện toàn bộ máy, nâng cao năng lực cán bộ các bộ phận liên quan thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trên địa bàn tỉnh (Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản thuộc sở NN-PTNT, Chi cục VSATTP của ngành Y tế, Chi cục QLTT của ngành Công Thương…). Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra VSATTP. Tập trung giám sát, kiểm tra điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông sản tập trung như: các vùng trồng rau, quả; các cơ sở chăn nuôi, chế biến gia súc; vùng nuôi thủy sản chủ lực, có sản lượng hàng hóa lớn; các cơ sở sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, thủy sản... Đến năm 2015, phấn đấu 80% cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông sản được giám sát, kiểm tra về VSATTP. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật, nâng cao ý thức và trách nhiệm doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân và về đảm bảo VSATTP.
6- Đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất nông - lâm - thủy sản:
6.1- Phát triển hạ tầng thủy lợi (có phụ lục danh mục đầu tư kèm theo):
- Tiếp tục đầu tư xây dựng mới, nâng cấp hiện đại hóa hệ thống thủy lợi, nhất là thuỷ lợi miền núi, vùng khó khăn để nâng cao năng lực tưới, tiêu chủ động, phục vụ sản xuất trồng trọt, mở rộng diện tích tưới cho cây trồng, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, nông thôn.
- Ưu tiên bố trí vốn để thi công sớm hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình thủy lợi như: hồ La Bách (năm 2011), hồ Kỳ Châu (năm 2012), hồ Suối Vực (năm 2013), hồ Buôn Đức (năm 2012), kênh mương hồ Đồng Tròn (2012), nâng cấp hồ Xuân Bình, các kênh tưới dưới 150 ha của Dự án sử dụng nước sau nhà máy thủy điện Sông Hinh… và một số hồ, đập, trạm bơm khác trong kế hoạch 5 năm. Phối hợp với Bộ NN-PTNT sớm khởi công xây dựng công trình hồ chứa nước Mỹ Lâm.
- Tăng kinh phí hỗ trợ việc kiên cố hóa kênh mương; phấn đấu 80% kênh nội đồng ở các vùng được kiên cố hóa.
- Tiếp tục đầu tư hoàn thành và khai thác có hiệu quả các dự án thủy lợi phục vụ phòng, chống thiên tai như: Kè chống xói lở Bờ Nam hạ lưu sông Đà Rằng, Kè chống xói lở bờ sông - bờ biển khu dân cư Sông Cầu, Kè biển An Ninh Đông, Kè Bình Bá, một số đoạn trên sông Ba, sông Kỳ Lộ (sông Cái), sông Bàn Thạch; chỉnh trị cửa Đà Nông, cửa Tân Quy; triển khai thực hiện hệ thống đê biển ở những đoạn xung yếu… nhằm nâng cao năng lực phòng chống lụt bão, nước biển dâng, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.
- Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển nghề muối ở Sông Cầu.
6.2- Phát triển hạ tầng thủy sản:
- Đầu tư nâng cấp Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản và Trung tâm giống và kỹ thuật thủy sản đủ sức quản lý và hỗ trợ kỹ thuật cho nghề nuôi trồng thủy sản.
- Đầu tư, hỗ trợ để hình thành một số cơ sở sản xuất giống thủy sản đạt chất lượng tốt, phù hợp với quy hoạch, tạo điều kiện phục vụ phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Tiếp tục đầu tư các khu neo đậu tránh trú bão, bến cá, cảng cá, khu dịch vụ hậu cần nghề cá ở những nơi có điều kiện gắn với nhiệm vụ đảm bảo an ninh quốc phòng vùng ven biển, như: Dự án Cảng cá Phú Lạc; khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Đông Tác; dự án Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Phú Yên (phường Phú Đông); chợ đầu mối cá ngừ đại dương (phường 6); đầu tư hạ tầng và chỉnh trang vùng nuôi trồng thủy sản hạ lưu sông Bàn Thạch…
6.3- Phát triển hạ tầng kỹ thuật nông nghiệp:
- Đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực các Trung tâm giống và kỹ thuật cây trồng, vật nuôi, trại giống Hòa Đồng, Hòa An, Trung tâm ứng dụng và chuyển giao công nghệ… đảm bảo đủ sức tổ chức sản xuất, kiểm nghiệm, kiểm định, cung ứng cơ bản nhu cầu về giống cây trồng, vật nuôi. Chú trọng áp dụng công nghệ mới vào sản xuất giống. Có cơ chế, chính sách phù hợp thúc đẩy việc xây dựng vùng sản xuất giống xác nhận (lúa, mía, heo hướng nạc, gà, vịt…) phục vụ thâm canh.
- Đánh giá và tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu nông nghiệp áp dụng công nghệ cao Hòa Quang và ban hành cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư sử dụng công nghệ cao vào khu này. Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xây dựng, hình thành một số cơ sở sản xuất nông nghiệp công nghệ cao khác.
6.4- Tiếp tục đầu tư thực hiện Chương trình nước sạch và VSMTNT:
Huy động nhiều nguồn lực, tập trung đầu tư các công trình cung cấp nước sạch và VSMTNT theo hướng áp dụng công nghệ tiên tiến phù hợp, nhất là ở địa bàn các huyện miền núi; mở rộng, nâng công suất một số nhà máy nước ở các huyện, thị, thành phố, đảm bảo cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của nhân dân, nhất là vùng nông thôn, miền núi. Cải tiến phương pháp tổ chức, quản lý sau đầu tư đối với các công trình cung cấp nước sạch theo hướng giao quyền, phân cấp quản lý phù hợp gắn với quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của người sử dụng và đơn vị quản lý.
7- Phát triển ngành nghề nông thôn và đào tạo nghề cho lao động nông thôn:
- Triển khai đồng bộ các chính sách ưu đãi phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhất là các chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số: 61/2010/NĐ-CP, ngày 04/6/2010 của Chính phủ. Ưu tiên đầu tư phát triển các ngành, nghề chế biến nông, lâm, thủy sản; mở rộng các ngành nghề truyền thống hiện có, đồng thời đầu tư phát triển một số làng nghề mới gắn với khai thác nguyên, vật liệu tại chỗ, sử dụng nhiều lao động tại chỗ với công nghệ tiên tiến, kết hợp với công nghệ truyền thống, để tạo ra những sản phẩm đặc trưng, có chất lượng. Tạo điều kiện thu hút một số cơ sở chế biến các sản phẩm có triển vọng như: chế biến mủ cao su, chế biến và tiêu thụ tôm hùm, chế biến và tiêu thụ cá ngừ (liên kết với Nhật Bản)… Chú trọng phát triển các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp, nông thôn vừa và nhỏ.
- Đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết số: 155/NQ-HĐND, ngày 16/7/2010 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Phú Yên giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến 2020 gắn với yêu cầu thực tiễn, phù hợp với điều kiện từng vùng… nhằm tăng cơ hội tìm kiếm việc làm cho lao động nông thôn, thúc đẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế và lao động nông thôn, góp phần thúc đẩy nông thôn phát triển nhanh và bền vững.
8- Tiếp tục đầu tư các dự án, công trình nông thôn trên cơ sở hoàn chỉnh quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới theo bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới:
Triển khai hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, trước mắt trong năm 2011 quy hoạch xong 20 xã điểm và ưu tiên đầu tư tại 3 huyện miền núi, theo hướng quy hoạch phải đảm bảo tính kế thừa và phát triển bền vững. Phấn đấu đến năm 2015 mỗi huyện, thị xã, thành phố xây dựng 2-3 xã đạt tiêu chí nông thôn mới.
- Sớm hoàn thành việc sắp xếp, bố trí lại các khu dân cư ở các vùng có nguy cơ lũ quét, sụt lở đất, ngập lụt, triều cường.
- Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ, chính trị cho cán bộ cơ sở, đảm bảo đạt chuẩn theo quy định của Bộ Nội vụ, đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới. Trong đó, mỗi xã có từ 1 đến 2 kỹ sư chuyên ngành (nông, lâm, thủy sản, địa chính…) trong bộ máy công chức xã; xây dựng đội ngũ cán bộ thú y cơ sở ít nhất có bằng trung cấp thú y trở lên, đảm bảo quản lý, giám sát, phòng chống dịch bệnh vật nuôi tại cộng đồng.
- Nghiên cứu và có biện pháp hỗ trợ phù hợp để hình thành các tổ chức gom rác và xử lý rác thải từng thôn, xã trên cơ sở nâng cao nhận thức và huy động hộ dân trong cộng đồng tham gia là chính.
9- Tiếp tục đẩy mạnh thu hút nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn đầu tư phát triển nông nghiệp bền vững:
- Đẩy mạnh việc thu hút, đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn bằng nhiều hình thức phù hợp; tranh thủ sự hỗ trợ của trung ương, kết hợp nguồn lực của địa phương, huy động nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu, chủ động chuẩn bị các dự án và vốn đối ứng để thu hút các nguồn vốn ODA(1), hoặc kêu gọi đầu tư theo các hình thức BOT(2), BT(3), PPP(4)... để đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là các công trình thủy lợi, hạ tầng khu nông nghiệp áp dụng công nghệ cao Hòa Quang - Phú Hòa, các công trình đê, kè, sông, biển…
- Đảm bảo bố trí vốn ngân sách đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn trong 5 năm (2011-2015) khoảng 2.100-2.200 tỉ đồng, tăng hơn 2,5 lần so giai đoạn 2006-2010 (không kể các công trình giao thông từ cấp huyện trở lên, lưới điện trên 22KV, bưu điện, cấp nước huyện).
- Rà soát, bổ sung các cơ chế, chính sách ưu đãi phù hợp, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt ở các vùng khó khăn gắn với xây dựng nông thôn mới. Bổ sung nguồn vốn tín dụng phục vụ cho vay đối với hộ cận nghèo nông thôn.
- Kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành các dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn đã được khởi công hoặc đã được phê duyệt. Hoàn thành dự án RE2 trong năm 2011. Sớm chuyển giao lưới điện nông thôn cho ngành điện quản lý để đủ sức đầu tư nâng cấp lưới điện và cấp điện ổn định đến hộ gia đình. Tiếp tục thực hiện tốt chương trình giao thông nông thôn, mỗi năm phấn đấu mỗi xã xây dựng 1km đường bê tông, đến năm 2015 có trên 70% đường thôn, xã được kiên cố hóa; đồng thời chú ý phát triển giao thông nội đồng phục vụ sản xuất. Chú trọng công tác giảm nghèo, cơ bản xóa xong nhà tạm hộ nghèo (kể cả số hộ nghèo theo tiêu chuẩn mới).
- Rà soát, quy hoạch mới phục vụ phát triển chuyên ngành, sản phẩm chủ lực; tổ chức thực hiện hiệu quả các quy hoạch, kế hoạch và các dự án phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn đã được phê duyệt. Thực hiện công khai, minh bạch việc sử dụng đất đai và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác đã được phê duyệt. Đồng thời, kiểm tra, soát xét lại các dự án đầu tư (kể cả dự án FDI), qua đó xử lý, thu hồi các dự án thực hiện không đúng mục tiêu, không đúng quy định, hiệu quả kém, gây ô nhiễm môi trường.
- Tăng cường quản lý đầu tư XDCB trên tất cả các khâu trong quá trình đầu tư xây dựng; kiện toàn, nâng cao năng lực các ban quản lý dự án, nhất là ban quản lý dự án thủy lợi, đảm bảo đủ năng lực quản lý, triển khai các dự án trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn.
10- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực quản lý điều hành của chính quyền các cấp; sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể:
- Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, hội, đoàn thể phải xác định phát triển nông nghiệp bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp thiết, vừa lâu dài để lãnh đạo, tạo sự thống nhất cao trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững gắn với thực hiện Chương trình hành động số 30-CTr/TU của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
- Chính quyền các cấp tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên tất cả các mặt, đảm bảo thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2011-2015.
- Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở nông thôn; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình, dự án liên quan đang triển khai trên địa bàn.
- Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ chuyên gia, cán bộ có trình độ cao trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, cán bộ quản lý nhà nước… đảm bảo đủ năng lực quản lý, triển khai thực hiện hoàn thành mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
- Tăng cường công tác kiểm tra các khoản thu đối với nông dân. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho nông dân; xóa bỏ hủ tục lạc hậu ở nông thôn, miền núi. Đảm bảo an ninh nông thôn.
PHẦN THỨ BA
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1- Các cấp ủy Đảng từ tỉnh đến cơ sở tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện Chương trình hành động này của Tỉnh ủy gắn với việc học tập, quán triệt, thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV. Xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện phù hợp với cấp, ngành mình để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đạt kết quả. Hoàn thành việc tổ chức quán triệt ở cấp huyện và tương đương trong tháng 8/2011, cấp cơ sở trong tháng 9/2011.
2- Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện; đồng thời chỉ đạo các cấp, các ngành theo chức năng và nhiệm vụ xây dựng kế hoạch cụ thể, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu Chương trình hành động của Tỉnh ủy.
3- Ban cán sự đảng UBND tỉnh và Văn phòng Tỉnh ủy giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo dõi, đôn đốc, định kỳ tham mưu sơ, tổng kết việc thực hiện Chương trình này.
-----------------------------
(1) ODA: Hỗ trợ phát triển chính thức.
(2) BOT: Hợp đồng Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao.
(3) BT: Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao.
(4)PPP: Đầu tư theo theo hình thức đối tác công – tư.
T/M TỈNH UỶ
BÍ THƯ
ĐÀO TẤN LỘC